Cuộc chiến Mỹ-Trung và nhân quyền

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Người Việt

Bất chấp lệnh cấm của chính quyền, người dân Hong Kong vẫn tiếp tục biểu tình, đeo khẩu trang trước trạm cảnh sát Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) hôm 12 Tháng Mười, 2019. Ảnh: Anthony Kwan/ Getty Images

Ngày 7 Tháng Mười, 2019, Bloomberg đưa tin, chính quyền Tổng Thống Donald Trump quyết định đưa 28 công ty và cơ quan chính phủ, trong đó có tám công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách bị cấm hoạt động làm ăn kinh doanh với các công ty Mỹ nếu không nhận được giấy phép của chính phủ Mỹ.

Nhóm này bao gồm cả hai công ty sản xuất video giám sát bao gồm Hangzhou Hikvision Digital Technology Co và Zhejiang Dahua Technology Co. Đây là hai công ty lớn của Trung Quốc, hiện nắm khoảng 1/3 thị phần toàn cầu về sản phẩm Camera giám sát.

Khác với các lý do trừng phạt các công ty Trung Quốc trước đây như Huawei Technologies là dựa trên quan điểm bảo vệ an ninh quốc gia. Lý do của lệnh cấm mới là các các công ty nêu trên bị cáo buộc vi phạm nhân quyền với cộng đồng Hồi Giáo thiểu số tại tỉnh Tân Cương, Trung Quốc.

Bộ Thương Mại Mỹ nhấn mạnh: “Nhóm các công ty kể trên đã có một số hoạt động xâm phạm đến nhân quyền, giám sát bằng công nghệ cao với cộng đồng Hồi Giáo thiểu số tại khu vực nói trên.”

Như vậy, đây là lần đầu tiên, vấn đề nhân quyền được đặt ra làm lý do trừng phạt các công ty Trung Quốc.

Điều này đã đề cập một phần nào vấn đề từ bấy lâu nay nhiều người quan tâm: Nhân quyền và nền dân chủ trong làm ăn, hợp tác dưới thời Donald Trump có được coi trọng?

Từ khi lên nắm quyền, Tổng Thống Donald Trump bị nhiều người chỉ trích không chú ý nhiều đến dân chủ, nhân quyền trên thế giới, nhất là với các đối tác Cộng Sản như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, Cuba… Ở đó, chính quyền cai trị người dân bằng bạo lực. Họng súng, nhà tù là câu trả lời cho người dân đòi hỏi quyền con người, nền dân chủ.

Với người Việt trong nước, chính quyền Cộng Sản tỏ ra bất chấp, thi hành chính sách bất dung đối với nhân dân, đặt ra các luật lệ, quy định quái gở nhằm tước bỏ quyền con người của người dân, bắt bớ hàng trăm con người bỏ tù chỉ vì lý do duy nhất là họ dám mở miệng dám đứng lên đòi hỏi quyền làm người.

Do đó, nếu có những hy vọng vào những tác động của thế giới bên ngoài, của các quốc gia hùng mạnh làm áp lực lên chế độ độc tài, buộc phải để cho người dân có những quyền tối thiểu là điều dễ hiểu.

Làm sao để thế giới hay các quốc gia khác có thể tác động vào quyền con người, nền dân chủ trong các thể chế độc tài?

Trong chế độ Cộng Sản, việc đàn áp, cướp đoạt quyền con người vẫn thường xuyên xảy ra, bất chấp xu thế của thời đại, bước đi của thế giới, miễn là đảng độc tài được quyền lực vô biên, cướp đoạt và phè phỡn trên máu xương đồng bào mình. Bởi điều mà chế độ Cộng Sản quan tâm không phải là sự phồn thịnh của đất nước, không phải là hạnh phúc của người dân mà là chiếc ghế quyền lực của mình.

Thế nhưng, các chế độ đó chỉ có thể hoành hành khi quốc gia đó, chế độ đó chấp nhận sự cô lập và sự nghèo nàn lạc hậu như Bắc Hàn, Cuba hiện tại. Điều hiển nhiên là khi quốc gia nghèo nàn, tụt hậu và chậm tiến bộ, thì đảng cầm quyền cũng không lấy đâu ra nguồn lực, tài nguyên tiền của để tham nhũng và cướp bóc cho thỏa mãn cơn khát vật chất của cải của mình. Mặt khác, khi người dân đói nghèo đến cùng kiệt, thì bản thân chế độ độc tài cũng khó có thể giữ vững sự cai trị của mình mà luôn có nguy cơ bị làn sóng phẫn uất nhấn chìm.

Do vậy mâu thuẫn đặt ra là làm sao để xã hội vẫn có thể làm ra nhiều sản phẩm, nhưng vẫn giữ bằng được vị trí độc tôn, độc tài của mình mà ra sức vơ vét. Chính điều đó, buộc các quốc gia này phải hòa nhập vào dòng chảy của thế giới trong làm ăn, buôn bán và các hoạt động khác. Thế nên phải chấp nhận những “luật chơi” mà thế giới văn minh đã đặt ra. Cũng qua đó, quyền cơ bản của người dân cũng như nền dân chủ xã hội được cải thiện.

Nhưng, điều đó chỉ có khi các quốc gia phát triển, hùng mạnh đặt vấn đề đạo đức xã hội, nhân quyền và dân chủ đi cùng với giao thương trong quan hệ của mình, buộc các quốc gia độc tài phải thay đổi.

Thế nên, Tổng Thống Donald Trump với chương trình hành động “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại,” “Nước Mỹ trước hết,” ông tập trung những vấn đề, những kế hoạch hành động, thậm chí nhiều khi phản cảm với các giá trị dân chủ Mỹ nếu ông thấy có lợi cho đất nước Mỹ. Ông cũng ít khi đề cập cụ thể và thẳng thừng với các chế độ độc tài về quyền con người hay nền dân chủ đang bị đánh cắp ở các dân tộc đó. Điều này đã làm nhiều người thất vọng.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra hơn một năm qua, cho chúng ta thấy nhiều điều.

Trước hết, đó là cuộc đọ sức hiếm có giữa hai đất nước mà đã có lịch sử mấy chục năm qua “xích lại gần nhau” bất chấp chế độ chính trị khác biệt. Chính cuộc “xích lại gần nhau” này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc từ đói nghèo kiệt quệ bước lên trưởng thành và trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới.

Để rồi đến lúc chính đất nước này từ chỗ là “đối tác” chuyển thành “đối trọng” và “đối tượng” của đất nước Hoa Kỳ, thách thức quyền lực cũng như vị trí của cường quốc Hoa Kỳ. Đến khi đó, hẳn nhiên là cuộc chiến sẽ nổ ra và đó lại là cuộc đọ sức kịch liệt nhất.

Những trận chiến từ thuế quan đến công nghệ đã nhanh chóng cho thấy một sự thật rằng: Nếu trước đây, Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền rằng “Đế quốc Mỹ chỉ là con hổ giấy” thì người ta thấy rất rõ ai đang là “Con hổ giấy.”

Chỉ sau một năm thương chiến, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 30 năm qua, từ đà tăng trưởng đạt mức kỷ lục 14,2% vào năm 2007, mục tiêu tăng trưởng xuống chỉ còn 6-6,5% trong 2019.

Theo Viện Tài Chính Quốc Tế (IIF), tính đến quý I năm nay, tổng số nợ của các doanh nghiệp, hộ gia đình và chính phủ ở Trung Quốc tăng vọt lên đến 303% GDP nước này, tương đương tới $40.000 tỷ.

Và tác hại còn chưa dừng lại khi hàng loạt công ty nước ngoài đã rủ nhau rút chạy khỏi thị trường Trung Quốc, hàng triệu việc làm bị mất trắng. Những công ty công nghệ của Trung Quốc vốn dựa dẫm vào trí tuệ nước ngoài, ăn cắp bản quyền đã phải điêu đứng khi Mỹ khép chặt cánh cửa an ninh công nghệ, sẽ đối mặt với những thách thức và muốn vượt qua không phải dễ dàng.

Các cuộc biểu tình tại Hong Kong đã kéo dài suốt bốn tháng qua và chưa cho thấy dấu hiệu chấm dứt. Cả thế giới chú ý nên nhà cầm quyền Trung Quốc không dễ dàng ra tay làm lại một Thiên An Môn như trước đó.

Hong Kong là trung tâm tài chính và thương mại quan trọng của khu vực và thế giới. Nhưng không chỉ kinh tế, mà nền chính trị độc tài đã bị thách thức thẳng thừng. Dù cố bưng bít thì tin tức hình ảnh từ Hong Kong đã vượt khỏi đường biên, đổ vào đại lục những đợt sóng hiểu biết về quyền con người, về dân chủ, tự do. Qua đó, chế độ độc tài khó có thể kiểm soát con người Trung Quốc như trong quá khứ.

Và điều khó chịu của Trung Quốc, là Tổng Thống Donald Trump đã thẳng thắn chỉ trích chế độ Cộng Sản và ủng hộ những người dân Hong Kong. Chính phủ Mỹ thẳng thừng phản đối chính sách bành trướng của Trung Quốc và ủng hộ các quốc gia láng giềng.

Rồi đến nay, vấn đề nhân quyền được đặt ra gắn với các điều kiện thương mại. Đây có thể coi là một điểm yếu chết người của chế độ độc tài.

Những thế cờ, những bước đi đó, đã đặt Trung Quốc vào tình thế “Trong ngoài lục đục, trên dưới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán.” Do vậy, việc bảo đảm vững chắc sự tồn tại cai trị của Tập Cận Bình nói riêng, đảng Cộng Sản Trung Quốc nói chung đang bị thách thức và lung lay.

Và một viễn cảnh đặt ra trước đây là “Xé Trung Quốc ra làm nhiều mảnh” để xóa tan mộng bá chủ thế giới đã manh nha xuất hiện.

Khi quan thầy Cộng Sản Trung Quốc lung lay, thì đàn em Cộng Sản Việt Nam đâu dễ dàng làm mưa làm gió.

Và đó là cơ hội cho quyền con người cũng như nền dân chủ Việt Nam có cơ hội mọc mầm và phát triển.

Hẳn nhiên, với Tổng Thống Donald Trump thì mọi hành động, việc làm vẫn cứ “Nước Mỹ là trước hết.” Thế nên, những quốc gia độc tài, người dân cũng chẳng nên hy vọng ai có thể làm thay những nhiệm vụ của chính mình. Họ chỉ có thể hưởng lợi và vận dụng những tình hình thay đổi, từ những khó khăn mà các chế độ độc tài đã, đang và sẽ đối mặt mà thôi.

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn: Người Việt