Những Tranh Chấp Quyền Lực Trước Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam Kỳ X

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Theo một nguồn tin từ trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam tiết lộ thì trước khi Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương đảng nhóm họp từ ngày 15 đến 24 tháng 1 năm 2005 để chuẩn bị cho đại hội X sẽ khai diễn vào giữa năm 2006, Bộ Chính Trị có họp riêng với hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Trong phiên họp này, Đỗ Mười và Lê Đức Anh ’đề nghị’ Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng phải xử lý về tư cách đảng viên của Tướng Nguyễn Nam Khánh và một số nhân vật khác vì đã bất tuân theo những cách giải quyết của Ban bí thư liên quan về vụ bê bối trong Tổng cục 2. Cụ thể ra, Lê Đức Anh tỏ ra bất mãn Bộ Chính Trị vì đã không ’mạnh tay’ xử lý những người đang tố cáo vụ án Tổng Cục 2, khiến cho vấn đề ngày một trầm trọng hơn. Cũng trong phiên họp này, cả Đỗ Mười và Lê Đức Anh chia xẻ ý kiến trực tiếp về bản báo cáo tổng kết 20 năm đổi mới của Bộ Chính Trị soạn thảo. Điều mà ông Mười và ông Anh đã khuyến cáo Bộ Chính Trị, nên coi Trung Quốc là ngọn cờ của đổi mới, cần phải noi gương trong tiến trình thoát xác vỏ cộng sản. Buổi họp này đã là đầu giây mối nhợ, làm bùng nổ những tranh chấp giữa các phe nhóm không chỉ là những đấu đá về quyền lực mà còn là những tranh cãi về hướng đi của đảng Cộng sản trong thời gian tới. Bài phân tích này sẽ trình bày về nguyên nhân và hậu quả của những tranh đoạt quyền lực trong thượng tầng đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

I- Những Nguyên Nhân:

Mô hình sinh hoạt chung của các đảng Cộng sản là dựa trên dân chủ tập trung. Chính mô hình này đã sản sinh ra nhiều phe nhóm và những phe nhóm này ’cộng sinh’ với nhau để chia chác quyền và lợi cho những người liên hệ trong nhóm. Khi quyền và lợi không phân chia đồng đều hoặc bị phản bội thì tranh chấp quyền lực bắt đầu bùng nổ, dẫn đến những hình thái đấu đá lẫn nhau rất đa dạng. Nhưng sau một thời gian tranh chấp, có một vài phe sẽ liên kết với nhau để tìm thế thượng phong thì khi đó, sự tranh chấp sẽ giảm đi khi có một phe nào đó vượt lên giành thế chủ động. Trong 75 năm tồn tại, đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ suy trầm, với nhiều phe nhóm xuất hiện như phe Lê Duẩn – Lê Đức Thọ, phe Nguyễn Văn Linh, phe Trường Chinh, phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh, phe Võ Văn Kiệt, phe Lê Khả Phiêu, phe Võ Nguyên Giáp, phe Phạm Thế Duyệt, phe Đào Duy Tùng, phe Nguyễn Hà Phan, phe Trần Xuân Bách.. . Những phe nhóm này tuy người cầm đầu đã chết hay bị thất sủng, nhưng họ vẫn còn một số đàn em tiếp tục duy trì phe hay lập một nhóm riêng để tranh giành ảnh hưởng, và cứ như thế, vấn đề đấu đá giữa các phe kéo dài bất tận.

Từ sau khi Lê Khả Phiêu bị ép phải bỏ cuộc đua chức Tổng Bí Thư trong đại hội đảng lần thứ IX vào năm 2001, thay thế bởi Nông Đức Mạnh, một người được coi là trung dung không thuộc phe nhóm nào, thì nội tình lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam rơi vào thế ’cá mè’ một lứa. Đó là không phe nào có đủ tầm vóc để vươn lên nắm thế chủ đạo, cuối cùng các phe ở vào thế ’dựa vào nhau để tồn tại; dè chừng nhau để thủ thế’. Trong bối cảnh đó, những nhóm cựu trào như phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh, phe Võ Nguyên Giáp, phe Lê Khả Phiêu, phe Võ Văn Kiệt, phe Phạm Thế Duyệt đã trở thành những thái thượng hoàng, đứng đàng sau bóng tối hậu trường để giật dây các phe nhóm mới còn yếu thế ở trong Bộ Chính Trị hay Trung uơng đảng. Trong các phe thuộc loại thái thượng hoàng này, đáng kể là phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh, phe Võ Nguyên Giáp, phe Võ Văn Kiệt. Trong khi đó phe Lê Khả Phiêu và phe Phạm Thế Duyệt bị cô thế nên chỉ đóng vai trò trung gian hoặc hùa theo một phe nào đó khi họ thấy có lợi còn không chỉ sống vật vờ như đám lục bình.

Trong nội bộ của Bộ Chính Trị hiện nay, đa số ngã theo phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh như các ông Trần Đức Lương, Trần Đình Hoan, Phan Diễn, Phạm Văn Trà, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Hồng Anh, Nguyễn Phú Trọng. Số còn lại thì ngã theo phe Võ Văn Kiệt như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Phan Văn Khải, Trương Tấn Sang. Trong Bộ Chính Trị không có nhân sự nào theo phe Võ Nguyên Giáp; nhưng ông Giáp lại được lòng nhóm cựu chiến binh và một số nhân sự trong Trung uơng đảng nên tiếng nói của ông Giáp còn ảnh hưởng. Nói chung là trong Bộ Chính Trị hiện thời đa số ngã theo phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh. Điều này cho thấy là tại sao Bộ Chính Trị không những không có hành động nào mạnh để giải quyết vụ Tổng cục 2 mà lại còn bao che nhân sự của phe Lê Đức Anh, khi thăng chức Trung Tướng cho Nguyễn Chí Vịnh, nguyên chủ nhiệm tổng cục 2. Bình thường ra – theo sự tố cáo của nhiều tướng lãnh cao cấp – Hà Nội đã phải cho điều tra khẩn và mang ra tòa xét xử để bảo vệ uy tín của đảng; nhưng đằng này, họ chỉ mang một số con dê ra tế thần, trong khi thủ phạm lại ung dung sống ngoài vòng pháp luật.

Từ những bất mãn nói trên, làn sóng chống đối giữa các phe lại gia tăng, đặc biệt là những công kích hiện đang nhắm vào Lê Đức Anh rất nhiều, vì dính líu đến vụ bê bối của Tổng Cục 2. Có thể nói là trong các vụ tranh chấp từ trước đến nay, vụ Tổng Cục 2 thuộc bộ quốc phòng đang làm cho Hà Nội điên đầu vì cả hai phía đều có những thế lực mạnh đứng đàng sau. Phe Tổng cục 2 có Lê Đức Anh che chở, phe chống lại Tổng Cục 2 có Võ Nguyên Giáp đứng làm ngọn cờ, quy kết các thành phần chống đối viết bài công kích Lê Đức Anh một cách thậm tệ. Trong khi đó, bộ ba Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải lại không có tư thế mạnh ở trong đảng nên các ý kiến của Lê Đức Anh, Đỗ Mười có ảnh hưởng lớn. Ngoài ra, với bản chất ’nô lệ’ quan thầy từ thời Hồ Chí Minh, các phe nhóm trong đảng, một phần cũng xuất phát từ các quan hệ với một số thế lực bên ngoài, như một chỗ dựa ’an toàn’ khi những đấu đá tới hồi quyết liệt. Hiện nay trong nội bộ lãnh đạo Hà Nội chia làm ba khuynh hướng trong quan hệ đối ngoại.

1/ Khuynh hướng thân Trung Quốc và coi Bắc Kinh là mẫu mực của cải cách chiếm đa số trong thành phần lãnh đạo. Có thể nói là gần 2/3 nhân sự lãnh đạo hiện nay trong Bộ Chính Trị, Trung ương đảng và một số cơ quan chính phủ đều thân Bắc Kinh và đang muốn đảng có những thay đổi đường lối giống như đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành từ năm 2002 cho đến nay. Nói cách khác, nhóm thân Trung Quốc đứng đầu là Đỗ Mười, Lê Đức Anh và cả Lê Khả Phiêu đều cho mô hình thoát xác của Trung Quốc là phải học để áp dụng tại Việt Nam. Người đại diện cho khuynh hướng này đang chăm chỉ học hỏi là Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch hội đồng lý luận trung ương.

2/ Khuynh hướng thân Hoa Kỳ chỉ mới bén rễ từ năm 1995 khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận và nối lại quan hệ ngơại giao từ năm 1997. Cổ xúy cho phái thân Hoa Kỳ là Võ Văn Kiệt, Nguyễn Mạnh Cầm, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng kể cả Võ Nguyên Giáp. Nhóm này thấy rằng chỉ có con đường thân Hoa Kỳ mới từng bước gỡ Việt Nam ra khỏi vòng lệ thuộc Bắc Kinh và đẩy nhanh tiến trình cải cách. Sau này khi Nguyển Mạnh Cầm về hưu, Nguyễn Di Niên lên thay thế đã cùng với Vũ Khoan đẩy mạnh các quan hệ đối ngoại, nhất là ký được Thương Ước với Mỹ nên khuynh hướng thân Mỹ đã lan rộng trong nội bộ đảng và trở thành một lực đáng kể để đối đầu lại với phe thân Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng đã tìm mọi cách tạo ảnh hưởng của mình lên một số nhóm trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện Phạm Văn Trà thăm Mỹ năm 2003, hai tàu chiến Hoa Kỳ ghé cảng Sài Gòn và Đà Nẵng vào năm ngoái, đồng thời Phan Văn Khải sẽ thăm Hoa Kỳ chính thức vào tháng 6 năm 2005 đã cho thấy sự tiếp cận của Hoa Kỳ đối với một số lãnh đạo Hà Nội ngày một nhiều.

3/ Khuynh hướng đứng giữa các khuynh hướng thân Tàu hay Mỹ chỉ là một thiểu số trong Bộ Chính Trị và Trung ương đảng vì không hưởng được những quyền lợi nào nên không tỏ thái độ theo Mỹ hay Tàu. Nhóm này có thể nói là không đáng kể trong tình hình giằng co giữa hai khuynh hướng đi theo Mỹ hay Tàu.

Nói tóm lại, nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp trong nội bộ đảng chỉ vì sự va chạm quyền và lợi giữa các phe không phân chia đồng đều. Tình trạng này không bao giờ có thể giải quyết vì lối tổ chức mang đầy tính bưng bít và đe dọa bạo lực của đảng cũng như nguyên tắc ’cộng sinh’ đã trở thành nếp sống khó thay đổi trong một xã hội cai trị theo kiểu gia trưởng.

II- Những Hậu Quả:

Hậu quả đầu tiên của những xung đột quyền lực giữa các phe nói trên, nhất là sự khống chế mạnh mẽ của phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh lên bộ chính trị hiện nay, đã làm cho bộ phận lãnh đạo tê liệt và chỉ phản ứng theo quyền và lợi của phe nhóm liên hệ. Chỉ nhìn qua cách Hà Nội phản ứng về vụ 9 ngư dân Việt Nam tại Thanh Hóa bị tàu tuần dương của Trung Quốc bắn chết hôm mồng 8 tháng 1 năm 2005, đủ thấy là nhóm lãnh đạo rất lúng túng khi phải tỏ thái độ đối với Bắc Kinh. Trong khi đó nhìn qua vụ thả một tù nhân chính trị nhân vụ Ất Dậu ta thấy là Cộng sản Việt Nam lo sợ những áp lực của Hoa Kỳ về quy chế ’quốc gia đáng quan tâm’ (CPC) nên đành phải thả một số tù chính trị, ra trước thời hạn để mong Hoa Kỳ không còn đặt vấn đề vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo vào thời hạn chót là ngày 15 tháng 3 năm 2005 tới đây. Người ta gọi lề lối ứng xử của Việt cộng qua hai sự kiện này là đu giây. Tình trạng này đã dẫn đến một số hệ quả trong thời gian tới như sau:

1. Tranh Giành Thế Thượng Phong Trong Đại Hội X.

Sự kiện Đỗ Mười và Lê Đức Anh gặp riêng Bộ Chính Trị trước khi họp khóa 11 của Trung Uơng Đảng cho thấy là cả Mười lẫn Anh còn muốn phe mình phải chiếm ưu thế trong việc sắp xếp nội bộ đại hội đảng kỳ X. Đối kháng lại việc này, Võ Văn Kiệt, từ Sài Gòn đã gửi một lá thư cho Bộ chính trị và ban bí thư yêu cầu ban chấp hành Trung ương trả lại quyền quyết định cao nhất của đảng là đại hội đại biểu, với một đoàn chủ tịch đại hội có đầy đủ thẩm quyền chứ không phải làm vì, ngồi chơi xơi nước. Ông Kiệt muốn đại hội X lần này, việc bầu bán và đề cử các trách vụ Trung Ương phải diễn ra dân chủ và công khai ngay tại đại hội, chứ không do một thế lực nào đứng đàng sau dàn dựng và sắp xếp. Lá thư của ông Võ Văn Kiệt đã cho người ta thấy là hai phe Kiệt và Mười – Anh đang ghìm nhau trong việc tranh giành thế ảnh hưởng trong lần tổ chức đại hội tới. Ai cũng biết, ông Kiệt và ông Mười – Anh đã đụng nhau một cách kịch liệt vào những năm tháng chuẩn bị đại hội VIII vào năm 1995 và 1996. Rốt cuộc thì cả hai phe đều ’bất phân thắng bại’, đến năm 1997, ông Lê Khả Phiêu làm cuộc đảo chánh khiến cho ba ông Mười – Anh – Kiệt phải đi về hưu vào đầu năm 1998.

Như trên đã trình bày, phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh có nhân sự và nắm giữ toàn bộ những cơ sở trọng yếu nên phe ông Kiệt khó có thể đốn ngã. Do đó, ông Kiệt chỉ có thể gián tiếp dùng ảnh hưởng của mình qua các đại biểu tham dự đại hội để tạo một số biến chuyển. Cho nên ông Kiệt đã đòi hỏi nguyên tắc tổ chức đại hội X phải ’dân chủ’ và ’công khai’, để ngăn chận các ảnh hưởng của phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh. Theo nhiều nguồn tin thì Nông Đức Mạnh sẽ ra đi và người sẽ thay thế là Nguyễn Phú Trọng để làm Tổng Bí Thư vì Trọng vừa được lòng phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh và có sự tín nhiệm đối với Bắc Kinh. Trong quân đội thì Phạm Văn Trà vẫn còn được Lê Đức Anh tín nhiệm để tiếp tục trấn thủ những đánh phá của một số người về vụ bê bối trong Tổng cục 2 có dính líu đến Lê Đức Anh. Trong công an thì Lê Hồng Anh vẫn tiếp tục tín nhiệm vì vừa qua, Lê Hồng Anh đã được Lê Đức Anh vận động để được phong làm đại tướng công an.

2. Tiếp Tục Đấu Đá Về Vụ Tổng Cục 2:

Vụ án Tổng Cục 2 sẽ là đích tấn công của các phe liên hệ. Đầu năm 2004, Tướng Giáp đã khai pháo phanh phui vụ án nhưng không tấn công đích danh Lê Đức Anh. Đến khi tướng Nguyễn Nam Khánh, đại diện một số tướng lãnh về hưu đứng ra ủng hộ lời đề nghị của Tướng Giáp và công kích tướng Lê Đức Anh đã bao che những việc làm sai trái của Tổng cục 2 thì hàng loạt lá thư tố cáo các tội ác và những sai phạm của tập đoàn Lê Đức Anh được gửi đi từ Hà Nội, gây một sự chú ý trong dư luận. Đặc biệt là đầu tháng 2 vừa qua, ba cựu chiến binh của Hà Nội là các ông Phạm Văn Xô (nguyên ủy viên Trung Ương đảng khóa 3), ông Đồng Văn Cống (Trung ương, nguyên tư lệnh quân khu 4, phó tổng thanh tra quân đội), ông Nguyễn Văn Thi (nguyên ủy viên ban cán sự đảng) đã viết thư gửi cho Bộ Chính Trị, ủy ban kiểm tra đảng để đòi hỏi siêu tra lại lý lịch của Lê Đức Anh và tố cáo một số hành động man khai của Lê Đức Anh cũng như tạo phân hóa, lũng đoạn trong nội bộ. Có thể nói Lê Đức Anh hiện đang là đầu têu của vụ án Tổng cục 2 và nếu sự chống đối ngày một mạnh có thể gây nguy hại đến tiến trình tổ chức đại hội X vì phe Lê Đức Anh đang cố giành thế thượng phong trong việc sắp xếp nhân sự cho đại hội.

3. Điều Chỉnh Hướng Đi Trong Thời Gian Tới:

Ngoài những khuynh loát để dành thế thượng phong trong đại hội X, phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh còn lèo lái đại hội để thông qua một số quan điểm làm nền tảng cho sự thay đổi lý luận của đảng hiện nay. Cụ thể ra sau hơn 2 năm làm việc giữa Hội đồng lý luận của Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh rất hài lòng về sự tiếp thu các quan điểm thay đổi của phía Hà Nội. Do đó,trong chiều hướng chuẩn bị lý luận cho đại hội X, cán bộ lý luận của Bắc Kinh sẽ sang Hà Nội hỗ trợ. Cụ thể ra, Hà Nội sẽ theo Trung Quốc điều chỉnh một số tư duy chính như sau:

Thứ nhất, đề cao tính dân tộc và nếu cần phát động phong trào chống Trung Quốc giả để lấy lại uy tín. Trong vài năm qua, Hà Nội đã liên tục nói đến vấn đề đại đoàn kết, đây là bước chuẩn bị để làm giảm đi tính chất đảng mà thay vào đó ý niệm dân tộc. Tức là Hà Nội đang cố cạo rửa gốc cộng sản để thay vào đó là giai cấp đại diện cho dân tộc chứ không còn là công nông như trước đây. Đây là điều mà Hà Nội cũng như Trung Quốc đã làm.

Thứ hai, xóa bỏ từ ngữ bóc lột để cho đảng viên làm giàu và có thể sẽ đi đến giống như trường hợp Trung Quốc đã làm là cho thành phần tư sản cùng tham gia vào đảng. Nói cách khác, điều lệ đảng Cộng sản sẽ có thể thay đổi để cho thành phần giàu có sau 20 năm làm áp phe trong nền kinh tế thị trưòng xã hội chủ nghĩa được tham gia vào đảng.

Nói tóm lại, hậu quả của những tranh chấp quyền lực một cách gay gắt và kéo dài trong một thời giàn dài, đã làm biến thái đảng cộng sản trở thành một tập đoàn bị chi phối bởi một phe nhóm để phục vụ cho quyền và lợi riêng của họ, còn quốc gia, dân tộc hay hạnh phúc toàn dân chỉ là chiêu bài mà thôi.

III- Kết Luận:

Còn hơn một năm nữa, đại hội đảng Cộng sản Việt Nam kỳ X mới khai diễn; nhưng người ta đã thấy ngay kết quả của nó từ nay. Ngoại trừ Đỗ Mười hay Lê Đức Anh bị đột tử thì mới có những biến chuyển lớn, còn không thì mọi sắp xếp sẽ đi theo sự chủ đạo của phe Đỗ Mười – Lê Đức Anh. Nhưng thay vào đó thì đảng sẽ không còn tính đoàn kết như xưa mà sẽ rã thành nhiều mảnh, với sự đấu đá ngày một kịch liệt. Hiện nay, những đấu đá đang tập trung vào sự triệt hạ uy tín cá nhân Lê Đức Anh với nhiều thư rơi, kiến nghị của thành phần cựu chiến binh hay đảng viên lão thành. Tuy những chống đối này có một số ảnh hưởng trong nội bộ, nhưng nó sẽ không làm bùng nổ lớn nếu không có hai động lực sau đây tham gia. Thứ nhất là thành phần đảng viên trung tầng đang nắm giữ những cơ chế kinh tế, chính phủ tham gia và ủng hộ. Thứ hai là thành phần trí thức trong xã hội góp sức để vạch trần những lũng đoạn của phe Lê Đức Anh. Không có hai thành phần này tham gia, vụ án Tổng Cục 2 sẽ chỉ ở mức đấu đá qua lại mà khó có thể bùng nổ lớn. Người ta hy vọng là với những khuynh loát của phe Đỗ Mười và Lê Đức Anh trong đại hội X để ép đảng đi theo hướng của Bắc Kinh sẽ gây ra những chống đối lớn và đương nhiên ít nhiều có những ’hỗ trợ’ nào đó từ phe thân Mỹ.

Trong tinh thần đó, chúng ta thấy là đảng Cộng sản Việt Nam không thể nào ngày một mạnh lên mà sẽ chỉ ngày một suy thoái vì nạn phân hóa. Nhưng đảng này sẽ không tan rã nếu chúng ta không có khả năng huy động đồng bào quốc nội đứng lên đấu tranh như các phong trào quần chúng nổi dậy ở Đông Âu, Liên Xô xảy ra cách nay 15 năm và gần nhất là tại Nam Dương cách nay vài năm. Muốn như vậy, chúng ta phải coi trận thế trong thời gian tới chính là quốc nội chứ không chỉ là hải ngoại như những năm trong thời kỳ còn chiến tranh lạnh. Đó là phải tích cực mở các cuộc tiếp cận với đồng bào tại quốc nội, để giúp họ nắm bắt thông tin, hiểu rõ nội tình đảng cộng sản, sẵn sàng đứng lên đấu tranh. Trong thế trận ngày hôm nay, chúng ta không thể vạch ranh giới để rồi cố thủ tại hải ngoại; trong khi đồng bào ở trong nước đang cần sự tiếp sức của chúng ta ngay tại trận địa quốc nội để vượt thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của chế độ từ các mặt đời sống cho đến những sinh hoạt văn hóa, xã hội, tự thiện, tôn giáo… hầu kết tụ thành những tập hợp, đứng lên đòi thay đổi như các phong trào quần chúng đã từng xảy ra ở Đông Âu, Liên Xô. Không có những phong trào quần chúng mang đặc tính dân sinh này, khó mà tạo ra những bất ổn chính trị, từng bước đẩy lùi chế độ Hà Nội trên con đường xây dựng đa nguyên xã hội như Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã lên tiếng. Đây là một xu thế tất yếu của tình hình Việt Nam hiện nay và cũng là con đường ngắn nhất, hữu hiệu nhất để chấm dứt ách độc tài Cộng sản – canh tân Việt Nam.

Đoàn Hùng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.