Ở Việt Nam giờ có những đảng nào?

FB Nguyễn Trường Sơn

Pita Limjaroenrat (áo trắng), lãnh đạo của đảng Move Forward, vẫy tay chào những người ủng hộ ông, Bangkok,15/4/2023. Ảnh: AP/ Wason Wanichakorn

Tôi nhận được câu hỏi trên khi tới thăm trụ sở của đảng Move Forward ở Thái Lan cách đây hai tháng.

Đó là thời điểm mà cuộc tổng tuyển cử đã đến gần, trụ sở của đảng này trở nên vắng tanh vì tất cả mọi người đều đã lên đường đi vận động tranh cử, nhưng không vì thế mà không khí năng động của một đảng trẻ (cả về số năm hoạt động lẫn độ tuổi của người ủng hộ), bị giảm sút đi.

Nói chuyện với những người ở đây tôi cảm nhận rõ được nhiệt huyết cống hiến, sự sáng tạo, và niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước của họ.

Vẻ đẹp của tinh thần dấn thân vì xã hội và đất nước được lột tả một cách không thể sống động hơn.

Quay trở lại với câu hỏi mà một bạn tình nguyện viên làm việc ở trụ sở đảng Move Forward hỏi tôi về tình hình chính trị ở Việt Nam. Tôi đáp lại rằng ở Việt Nam chỉ một đảng được phép tồn tại, và đó là đảng Cộng Sản.

“Nhưng tôi đang cố gắng để thay đổi điều đó”. Tôi thầm nghĩ trong lòng.

Với chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra, đảng Move Forward đang đứng trước một cơ hội rất lớn để trở thành đảng cầm quyền, và từ đó thay đổi Thái Lan.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận thách thức phía trước là rất lớn, vì phe quân đội sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực, và cũng vì đây là một đảng non trẻ, chưa từng có kinh nghiệm lãnh đạo chính phủ.

Cuộc tổng tuyển cử dân chủ ở Thái Lan, một nước hàng xóm của Việt Nam, cho thấy khát vọng dân chủ không chỉ tồn tại ở những nước Phương Tây xa xôi khác biệt, hay ở những nước bị coi là “con rối” của Mỹ như cách nhiều người ở Việt Nam vẫn nói về Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lần này, dân chủ diễn ra ở ngay sát vách Việt Nam.

Không rõ đảng Cộng Sản sẽ nghĩ ra lời bao biện nào tiếp theo để thuyết phục người dân về việc không cần phải có dân chủ ở Việt Nam. Khi mà giờ đây, người dân ở một nước hàng xóm với chúng ta đang cho thấy họ mong muốn dân chủ đến nhường nào.

Vấn sẽ là văn hoá khác biệt chăng? Hay lịch sử khác biệt? Hay lại là bài ca “nước ta vừa trải qua chiến tranh”?

Nhưng chắc chắn sẽ không thể tiếp tục cáo buộc dân chủ là giá trị phương tây nữa rồi. Vì Thái Lan đâu phải ở trời tây.

Là người đã từng sinh sống ở Thái Lan gần 5 năm, tôi nhận ra Việt Nam và Thái Lan có nhiều sự tương đồng hơn là điều khác biệt.

Vì vậy, với những gì đang diễn ra ở Thái Lan, tôi càng thêm xác quyết rằng thực trạng ở Việt Nam, nơi đảng Cộng Sản vẫn tiếp tục độc quyền lãnh đạo và không cho phép ai cạnh tranh với họ, là không thể chấp nhận được, và không thể biện minh được nữa.

Đã đến lúc đất nước chúng ta có nhiều hơn một đảng chính trị, đã đến lúc nguyện vọng của người dân được lắng nghe và thực thi, và đã đến lúc vai trò lãnh đạo phải được nhận lấy thông qua sự tín nhiệm của nhân dân thay vì cha truyền con nối.

Bao nhiêu đảng cũng được, nhưng dứt khoát không phải là độc đảng!

Nguồn: FB Nguyễn Trường Sơn