Sự sụp đổ của Hong Kong và tương lai các nền dân chủ Châu Á

Tỉ phú Lê Trí Anh (trái) và Hoàng Chi Phong (phải): Hai trong số các khuôn mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh bảo vệ nền dân chủ của Hong Kong trước móng vuốt của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Phần 2 của loạt bài “Chính biến ở Myanmar, đại hội đảng CSVN 13 và sự sụp đổ của Hong Kong: Trung Quốc đang vẽ lại bản đồ Châu Á như thế nào?”

Những “kẻ thực dân xâm lược” người Anh đã mất cả trăm năm để xây dựng một Hong Kong trở thành “hòn ngọc Châu Á,” biểu tượng rực rỡ nhất cho một xã hội tự do cá nhân được tôn trọng, Pháp Quyền được thực thi và dân chủ được Hiến Pháp bảo vệ. Thế nhưng, những người theo chủ nghĩa cộng sản – thứ chủ nghĩa luôn xưng danh là chủ nghĩa đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng con người… theo tinh thần nguyên thủy của Marx – đã đạp đổ thành tựu vô song ấy tan tành trong chốc lát.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền dân chủ trong đơn độc và tuyệt vọng của 6 triệu người dân Hong Kong đã bị đảng Cộng Sản Trung Quốc nghiền nát bằng “bạo lực cách mạng.” Phương Tây và Hoa Kỳ đã đứng nhìn Tập Cận Bình tái hiện lại cuộc thảm sát Thiên An Môn ở ngay thế kỷ 21. Không có một biện pháp đủ mạnh để dừng bàn tay của tên đồ tể giết chóc ngoài những ồn ào truyền thông, phản đối ngoại giao và tweet…

Tuy họ Tập không đem xe tăng vào Causeway Bay để nghiền nát những thanh niên Hong Kong như ở ngay quảng trường Thiên An Môn vào rạng sáng ngày 4 tháng Sáu, 1988 nhưng các cuộc trấn áp âm thầm, trong bóng tối, thủ tiêu, bỏ tù những tiếng nói đấu tranh dân chủ đã không kém phần tàn bạo và sắt máu.

Người viết có một người thân làm việc cho hãng Hàng Không Cathay Pacific, Hong Kong. Anh là một người trầm lặng, một tài năng về công nghệ và rất yêu Hong Kong. Năm 1997, gần như tất cả gia đình anh đã di cư sang Anh khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc. Những người ở thế hệ của anh biết về cuộc thảm sát ở Thiên An Môn và hiểu thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Người anh trai làm cho chính phủ thuộc địa đã thuyết phục anh di cư nhưng anh từ chối và ở lại. Chính vì anh ở lại Hong Kong nên người mẹ – tức bác của người viết, cũng chọn ở lại cùng với người con trai. Trong cuộc nói chuyện gần đây, anh nói rằng rất hối hận vì đã không di cư cùng gia đình và bây giờ điều đó đã quá muộn (chính quyền đặc khu cấm công dân Hong Kong di cư dưới bất cứ lý do nào). Mặc dù công việc của anh hiện vẫn ổn nhưng giờ đây cuộc sống của người Hong Kong đã rất khác.

Bằng một giọng buồn bã anh nói “Hong Kong đã chết rồi!” và cho biết chỉ trong năm 2020, tỷ lệ tội phạm hình sự đã tăng 4 lần và nền kinh tế rơi vào trạng thái chết lâm sàng bởi làn sóng biểu tình suốt năm 2019 và đàn áp chính trị khốc liệt. Việc bắt bớ, quấy nhiễu và xâm phạm quyền tự do cá nhân hết sức nghiêm trọng. Nhiều nhân viên Cathay Pacific đã bị buộc phải thôi việc vì tham gia biểu tình. Không ai có thể hiểu nổi nỗi đau đớn, sự phẫn uất tột cùng khi bị chà đạp và tước đoạt những quyền Tự Do hơn chính những người Hong Kong.

Phải chăng, người ta chỉ có thể nhận thức “không gì quí giá hơn Tự Do” chỉ khi điều thiêng liêng này bị tước đoạt, khi bị xịt hơi cay vào mặt một cách vô cớ, bị những kẻ nhân danh “luật pháp” có thể xông vào nhà riêng của bạn giữa đêm, bị những chiếc giày đinh thúc vào mạng sườn, bị quấn chặt băng keo vào mặt, bị cướp bóc của cải, bôi nhọ danh tiếng, bỏ tù không cần xét xử… thì lúc đó người ta mới nhận ra cái giá của Tự Do cũng quí giá không kém gì Cuộc Sống?

Đối với một số người, họ có thể chọn cuộc sống mà không có Tự Do nhưng người viết tin rằng cũng còn rất nhiều người yêu Tự Do và sẵn sàng đánh đổi bất kể điều gì kể cả Cuộc Sống để chọn Tự Do. Những người Hong Kong chân chính, đáng kính như tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) hay Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) là những người như vậy. Chỉ đơn giản họ hiểu rằng tất cả là vô nghĩa nếu Tự Do cá nhân và nền Dân Chủ không còn.

Có không ít người trong “thế hệ vàng” của Lê Trí Anh đã xây dựng nên một Hong Kong diễm lệ, thịnh vượng bậc nhất ngày hôm nay là những người Quảng Đông, Phúc Kiến xuất thân từ giới cùng đinh nghèo khổ trốn chạy khỏi quê nhà tìm kiếm con đường sống ở Hong Kong. Họ đã có được cuộc đời huy hoàng ở mảnh đất mà họ được quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, tài sản và sức lao động, tri thức của họ được pháp luật bảo vệ. Khi đến Hong Kong họ không có gì trong tay nhưng Tự Do đã cho họ tất cả. Đó cũng là lý do mà những người như ông  Lê Trí Anh bất chấp tù đày, hay bị tước đoạt tài sản, bị phỉ báng, cô lập, khủng bố… vẫn can đảm xuống đường đấu tranh bảo vệ các giá trị Tự Do và Dân Chủ . Những thế hệ tiếp nối như Hoàng Chi Phong đã xứng đáng là những hậu duệ tinh hoa của xứ Cảng Thơm mạnh mẽ, bất khuất.

Giờ đây nhiều người tin vào lý thuyết “hiệu ứng cánh bướm” của Edward Norton Lorenz thì chẳng khó khăn gì nhìn thấy mối liên hệ rõ ràng giữa sự sụp đổ nền dân chủ 100 năm ở Hong Kong cho đến cái chết yểu của nền dân chủ mới tròn 5 năm tuổi ở Myanmar mà trong đó có cùng một tác nhân, cùng một tham vọng mang tên “giấc mộng Trung Hoa.” Trung Cộng đang thúc đẩy nhanh tiến trình bành trướng, xâm lược, đàn áp các nền dân chủ ở Châu Á một cách trực tiếp can thiệp như ở Hong Kong hoặc gián tiếp lật đổ chính thể dân sự ở ở Myanmar bằng hậu thuẫn cho cuộc đảo chính quân sự, thao túng chính trị và kinh tế ở Cambodia, Việt Nam, Laos, Philippines,… để thiết lập các thể chế độc tài chư hầu, phục vụ cho chiến lược thống trị toàn cầu của mình.

Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới của bà Thái Anh Văn đã làm cho rất nhiều người Hong Kong xúc động khi bà khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ phong trào Dân Chủ ở Hong Kong, tiếp tục chào đón  những người Hong Kong tị nạn trốn khỏi sự đàn áp của Trung Quốc Cộng Sản Đảng và động viên người dân giữ niềm tin vào chế độ Dân Chủ “Chế độ dân chủ có thể không hoàn hảo, nhưng cho tới nay đó vẫn là chế độ tốt nhất cho xã hội loài người. Xin hãy vững tin và đừng bỏ cuộc.

Đài Loan dưới thời bà Tổng Thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã trở thành “chốt chặn” đầy thách thức trước bá quyền nhuộm đỏ Châu Á của Tập Cận Bình. Người phụ nữ giản dị, nhỏ bé nhưng đầy mạnh mẽ này đang tạo ra một cảm hứng to lớn cho những người yêu Tự Do và Dân Chủ trên khắp thế giới, đặc biệt ở Châu Á. Quốc đảo nhỏ xíu với dân số chỉ khoảng 23 triệu người đang tự tin chống lại một thể chế độc tài hùng mạnh nhất thế giới, một quốc gia với 1,3 tỷ dân đầy lòng thù hận và tự tôn “Đại Hán.” Đó giống như một cuộc đối đầu giữa David và Goliath vậy. Không rõ, phép lạ có một lần nữa được hiển lộ hay không? Nhưng người Đài Loan có những thực lực đáng kể và sự chuẩn bị chu đáo mọi mặt để sẵn sàng cho cuộc đấu sinh tử bảo vệ nền Độc Lập và Dân Chủ của mình.

Việc xây dựng một nền dân chủ quả thực không phải dễ dàng. Trong số hàng trăm cuộc bầu cử dân chủ đã được tiến hành ở khắp Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ la tinh diễn ra trong vòng 15 năm qua chỉ vài cuộc bầu cử có thể nhen nhóm thành công những nền dân chủ mong manh. Mọi quốc gia và dân tộc đều khao khát tự do và dân chủ. Nhưng việc xây dựng nền dân chủ thực sự và lâu bền, cùng với quyền lợi và các biện pháp bảo vệ nó thì khó khăn hơn nhiều. Những người dân Hong Kong hay Myanmar đã chứng kiến việc nền Dân Chủ bị chà đạp và Tự Do bị cướp bóc ngay trong tay họ như thế nào.

Trong 5 luận cứ mà Jared Diamond đưa ra để xem xét các nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc một nền văn minh hay một chủng tộc, quốc gia bị hủy hoại, diệt vong gồm có các yếu tố ảnh hưởng của con người hủy hoại thiên nhiên, môi trường (luận cứ 1), đến việc biến đổi khí hậu (luận cứ 2), các yếu tố quan hệ với xã hội lân cận cùng hợp tác (luận cứ 3), mối quan hệ với xã hội thù địch (luận cứ 4), và cuối cùng là các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa trong xã hội đó khiến cho xã hội nhận thức và giải quyết được các vấn đề môi trường (luận cứ 5). Bằng một sự uyên bác tới khó tin với kiến thức tổng hợp đa ngành sâu sắc, Jared Diamond đã đưa ra những phân tích xác đáng về sự suy tàn các nền văn minh và dân tộc, quốc gia từ quá khứ tới hiện đại. Trong đó, có những nghiên cứu mẫu tiêu biểu như về sự biến mất của tộc người Viking Na Uy, xã hội Maya, sự tan rã của Liên Xô hay suy tàn của Montana…

Và một điều khiến người viết bàng hoàng nhận ra rằng tất cả những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn các xã hội đã được Jared Dimond chỉ ra trong hai tác phẩm lừng danh “Sụp Đổ” (Collapse – 2005) hay “Súng, Vi Khuẩn và Thép” (Guns, Germs, and Steel – 1997) đều là những vấn đề nhức nhối, trầm kha mà các quốc gia nằm trên lộ trình “nhất đới, nhất lộ” của Trung Quốc đang phải đối mặt. Không ai khác, tác nhân thúc đẩy tiến trình làm suy vong và tan rã các dân tộc nhược tiểu đó là Trung Quốc Cộng Sản Đảng. Thậm chí, ngay cả Hong Kong có thực lực kinh tế hùng mạnh, có nền dân chủ lâu đời cũng dễ dàng bị Bắc Kinh dẫm nát, hủy hoại vì tham vọng quyền lực vô hạn của những tay đồ tể ở Nam Trung Hải.

Dù sự suy tàn của các xã hội là khác biệt nhưng cũng đều có những điểm chung giống nhau. Người viết cũng đồng ý với cả 5 luận cứ của Jared Dimond. Nhưng từ sự sụp đổ của Hong Kong và tiếp tới là Myanmar, có lẽ một trong những con đường ngắn nhất để làm một xã hội rơi vào hỗn loạn và suy tàn là tước đoạt Tự Do cá nhân và bóp chết nền Dân Chủ ở xã hội đó. Đó chính xác là những gì Trung Cộng sẽ lần lượt thực hiện với tất cả các quốc gia Đông Nam Á nằm trong vùng ảnh hưởng của tham vọng toàn cầu của con rồng Trung Hoa.

Tân Phong

XEM THÊM:

Phần 1: Khi giấc mơ dân chủ tan vỡ

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Phó Tổng Thống Lại Thanh Đức (William Lai, trái) và bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đại diện Đài Loan tại Mỹ, trong liên danh đại diện đảng DPP đương quyền ứng cử cuộc bầu cử tổng thống đầu năm 2024. Ảnh: Sam Yeh/AFP via Getty Images

Đài Loan bầu tổng thống: Chiến tranh hay hòa bình?

Chỉ một tháng nữa 23,5 triệu dân Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc Hội. Bắc Kinh đe nẹt người Đài Loan sẽ phải chọn “chiến tranh hay hòa bình,” trong khi giới quan sát quốc tế nhận định, cuộc bầu cử này là một bước ngoặt sẽ quyết định tương lai Đài Loan, hoặc sẽ củng cố chủ quyền quý giá của đảo quốc, hoặc sẽ gia tăng xung đột, thậm chí chiến tranh, giữa hai bờ eo biển.

Tàu khu trục Mỹ USS Milius trong cuộc hải hành ở eo biển Đài Loan hôm 16/4/2023. Ảnh: AP

Mỹ và các đồng minh châu Á “sẵn sàng đứng lên” bảo vệ ổn định tại eo biển Đài Loan

Kết thúc cuộc họp ba bên Mỹ – Nhật – Hàn tại Seoul vào sáng nay 09/12/2023, Cố vấn An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng của Mỹ, Jake Sullivan khẳng định Washington và các đồng minh sẵn sàng “đứng lên” vì “ổn định hòa bình tại eo biển Đài Loan, vì quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông và Hoa Đông.”

Hội luận trực tuyến chủ đề "75 năm Quốc Tế Nhân Quyền: Góc nhìn khác về hiện tình Việt Nam" lúc 9:30 tối thứ Sáu ngày 8/12/2023

Hội luận trực tuyến “75 năm Quốc Tế Nhân Quyền: Góc nhìn khác về hiện tình Việt Nam”

Hội luận trực tuyến chủ đề “75 năm Quốc Tế Nhân Quyền: Góc nhìn khác về hiện tình Việt Nam” lúc 9:30 tối thứ Sáu ngày 8/12/2023 với sự góp mặt của các diễn giả: Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cựu Tù nhân Lương tâm Paulus Lê Sơn và cựu TNLT Nguyễn Viết Dũng do MC Thanh Lan điều hợp.

Không gian Xã hội dân sự và các quyền tự do, dân chủ Việt Nam bị đóng kín, theo kết quả báo cáo khảo sát của liên minh quốc tế CIVICUS tổng kết năm 2023. Ảnh chụp màn hình VOA

Báo cáo: Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam ‘bị đóng kín’ trong năm 2023

Không gian dân sự được định nghĩa là “sự tôn trọng luật pháp, chính sách và thực tiễn đối với các quyền tự do lập hội, nhóm họp và biểu đạt ôn hòa cũng như mức độ mà nhà nước bảo vệ các quyền cơ bản này.”

Năm nay Việt Nam chỉ đạt 13/100 điểm, sau cả Cuba 14/100 điểm. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Hà Nội bị liệt vào danh sách đen này kể từ lần đầu tiên xếp hạng vào năm 2018.