Tokyo Được Gì Khi Tái Viện Trợ ODA Cho Hà Nội

Ngô Văn

Chuyện Tokyo nối lại viện trợ ODA cho Hà Nội là điều người ta đã dự đoán. Vì vậy, không mấy ai ngạc nhiên khi nghe Ngoại trưởng Nhật, ông Hirofumi Nakasone, hôm 23 tháng 2 vừa qua công bố quyết định sẽ cấp lại viện trợ ODA có bồi hoàn cho Việt Nam. Nhưng, tại sao vừa mới ngưng, rồi chỉ hai tháng sau đã cấp lại, là điều làm người ta quan tâm, và muốn tìm hiểu xem Tokyo có ý định gì qua việc ngưng rồi tái viện trợ này.

Thật ra, không phải kể từ khi vụ PCI nổ ra thì Tokyo mới biết cán bộ, quan chức CSVN tham nhũng, hối lộ, rút ruột các dự án xây dựng từ tiền viện trợ ODA. Họ đã biết từ lâu, nhưng không muốn đưa ra ánh sáng; vì sợ dư luận, và nhất là sợ các đảng đối lập đặt vấn đề để công kích. Còn việc tiền viện trợ ODA có được sử dụng hiệu quả để cải thiện đời sống cho người dân Việt Nam hay không, chẳng phải là mối quan tâm hàng đầu của Tokyo. Vì đây là tiền cho vay, trước sau gì người Việt Nam cũng phải nai lưng ra trả nợ, chứ không thể quỵt được. Nếu không muốn thuộc loại con nợ xấu.

Một viên chức cao cấp của cơ quan Hiệp Lực Quốc Tế (viết tắt là JICA), trực thuộc bộ Ngoại giao Nhật tiết lộ rằng, vụ PCI đã làm cho người đứng đầu cơ quan này, và một nhân sự đầu não của Ngân Hàng Hiệp Lực Quốc Tế (viết tắt là JBIC) ở Hà Nội bị kỷ luật, phải thay đổi chức vụ và nhiệm sở.

Nếu ngay từ đầu chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng đã đáp ứng yêu cầu của Công tố viện Tokyo, cho tiến hành điều tra những quan chức liên hệ đến vụ nhận tiền hối lộ của hãng PCI, thì tình hình sẽ khác. Nhưng ông Dũng đã không làm như vậy, mà còn cho rằng, không có bằng chứng xác đáng, và trách cứ Tokyo đã không tiến hành đúng theo thủ tục ngoại giao, khi yêu cầu Hà Nội hợp tác điều tra. Ông Dũng thừa biết thuộc hạ của ông tham nhũng hối lộ, cũng như Tokyo không làm sai nguyên tắc ngoại giao, nhưng vẫn tuyên bố mạnh miệng; khiến chính phủ Nhật vừa bị áp lực của Tổ chức Cạnh Tranh Lành Mạnh Thế Giới, vừa bị các đảng đối lập và người dân Nhật chỉ trích, nên không còn cách nào khác hơn là phải ngưng viện trợ ODA cho Việt Nam. Như vậy mà Việt Nam vẫn đòi hỏi Nhật phải đón tiếp ông Nguyễn Tấn Dũng theo nghi thức ngoại giao chính thức, khi ông ta sang Tokyo để cam kết một số điều kiện do Nhật đưa ra; hầu nhận lại được viện trợ. Nhiều chuyên gia Nhật về vấn đề Việt Nam nhận xét rằng, chắc chắn là ông Dũng biết là bộ Ngoại giao Nhật khó mà chấp nhận đòi hỏi đó, nhưng vẫn đưa ra, chỉ vì ông ta không muốn đến Tokyo để cam kết, hay nói đúng hơn là để xin lỗi.

Nhật biết rõ tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã trở thành thệ thống từ trung ương đến địa phương là điều Việt Nam không thể nào ngăn chận nổi. Nhưng, Nhật chỉ cần phiá Việt Nam chính thức cam kết đáp ứng một số đòi hỏi do Nhật đưa ra, là sẽ được tái cấp viện trợ. Đồng thời cũng cảnh cáo rằng, sẽ ngưng viện trợ bất cứ lúc nào, nếu Hà Nội vi phạm. Qua hướng giải quyết vừa kể, Tokyo vừa giải tỏa được phần nào sự bất mãn của người dân, và những chỉ trích từ các định chế quốc tế; vừa áp lực được Hà Nội cả về chính trị lẫn kinh tế, để bắt Hà Nội phải dành ưu tiên cho Nhật nhiều hợp đồng kinh tế lớn và dài hạn. Hà Nội càng vi phạm thì Tokyo càng có lý do để bắt chính quyền CSVN phải nhượng bộ, nếu không muốn bị ngưng viện trợ ODA.

Để nhận lại nguồn viện trợ ODA, Hà Nội đã cam kết với Tokyo một số điều kiện, trong đó có việc thành lập Ủy Ban Hỗn Hợp Việt-Nhật, để soạn thảo các biện pháp phòng chống tham nhũng liên quan đến các dự án từ tiền viện trợ ODA của Nhật. Nếu phát hiện tiêu cực thì ủy ban này sẽ tiến hành điều tra ngay. Đến tháng 6 này, Việt Nam phải hoàn thành việc sửa đổi một số luật lệ, để quy định rõ ràng việc xử lý thông tin liên quan đến nghi vấn tham nhũng trong các dự án ODA, và phải bảo đảm an toàn cho nhân chứng, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Đồng thời phải minh bạch thông tin về đấu thầu trong các dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ yen, từ tiền viện trợ ODA của Nhật…

Nếu nhờ vào những cam kết vừa nêu mà tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở Việt Nam bớt đi phần nào, thì cũng là điều đáng mừng cho Việt Nam. Nhưng, với lòng tham không đáy của cán bộ, quan chức đảng và nhà nước CSVN, cộng thêm ý đồ của Tokyo là muốn lợi dụng tệ nạn tham nhũng để dễ dàng bắt chẹt, hầu dành thêm quyền lợi kinh tế ở Việt Nam, thì viễn ảnh “đáng mừng” vừa kể rất mong manh. Và như thế đất nước Việt Nam sẽ ra sao? Chỉ có một điều chắc chắn là, không ai thương Việt Nam bằng người dân Việt Nam, và cũng chẳng ai thật tâm giải quyết các vấn nạn của Việt Nam thay cho người Việt Nam. Vì vậy, nếu dân ta không tự đứng lên giải quyết các vấn nạn của Việt Nam, mà tiên quyết là chấm dứt cái chế độ đã gây ra những vấn nạn đó, thì dân tộc ta sẽ phải nhận lãnh mọi hậu quả, ngay trong hiện tại, cũng như trong tương lai về sau.