Nhìn Lại Vụ Tham Nhũng Giữa Cán Bộ Thành Phố Sài Gòn Và Công Ty PCI Nhật Bản

Trung Điền
Hồ Xuân Sơn.

Trong những ngày vừa qua, dư luận trong nước đã bàn tán nhiều về câu phát biểu khá bậy của Thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn, nhưng biểu hiện tính chất gia trưởng của chế độ Cộng sản Việt Nam thời hậu đổi mới hiện nay. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tại Việt Nam, ông Hồ Xuân Sơn cho biết là Hà Nội rất bất bình về việc báo chí Nhật loan tải vụ nhiều cán bộ cao cấp tại thành phố Sài Gòn nhận hối lộ từ công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Duơng (PCI) của Nhật Bản để trúng thầu xây cất xa lộ Đông – Tây Sài Gòn, do chính phủ Nhật Bản tài trợ trong dự án ODA. Nguồn tin phía Nhật Bản cho biết người đứng đầu trong 4 cán bộ cao cấp tại Thành Phố Sài Gòn nhận hối lộ lên đến 820 ngàn Mỹ Kim là Phó Giám đốc Sở Giao thông công chánh thành phố Sài Gòn. Ông Hồ Xuân Sơn nói rằng phía Hà Nội đã yêu cầu phía Nhật Bản nên giữ kín chuyện cán bộ cao cấp thành phố Sài Gòn nhận hối lộ vì còn đang trong tiến trình điều tra. Và vì chưa có kết luận cuối cùng nên không thể cho các cơ quan truyền thông của hai nước loan tải.

Khi nội vụ bị báo chí Nhật Bản phanh phui trên mặt báo, Hồ Xuân Sơn còn nói rằng những dữ kiện mà phía Hà Nội nhận được từ cơ quan tư pháp Nhật, liên quan đến những cáo buộc ’hối lộ’ của các cán bộ cao cấp tại thành phố Sài Gòn của công ty Nhật PCI còn quá sơ sài và chưa phù hợp với thủ tục pháp lý của phía Việt Nam. Hồ Xuân Sơn còn tấn công báo chí Nhật là thiếu khách quan, có thông tin không đúng sự thật và gieo nghi ngờ trong dư luận Nhật cái gọi là ’quyết tâm chống tham nhũng đến cùng’ của phía Việt Nam. Những phát biểu của ông Hồ Xuân Sơn đã dựa trên lập luận của Sở kế hoạch đầu tư và ban quản lý dự án xây dựng xa lộ Đông Tây Sài Gòn công bố gần đây rằng qua điều tra không tìm thấy một dấu hiệu tiêu cực nào trong việc công ty PCI hối lộ cho cán bộ sở giao thông công thành phố Sài Gòn. Thậm chí ban quản lý dự án xa lộ Đông Tây còn tuyên bố một cách chắc nịch rằng qua điều tra, mọi diễn tiến đấu thầu đều đúng theo thủ tục pháp lý của Việt Nam và chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBCI).

Qua những phát biểu của ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng ngoại giao Hà Nội và qua những khẳng định của ban quản lý dự án xa lộ Đông Tây thành phố Sài Gòn, không hề có chuyện công ty PCI hối lộ cán bộ thành phố tại Sài Gòn để trúng thầu. Quy trình đấu thầu đã diễn ra rất hợp với khuôn khổ luật pháp Việt Nam. Điều khẳng định này có hai câu hỏi được nêu ra:

1/ Nhân viên của công ty PCI hết chuyện làm nên mới dựng ra chuyện hối lộ để bị cơ quan tư pháp Nhật Bản điều tra và bắt bỏ tù chơi.

2/ Cộng sản Việt Nam đã toa rập với nhau – từ bộ ngoại giao đến thành phố Sài Gòn – để phủ nhận mọi cáo buộc của công ty PCI về vụ tham nhũng.

Cả hai câu hỏi trên – tuy không ai tin – nhưng đó là sự thật và là điều diễn ra bình thường dưới chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam. Việc một công ty ngoại quốc đưa tiền cho cán bộ Việt cộng không phải là tham nhũng mà đó là tiền “giao dịch hữu nghị” để giúp nhau… làm ăn. Do đó mà khi những cán bộ bị tố là nhận tiền từ công ty PCI họ ngạc nhiên vô cùng… vì họ ngỡ đó là tiền trà nước hữu nghị.. mà thôi. Cộng sản Việt Nam coi là tham nhũng chỉ khi nào người đó ăn cắp tiền của nhà nước. Còn lấy tiền của công ty ngoại quốc không phải là tham nhũng mà chỉ là giúp nhau để công việc được suông sẻ, tốt đẹp. Chính vì nghĩ như vậy nên ban quản lý dự án mới tuyên bố một câu chắc nịch: Việc đấu thầu và trúng thầu xa lộ Đông – Tây Sài Gòn đều diễn ra đúng luật pháp quy định. Ông Đỗ Mười đã từng nhận 1 triệu Mỹ Kim của một công ty Nam Hàn. Đâu có ai bảo ông Đỗ Mười là tham nhũng?

Nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ bất bình của lãnh đạo Hà Nội về việc báo chí Nhật Bản loan tin 4 cán bộ Việt cộng dính líu đến vụ án tham nhũng của PCI. Hà Nội viện dẫn rằng cuộc điều tra chưa có kết luận thì không nên cho báo chí loan tải. Điều này đã biểu hiện não trạng lạc hậu, yếu kém và coi báo chí chỉ là công cụ làm theo những điều của đảng mà thôi. Thái độ phanh phui của báo chí Nhật Bản và sự tuân phủ mệnh lệnh của báo chí đã cho lãnh đạo CSVN thấy sự khác biệt về dân trí, sự trách nhiệm của người làm truyền thông và vai trò của chính quyền.

Công trình xây dựng đại lộ Đông Tây.

Trước hết về mặt dân trí, sự loan tải tin tức của báo chí Nhật không chỉ nhằm phanh phui một vụ bê bối về cách làm ăn của công ty Nhật, mà quan trọng hơn là cho người dân Nhật biết rõ về số tiền đóng thuế của họ bị chính phủ Nhật Bản quản lý yếu kém như thế nào qua quỹ ODA (tiền quỹ ODA là lấy từ thuế của dân Nhật). Khi người dân được biết những chuyện như vậy họ mới có khả năng nhận định về sự làm việc hữu hiệu của chính quyền như thế nào để mà quyết định lá phiếu trong kỳ bầu cử tới. Sau việc phanh phui này, chính quyền Nhật Bản phải cứu xét lại các khâu kiểm soát, điều tra và nhất là việc sử dụng những ngân khoản viện trợ. Nếu người dân Nhật được biết những điều nói trên thì tại sao ở Việt Nam ngăn cấm. Do đó, ngăn chận sự phanh phui này của báo chí là coi thường trí tuệ của người dân. Ngày nào mà Cộng sản Việt Nam còn hành xử như điều ông Hồ Xuân Sơn tuyên bố rằng “không nên tiết lộ cho báo chí với lý do còn trong vòng điều tra”, dân trí người Việt Nam khó có tiến bộ.

Kế đến về mặt trách nhiệm, sự loan tải tin tức của báo chí Nhật không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin mà còn truyền đạt một sự thật bê bối do chính những người trong công ty PCI tố cáo. Đây là chức năng rất quan trọng của báo chí nhằm giúp cho những người dân “thấp cổ bé miệng” có thể phanh phui những tội ác trong xã hội. Những phanh phui này đúng hay sai sẽ do luật pháp quyết định. Tòa án Nhật Bản đang xét xử và cho đến nay nhiều dữ kiện cho biết là vụ tố cáo lãnh đạo PCI đã hối lộ cho cán bộ Cộng sản Việt Nam tại Sài Gòn là điều có thật. Khi chính quyền coi báo chí chỉ là phương tiện sử dụng cho mục tiêu riêng của nhà nước thì chức năng trách nhiệm không còn nữa, vì truyền thông chỉ loan tải những nội dung theo chỉ thị của nhà nước hoặc tránh né không dám loan tải những vấn đề “tế nhị” dính dáng đến những bê bối của cấp lãnh đạo. Khi những người làm báo bị ’khống chế’ bởi vòng kim cô của ban văn hóa tư tưởng thì họ chỉ là những thợ viết – còn gọi là văn nô – thì làm sao đòi hỏi họ có tinh thần trách nhiệm. Còn nếu họ viết bằng trách nhiệm của người làm báo thì chỉ bị đi vào tù. Sự kiện hai ký giả báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đi vào tù sau khi hăng say tường trình vụ án PMU 18 là một chứng minh cho thấy hoàn cảnh khác xa của giới báo chí Nhật Bản và Việt Nam. Chỉ nhìn vào một diễn biến nhỏ này người ta sẽ chờ đợi gì về tính trách nhiệm nơi các nhà báo Việt Nam?

Sau cùng về vai trò của chính quyền, sau khi tin tức tham nhũng loan tải, chính phủ Nhật và nhất là cơ quan ODA đã đứng ra ngoài, giao hoàn toàn sự điều tra và xét xử cho cơ quan tư pháp. Chính những cán bộ ODA còn bị đặt trong sự “tham khảo” của cơ quan tư pháp Nhật nếu có những nghi vấn nào được phát hiện. Trong khi đó, phía chính quyền Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Bộ ngoại giao và Thành phố Sài Gòn, thì lại vội vã tuyên bố “đã điều tra và không phát hiện điều gì bất hợp pháp hay tiêu cực trong vụ đấu thầu” hay “những tin tức loan tải thiếu khách quan, gieo nghi ngờ trong dư luận Nhật về số tiền ODA viện trợ cho Việt Nam”… Đây là lối hành xử kiểu “cả vú lấp miệng em” mà một chính quyền thật sự công chính không nên làm. Nếu Cộng sản Việt Nam muốn chứng minh là thành phố Sài gòn không có hiện tượng tiêu cực trong vụ án PCI thì sau khi nhận danh sách bốn cán bộ nhận tiền hối lộ, họ phải để cho một cơ quan tư pháp độc lập tiến hành cuộc điều tra. Việc giao cho Sở kế hoạch đầu tư và ban quản lý dự án xa lộ Đông Tây thành phố Sài Gòn điều tra thì đúng là ’’giao trứng cho ác’’, hoàn toàn mâu thuẫn động lực. Lý do là bốn cán bộ tham nhũng kia chắc chắn là không ăn một mình mà đã phân chia đồng đều cho mỗi cơ quan một phong bì. Ai sẽ tố ai khi cả đám cùng chia tiền tham nhũng với nhau?

Nói tóm lại, từ vụ PMU 18 cho đến vụ PCI cho người ta nhìn thấy là não trạng của lãnh đạo Cộng sản Việt vẫn dừng lại ở đâu đó của những thập niên 50 hay 60 của thế kỷ trước: cấm đối mọi phát biểu, loan tải những gì đụng đến đảng. Thái độ này có thể được dung tung thời xưa, nhưng nay thì khó mà cấm đoán tuyệt đối. Người ta không viết được trên báo đảng thì phê phán trên Blogs, trong các quán cà phê và trên mạng Internet. Những sợi dây vô hình này sẽ giật xập chế độ gian dối … nếu lãnh đạo không sớm thức tỉnh. Chờ xem.

Trung Điền
August 20, 2008