Nhật ngừng tín dụng 2008 cho Việt Nam

Người Việt

Tiền nhận hối lộ tại dự án Ðông Tây lên tới $60 triệu USD?

HÀ NỘI (VN) – Nhật Bản loan báo ngưng tài trợ các dự án đầu tư phát triển cho Việt Nam đã dự trù cho nửa đầu của năm 2008 và không cam kết cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam trong năm 2009, trái với thông lệ suốt 15 năm qua, trong phiên họp các nhà tài trợ mới diễn ra tại Hà Nội.

Ðại sứ Nhật tại Việt Nam, Mitsuo Sakaba, loan báo trong phiên họp ngày 4/12/2008 tại Hà Nội, gồm đại diện các cơ quan tư vấn quốc tế và các nhà tài trợ rằng, Nhật tạm ngưng tín dụng trừ khi chính quyền CSVN có những hành động “nhiều ý nghĩa” để tiêu trừ tham nhũng trong các dự án đầu tư phát triển hạ tầng sử dụng vốn vay ưu đãi (lãi suất nhẹ).

Năm ngoái, Nhật từng cam kết giúp $1.1 tỉ USD trong tổng số $5.4 tỉ USD mà các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam để thực hiện các dự án hỗ trợ xóa đói giảm nghèo dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là các dự án cầu đường vốn rất tốn kém mà Việt Nam không tự làm nổi.

Thông báo của Nhật trong phiên họp quốc tế để công bố các khoản viện trợ cho Việt Nam trong năm tới, với sự tham dự của Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, được xem như một cái tát thẳng vào mặt chính quyền CSVN. Các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản tỏ ra bực bội vì việc điều tra khoản tiền 2.6 triệu USD mà 4 viên chức của công ty PCI (đã bị Nhật kết án) thú nhận đã hối lộ cho viên chức CSVN vẫn chưa có kết quả.

Một trong những viên chức CSVN bị bốn viên chức PCI khai ra trước tòa án Tokyo là Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở Giao Thông Công Chánh Sài Gòn. Họ khai từ 2002 đến 2006, ông Sĩ đã nhận nhiều lần khoản tiền $820,000 USD. Phần còn lại, khoảng $1.6 triệu USD là ai nhận thì không thấy tòa án hoặc báo chí Nhật nêu. Người ta chỉ thấy đại sứ Sakaba nói với các ký giả ở Hà Nội rằng chính phủ Nhật “có các bằng chứng mới” trong vụ PCI hối lộ viên chức CSVN. Cả chính phủ Nhật lẫn giới quan sát đang chờ chính quyền CSVN sẽ đưa ra ánh sáng những kẻ từng nhận hối lộ của PCI trong dự án Ðại Lộ Ðông Tây.

Phần lớn ngân khoản thực hiện dự án này (khoảng $600 triệu USD) là từ vốn vay ưu đãi của Nhật Bản. Con đường dài 22 cây số kéo tới Thủ Thiêm gồm cả đường hầm chạy dưới sông Sài Gòn đang được một nhà thầu Úc tư vấn để sửa chữa những vết nứt của các đốt hầm được đúc trước khi đặt xuống sông.

Nếu như lời các viên chức PCI nhìn nhận trong các cuộc thẩm vấn rằng họ đã phải hối lộ một số tiền trị giá 10% của gói thầu (mà PCI chỉ thực hiện dự án tư vấn thiết kế. Nhà thầu thực hiện dự án là một nhóm nhà thầu Nhật Bản và các nhà thầu phụ từ các nước khác được nhà thầu chính thuê mượn với sự chấp thuận của “chủ đầu tư” tức Việt Nam) số tiền mà các nhà thầu ngoại quốc phải hối lộ cho đám quan chức CSVN trên tổng dự án có thể lên đến $60 triệu USD.

Báo chí Nhật thuật lời viên chức điều tra nói rằng số tiền hối lộ để trúng thầu của PCI “chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm”.

Các nhà thầu, để có tiền đưa hối lộ và vẫn bảo đảm lời hơn 20%, đã phải tăng trị giá gói thầu lên, các viên chức PCI nhìn nhận như vậy trong cuộc điều tra.

Một viên chức của Sở GTVT Sài Gòn nói với báo Người Việt là quan chức CSVN của dự án Ðại lộ Ðông Tây (cũng như tất cả các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khác) gần như nhậu hàng ngày với đại diện của nhà thầu. Sau mỗi lần nhậu như vậy, khi về đều có “phong bì”.

“Tôi từng là một công chức nhà nước trong ngành xây dựng thuộc dự án Nam Sài Gòn nay đã ra làm công ty riêng. Quả thật không hối lộ, chung chi cho chính quyền thì không thể nào thực hiện các dự án dù lớn hay nhỏ. Ðiều này đã thành một thứ luật không văn tự in sâu vào máu thịt người dân Việt Nam rồi”. Thính giả có bí danh LuKhach ở Sài Gòn phản ứng như vậy trên website BBC ngày 26/9/2008 khi đài này loan tin nhà cầm quyền địa phương “tạm ngừng giải ngân các hợp đồng với công ty Tư Vấn Quốc Tế Thái Bình Dương (PCI)của Nhật Bản do quan chức công ty này bị cáo buộc đưa hối lộ để giành thầu”.

Vụ xử 4 viên chức PCI ở Tokyo đang còn tiếp diễn nên người ta không biết các ông này sẽ bị phạt tù phạt tiền thế nào. Nhưng hiện nay, mới ngày 29/11/08, Vũ Tiến Chiến, chánh văn phòng của “Ủy ban Trung ương về Phòng Chống Tham Nhũng” của chế độ Hà Nội nói với báo chí là “Hiện chưa có gì cụ thể” trong cuộc điều tra Huỳnh Ngọc Sĩ.

Tháng Sáu vừa qua, công tố viện quận Tokyo gửi tới chế độ Hà Nội một bản đề nghị hợp tác điều tra và yêu cầu cho họ gửi điều tra viên sang Việt Nam thẩm vấn trực tiếp Huỳnh Ngọc Sĩ như một nhân chứng quan trọng. Chế độ Hà Nội đã chống lại. Ðến Tháng Tám, chính phủ Nhật chính thức đề nghị chế độ Hà Nội hợp tác mở cuộc điều tra. Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN, Hồ Xuân Sơn, vẫn họp báo nói cứng là “không có tiêu cực như báo chí Nhật đã đưa” và đòi chính phủ Nhật bịt miệng truyền thông nước họ.

Trước các áp lực của Nhật, mãi đến ngày 19/11/08, Huỳnh Ngọc Sĩ mới bị cách chức. Từ đây, báo chí trong nước mới nêu tên Huỳnh Ngọc Sĩ trong các bản tin mà trước đó, họ không hề dám đụng đến.

Ngày 22/11/08, khi gặp mặt thủ tướng Nhật tại Hội Nghị APEC ở Peru, Nguyễn Minh Triết “khẳng định quan điểm của Việt Nam là kiên quyết chống tham nhũng” (bản tin của website chính phủ CSVN) và nói “Việt Nam sẽ làm rõ các nghi vấn liên quan đến công ty PCI với một số quan chức Việt Nam và có biện pháp xử lý nghiêm khắc”.

“Chính phủ Nhật hành động như vậy, không rõ những kẻ cầm đầu đảng và nhà nứơc CSVN có biết là nhục không, có biết hổ thẹn không?” Một người đấu tranh dân chủ ở Hà Nội nói như vậy với báo Người Việt buổi tối ngày 4/12/08.

Theo một bản tin trên báo điện tử Vietnamnet, nếu Nhật Bản ngưng cấp viện, con số ngân khoản mà các nhà tài trợ quốc tế giúp Việt Nam tiếp tục xóa đói giảm nghèo năm 2009 sẽ ít hơn nhiều, cho dù Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) có thể cung cấp một số tín dụng tương đương như năm ngoái.