Vai Trò Của Chính Quyền Trong Đời Sống Kinh Tế

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I- Dẫn Nhập

Cho đến thế kỷ 19, vai trò của chính quyền ở các quốc gia đều thực hiện những chức năng giống nhau, đó là quốc phòng, xây dựng đường xá, đê đều, bảo vệ nguồn nước, đúc tiền, soạn thảo và thi hành pháp luật. Cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thế kỷ 19 với sự xuất hiện tư tưởng tự do kinh tế (laisser faire) đã làm thay đổi lối sống cổ truyền, chính quyền chỉ còn đóng vai trò điều chỉnh trong sinh hoạt kinh tế nhằm đảm bảo tính hiệu quả của sự cạnh tranh giữa các tác nhân kinh tế, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của các cá nhân. Chính quyền thực hiện chức năng điều chỉnh như là người trọng tài duy nhất các luật chơi của thị trường. Vài thập niên trở lại đây, ở một số quốc gia “tân hưng công nghiệp”, chính quyền không chỉ đóng vai trò trọng tài mà còn có thêm chức năng phát triển. Ở những quốc gia này, chính quyền can thiệp vào nội dung của hoạt động kinh tế. Nó vạch ra kế hoạch phát triển dài hạn hay ngắn hạn, đưa ra những ưu tiên đói với các ngành công nghiệp và hoạt động thương mại, thi hành chính sách khuyến khích hoặc kiềm chế các lãnh vực hoạt động kinh tế khác nhau.

Trong thế giới ngày nay không có nước nào – dù là đã, đang hoặc chưa bước qua tiến trình công nghiệp hóa – mà không có sự can thiệp của chính quyền vào kinh tế với nhiều lý do khác nhau. Song mức độ can thiệp cũng rất khác nhau và nó không có mối tương quan trực tiếp giữa mức độ can thiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Sự can thiệp của chính quyền vào đời sống kinh tế của một nước có hai quan điểm khác nhau. Một bên thì chủ trương chính quyền phải can thiệp trực tiếp và toàn diện dưới các nền kinh tế tập trung chỉ huy. Bên khác thì chủ trương chính quyền nên ít can thiệp. Dưới hệ thống kinh tế tự do (laisser faire). Từ đó đã phát sinh ra vô số mô hình phát triển kinh tế thành công và không thành công với mức độ và cách thức can thiệp khác nhau của chính quyền mà ta đã thấy ở một số quốc gia.

Ở những nước theo nền kinh tế tập trung chỉ huy, quan niệm rằng thị trường không thể đảm bảo phân phối hợp lý các tài nguyên về nhân lực và vốn cũng như không thể điều tiết một cách hợp lý quá trình phát triển kinh tế, vì vậy mà chính quyền sẽ gánh lấy sứ mệnh tính toán, tổ chức và tiến hành các kế hoạch phân phối, bắt đầu bằng phân phối các nguồn lực sản xuất, quy định cơ cấu sản xuất và kết thúc bằng phân phối hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ cho đến tận tay cá nhân. Sự tuyệt đối hóa vai trò chính quyền và phủ nhận vai trò thị trường, cộng với những sai lầm trong tính toán phương hướng đầu tư của bộ máy quản lý tập trung đã dẫn những nền kinh tế này vào tình trạng suyt hoái. Sự quan liêu hóa guồng máy điều khiển nền kinh tế và thiếu động lực cá nhân trong các hoạt động kinh tế ở những nước theo mô hình kinh tế tập trung, là hậu quả của sự can thiệp thái quá của chính quyền.

Kinh tế tự do dựa trên tư tưởng của Adam Smith về sức mạnh vô hình của thị trường như bàn tay vô hình dẫn dắt các hành động của các cá nhân. Chính quyền chỉ thực hiện chức năng điều chỉnh để duy trì luật chơi của thị trường trong những trường hợp cần thiết mà thôi. Người ta công nhận rằng về bản chất thị trường có những khuyết tật, nhưng sự can thiệp của chính quyền bị coi là làm biến dạng hoạt động của thị trường vì vậy mà không được hoan nghênh. Nhưng toàn bộ sinh hoạt kinh tế là sự kết hợp giữa cạnh tranh không hoàn hảo và độc quyền của một số xí nghiệp lớn, đưa đến những bất công trong kinh doanh và rối loạn xã hội. Ngoài ra, sau cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1929, người ta nhìn thấy là sức mạnh vô hình của thị trường đã không giải quyết những vấn đề của thị trường. Vì vậy, ngày nay người ta đã cải biến mô hình tự do kinh tế với sự bổ sung một số chính sách can thiệp “bàn tay hữu hình” của chính quyền. Ở những nước này chính quyền can thiệp bằng các chính sách như ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ công nghiệp quốc phòng và kỹ thuật cao, khuyến khích đầu tư, khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D)… Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, chính quyền ở một số quốc gia có vai trò tích cực hơn trong các chương trình phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa như:

Thứ nhất, sự phát triển của khu vực công được mở rộng, không phải chỉ có các chương trình phúc lợi xã hội mà còn do hoạt động kinh doanh của các xí nghiệp công quản nhằm sản xuất, cung ứng các hàng hóa công cộng, tác động đến khu vực tư trong một số lãnh vực mà chính quyền thúc đẩy.

Thứ hai, chính quyền thực thi chính sách bảo vệ và thúc đẩy một số ngành hoặc vùng, khuyến khích xuất cảng thông qua nhiều công cụ khác nhau, từ kiểm soát sản lượng, giá cả, trực tiếp trợ cấp, sử dụng thuế và các công cụ tài chánh khác cho đến các biện pháp hướng dẫn. Với mức độ can thiệp khác nhau của chính quyền đã sinh ra nhiều chính chế mang những đặc điểm khác nhau không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt xã hội.

Sự phát triển vượt bực của một số nước Á Châu như Nhật Bản vào thập niên 60 và Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba vào thập niên 80 đã tạo sự ngưỡng mộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong rất nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển nhanh chóng ở các quốc gia này có những yếu tố mà các nước khác trong những bối cảnh khác không thể lập lại được, nhưng sự tham gia tích cực của chính quyền trong quá trình phát triển kinh tế đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tại Nhật Bản, bên cạnh những kinh nghiệm đáng chú ý khác về chính sách của chính phủ chú trọng đầu tư vào tài nguyên con người, vào kỹ thuật mới…sự can thiệp của nhà nước đại diện bởi Bộ Thương Mại Quốc Tế và Công Nghiệp với việc đề ra chính sách công nghiệp nhằm hướng dẫn các xí nghiệp tham gia, đã được nhiều nhà nghiên cứu coi là yếu tố quyết định của sự phát triển nhanh chóng của Nhật Bản. Tại các nước Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba…cũng có một số chính sách tương tự như Nhật. Song song với việc thực hiện những chính sách điều chỉnh nhằm tạo lập và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, sản xuất những hàng hóa thuần túy công cộng, chính quyền còn thực hiện một loạt các biện pháp thúc đẩy phát triển như tạo ra hạ tầng cơ sở thích hợp cho phát triển và trực tiếp kinh doanh.

So với Nam Triều Tiên thì Thái Lan và Nam Dương thực hiện chức năng điều chỉnh kinh tế vĩ mô ít hiệu quả hơn, nhất là trong thời kỳ mà những nước này theo đuổi chiến lược thay thế nhập cảng. Nguyên nhân nằm ở khả năng điều hành bộ máy quản lý của chính quyền. Chính quyền can thiệp vào các loại thị trường : sản phẩm, đất đai, lao động, tư bản với những mức độ khác nhau. Chẳng hạn trong khi Tân Gia Ba và Nam Triều Tiên có thời kỳ kiểm soát mức tăng tiền công trên thị trường lao động, thì Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan không thấy cần phải thực hiện chính sách này, nên đã bị tình trạng dư thừa lao động. Nam Triều Tiên và đặc biệt là Tân Gia Ba tập trung vào việc thiết lập hạ tầng cơ sở và đầu tư vào con người cho công nghiệp hóa ngay từ đầu, trong khi các nước khác chú ý đến điều này muộn hơn nhưng hiện cũng gia tăng đáng kể.

Các nước nói trên đều thực hiện chương trình công nghiệp hóa. Nam Triều Tiên đã dẫn dắt một cách thành công quá trình chuyển từ công nghiệp cần nhiều lao động trong những năm 1960 sang công nghiệp nặng năm 1970 và công nghiệp cao cấp năm 1980. Chính quyền Nam Dương chi phí một nguồn vốn lớn để phát triển công nghiệp máy bay, còn Mã Lai thì đầu tư cho công nghiệp nặng và chế tạo xe hơi. Tân Gia Ba thì không tin vào sự tiến hóa tự nhiên của việc phát huy các lợi thế so sánh, nên đã tự mình đầu tư vào các ngành công nghiệp rồi mới thiết kế các chính sách khuyến khích các công ty tư nhân tham gia. Thái Lan thì không can thiệp vào việc hình thành cơ cấu công nghiệp mà phó mặc việc đó cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những đề cập bên trên cho thấy là vai trò của chính quyền trong đời sống kinh tế không có một khuôn mẫu nào nhất định để có thể áp dụng chung cho một số nước. Hơn thế nữa sự can thiệp của chính quyền nhiều hay ít vào nền kinh tế không phải là yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia. Vì thế chỉ có thể đánh giá chính sự can thiệp đó căn cứ vào hiệu năng mà nó mang lại. Điều kiện tiên quyết để chính quyền can thiệp có hiệu quả vào phát triển kinh tế thường được nêu ra là bản thân chính quyền phải được sự ủng hộ của người dân, tức là chính quyền đó có do người dân tuyển chọn và sẵn sàng hậu thuẫn các chính sách phát triển của chính quyền đưa ra hay không. Sự can thiệp của chính quyền để đạt được kết quả phát triển kinh tế hữu hiệu, chỉ tồn tại trong những chế độ chính trị dân chủ. Và trong bản báo cáo hàng năm (1991), Ngân Hàng Thế Giới đã đưa ra nhận định rằng: “Chính quyền can thiệp như thế nào vào nền kinh tế và nhằm mục đích gì, đó là một thách đố đói với sự phát triển ở những quốc gia đang phát triển hiện nay“.


II- Chức Năng Chính Yếu Của Chính Quyền

Chính quyền được xây dựng để bảo vệ cho những sinh hoạt xã hội tiến hành một cách tốt đẹp, trong trật tự chung. Chính quyền tự nó không thể đem lại hạnh phúc cho người dân mà chỉ có thể tạo điều kiện cho mọi người đều có thể truy tìm hạnh phúc của chính mình. Trong tinh thần đó, chính quyền không có chức năng làm giàu, mà chỉ có nhiệm vụ tạo điều kiện – bình đẳng – để dân chúng có thể làm giàu. Khi dân giàu, chính quyền có thêm tài nguyên thuế khóa giải quyết việc công ích tốt đẹp hơn cho xã hội. Ngoài ra, vấn đề phát riển đất nước là việc của toàn dân, không phải nhiệm vụ riêng của những người trong chính quyền.

Các chính quyền độc tài chuyên chế thường ôm đồm nhiều việc và thường vẽ ra những kế hoạch nhiêu khê, hành chánh phức tạp để “can thiệp” vào các sinh hoạt của người dân. Sự kiện này chỉ khiến cho các bộ phận chính quyền thêm nặng nề, hành chánh thêm rườm rà, bộ máy công chức thêm đông đảo để kiểm soát và yêu sách. Trong một xã hội người sản xuất thì ít mà người lo về hành chánh và kiểm soát thì nhiều – người ta có thể vẽ ra hàng chục kế hoạch ngũ niên tốt đẹp như nhau và vô dụng như nhau. Đó là hoàn cảnh của nước Việt Nam dưới chế độ Việt cộng hiện nay.

Sự thất bại của chính quyền muốn can thiệp quá nhiều vào sinh hoạt kinh tế cho thấy là trong các xã hội lạc hậu này, người dân mất dần quyền tự do, xã hội mất dần quyền dân chủ và đất nước còn bị nghèo hơn trước. Chỉ có chính quyền là vẫn phình nở, thành phần công nhân viên chức vẫn đông đảo và được bảo vệ trong sự trì trệ triền miên. Khi chính quyền tự nhận lãnh trách nhiệm tạo ra công ăn việc làm cho dân chúng và thay vì để dân được tự do đầu tư và tuyển người thì lại lấy thuế của dân tài trợ cho những chương trình to tát và kém năng suất của khu vực quốc doanh.

Do đó, muốn canh tân kinh tế, chính quyền chỉ nên giữ nhiệm vụ giám sát, điều hòa và nhất là tạo một sân chơi bình đẳng cho mọi người. Từ những nhiệm vụ nói trên, ta thấy là chính quyền sẽ thực hiện bốn chức năng kinh tế chính yếu để giữ được sự trật tự trong một nền kinh tế thị trường. Bốn chức năng đó là:

- 1) thiết lập khuôn khổ luật pháp; `
- 2) ổn định chính sách kinh tế vĩ mô; `
- 3) chọn lựa mô thức phát triển; `
- 4) phân bố các lãnh vực trọng yếu.

Thiết lập khuôn khổ luật pháp

Trong nền kinh tế tự do, chính quyền đóng vai trò trọng tài cho các tác nhân kinh tế truy tìm lợi nhuận. Để thực hiện vai trò này, chính quyền có nhiệm vụ thiết lập những đạo luật cơ bản và quy chế, tức hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân và trừng phạt những lạm dụng hoặc vi phạm luật pháp của các tác nhân kinh tế. Chính quyền phải ấn định một số đạo luật cần thiết để phát triển lãnh vực tư nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các xí nghiệp tư. Chẳng hạn như:

- Luật Tư Hữu: Nhằm bảo đảm quyền tư hữu của người dân. Luật pháp phải minh thị xác nhận quyền tư hữu của xí nghiệp cũng như tư nhân trên tài sản của họ, phải bảo đảm là trong trường hợp tài sản của họ bị xâm phạm, các xí nghiệp cũng như tư nhân sẽ được bồi thường thỏa đáng.

- Luật Xí Nghiệp : nhằm đặt các xí nghiệp tư, quốc doanh và hợp tác xã dưới một quy chế bình đẳng và cho phép các xí nghiệp tư được hoạt động và cạnh tranh với các xí nghiệp quốc doanh trên hầu hết mọi địa bàn hoạt động.

- Luật Phá Sản: nhằm buộc các doanh nhân phải quản trị xí nghiệp của họ một cách thận trọng và hữu hiệu nếu không muốn bị thị trường trừng phạt.

- Luật Thuế Khóa: nhằm ấn định và kiểm soát thuế lợi tức cá nhân và thuế lợi tức xí nghiệp một cách công bằng, tránh gian lận và thất thoát.

- Luật Lao Động: nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động. Quan trọng nhất của bộ luật này là điều khoản bảo đảm an toàn cho công nhân nơi làm việc và ngăn chận tình trạng kỳ thị.

Ngoài những đạo luật cơ bản nói trên, chính quyền còn thiết lập những cơ quan có trách nhiệm theo dõi và giám sát tình trạng cạnh tranh giữa các xí nghiệp bằng quy chế cạnh tranh (còn gọi là đạo luật về cạnh tranh). Quy chế cạnh tranh nhằm ngăn chận một số xí nghiệp thỏa thuận với nhau trong việc ấn định giá sản phẩm, phân chia khu vực buôn bán, cản trở việc thành lập các xí nghiệp mới trên thị trường…Tuy nhiên, không có luật lệ nào có thể hiệu nghiệm trong việc phát triển kinh tế nếu quần chúng và các công ty, xí nghiệp không tin tưởng vào nó. Vì vậy để hệ thống luật pháp do chính quyền thiết lập được áp dụng một cách minh bạch và bình đẳng, ba pháp quyền: Lập Pháp – Hành Pháp – Tư Pháp phải được tách rời và riêng biệt.

Ổn Định Chính Sách Vĩ Mô

Ngày nay, kinh tế vĩ mô là một chủ đề quan trọng mà các chính quyền quan tâm hàng đầu vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến các biến động kinh tế trong nước. Vai trò của chính quyền có tầm quan trọng tiên quyết trong sự điều tiết vĩ mô của nền kinh tế thị trường, và thể hiện qua những hành động để ổn định giá cả (hoặc lạm phát thấp) khi giá cả và tiền công được định ra trên những thị trường tự do, bảo đảm một mức độ nhân dụng cao, giữ vững thế quân bình đối với các nước ngoài (chính sách kinh tế đối ngoại) qua sự thăng bằng của cán cân chi phó, bảo đảm một nhịp độ phát triển khả quan và thích hợp với trình độ mở mang của nền kinh tế quốc gia.

Trước khi khoa kinh tế vĩ mô được phát triển, các nước có xu hướng trôi nổi theo dòng chảy kinh tế vĩ mô luôn chuyển đổi mà không có bánh lái. Ngày nay, chính quyền đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để chỉ đạo nền kinh tế như :

- Chính sách tiền tệ (đặc biệt là qua việc gây ảnh hưởng tới lãi suất và điều kiện tín dụng thông qua việc định mức cung cấp tiền tệ) tác động đến các ngành kinh tế có “nhạy cảm” với lãi suất. Quan trọng nhất là đầu tư cho nhà ở và kinh doanh lên xuống khi ngân hàng trung ương giảm hoặc tăng lợi tức.

- Chính sách chi tiêu của chính phủ và thuế khóa nhằm giúp quyết định mức phân bố chi tiêu giữa hàng hóa tư nhân và hàng hóa tập thể. Chính sách chi tiêu của chính phủ cũng nhằm giúp quyết định tổng mức chi tiêu và ảnh hưởng tới mức cầu.

- Những chính sách khác như tùy theo hoàn cảnh bên ngoài, các nước có thể đưa ra biện pháp tác động đến ngoại thương của họ, bằng cách định lại tỷ giá hối đoái, hạn chế xuất nhập cảng qua quan thuế. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể tác động trực tiếp đến các quyết định về tiền công và giá cả để kiểm soát lạm phát nhằm ngăn chận suy thoái và thất nghiệp.

Chọn Lựa Mô Thức Phát Triển

Chỉ có chính quyền mới có thẩm quyền lựa chọn mô thức kinh tế cho quốc gia, tức đường lối phát triển kinh tế cho trung và dài hạn. Mô thức kinh tế là một chọn lựa có tính cách toàn diện, phản ảnh một quan niệm triết lý của quốc gia trong từng thời kỳ. Mô thức đi đôi với các chính sách sẽ được áp dụng trong các khu vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), và tiêu biểu cho sự quân bình muốn đạt tới giữa các yếu tố sản xuất trong dài hạn. Mô thức kinh tế thiếu uyển chuyển không tiến hóa kịp thời với thời cuộc và những thay đổi trên môi trường quốc tế là căn nguyên dẫn đến những thất bại kinh tế trong lâu dài. Mặt khác, mô thức kinh tế còn có nghĩa là chọn lựa dành ưu tiên cho nhân công (tức gia tăng lương bỗng, phần thù lao của lao động theo sát với năng suất), hay khuyến khích cổ đông (tức thù lao của Tư bản, điều sau có nghĩa là không cho lương bỗng gia tăng theo nhịp tăng trưởngcủa năng suất). Nói cách khác, mô thức kinh tế đi tìm sự thăng bằng giữa công bằng xã hội và phát triển kinh tế, với ba hướng chính như sau :

Một, nền kinh tế chủ yếu của Việt Nam hiện nay là nông nghiệp và lãnh vực này sẽ phải đóng góp rất nhiều trong một thời gian dài cho đến khi nền công nghiệp có thể cất cánh. Tuy nhiên, để nhanh chóng phát triển Việt Nam trong thời đại kinh tế trí tuệ, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn vào việc cơ giới hóa nông nghiệp, hữu điền hóa cho nông dân, nâng cao trình độ chế biến nông sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cả nước và xuất cảng. Đặc biệt là cơ giới hóa nông nghiệp, phần thặng dư lao động sẽ được chuyển vào sản xuất công nghiệp, từng bước canh tân đời sống người nông dân.

Hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng xuất cảng. Đây là hướng phát triển phù hợp với nền kinh tế liên lập hiện nay của thế giới, do đặc tính phân công và hợp tác lao động quốc tế. Với tình trạng nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp chậm tiến cùng với nền khoa học kỹ thuật tụt hậu hiện nay, chỉ có con đường công nghiệp hóa, Việt Nam mới có thể thu hút vốn và kỹ thuật nước ngoài nhằm tận dụng những ưu điểm của mình về tài nguyên, sức lao động rẻ ở trong nước để đảy nhanh tăng trưởng kinh tế.

Ba, giới hạn mọi hình thức công quản, công doanh, khuyến khích và bảo vệ tư quản, mọi hình thức hợp doanh tư. Mục tiêu là để phát huy sáng kiến và tạo điều kiện cho người dân gánh phần trách nhiệm trong việc thi hành cũng như phát triển các kế hoạch kinh tế quốc gia. Trong nỗ lực này, chính quyền sẽ lấy hiệu quả kinh tế – xã hội làm tiêu chuẩn để từng bước giải tư các xí nghiệp quốc doanh, đồng thời giúp đỡ các xí nghiệp này đầu tư theo hướng công nghiệp hóa.

Phân Bố Các Lãnh Vực Trọng Yếu

Chính quyền không nên trực tiếp can dự vào việc sản xuất, thêm vào đó, trong một số trường hợp thuận tiện, căn cứ trên tiêu chuẩn hiệu năng, còn có thể giao phó cho tư nhân nhiều công tác thuộc phạm vi công ích. Với vai trò đó, chính quyền chỉ nên can thiệp trong một số lãnh vực kinh tế, song song với sự hiện diện của tư nhân, và sự can thiệp của chính quyền tại đây sẽ thể hiện qua sự hoạch định và kiểm soát. Nghĩa là sự can thiệp đó phải có tính cách bao quát, qua sự chọn lưa mô thức phát triển kinh tế, qua sự điều tiết vĩ mô. Cụ thể là chính quyền phải giải quyết tất cả những vấn đề thuộc lãnh vực yểm trợ sản xuất và lưu thông phân phối hầu dân chúng có sẵn những hoàn cảnh làm giàu thuận lợi nhất. Việc thiết kế xây dựng hạ tầng cơ sở sản xuất, lo điện nước, vận tải, viễn thông, là việc chính quyền phải lo. Lo không có nghĩa là trực tiếp thực hiện lấy, mà có thể giải quyết bằng công sức và sáng kiến tư nhân.

Chính quyền không thể thay thế được tư nhân giải quyết mọi vấn đề sung dụng tài nguyên, sản xuất, phân phối trong một kế hoạch quy mô toàn quốc. Tự do kinh doanh theo quy luật thị trường là giải pháp sung dụng tài nguyên có giá trị hơn cả. Tóm lại, chính quyền chỉ nên hiện diện trong một số lãnh vực trọng yếu như giáo dục, ý tế, an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi sinh, chỉnh trang lãnh thổ. Những lãnh vực này không có tính cách thu hút tư nhân, vì không đem lại lợi nhuận nhanh, vì vậy nó đòi hỏi nhiều đầu tư của chính quyền lúc khởi thủy. Tuy vậy, sự hiện diện của tư nhân trong giáo dục (các trường tư lập), y tế (các bệnh viện tư, các tổ chức y tế quốc tế nằm ngoài chính quyền…) là yếu tố bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh cho phẩm chất của các dịch vụ, do đó phải được khuyến khích.

Các hành động của chính quyền sẽ nhằm xây dựng những điều kiện cho kinh tế “cất cánh”, đồng thời đặt nền tảng và củng cố kinh tế thị trường. Do đó, ngoại trừ giai đoạn chuyển tiếp đòi hỏi sự can thiệp rộng rãi và đa diện của chính quyền, trong trung và dài hạn, chính quyền sẽ không đứng ra sản xuất trực tiếp, nhưng sẽ cáng đáng công việc điều tiết vĩ mô và phát họa đường lối phát triển cho quốc gia.

III- Kết Luận

Trong lãnh vực kinh tế, về mặt lý thuyết, tốt nhất là chính quyền không trực tiếp điều hành các xí nghiệp mà tạo ra những điều kiện và môi trường chứa đựng những mục tiêu mà chính quyền muốn đạt tới, để cho các xí nghiệp tự chủ hoạt động và tự quyết định cách ứng xử thích hợp trong khuôn khổ môi trường đó. Thị trường sẽ trở thành một hệ thống trao đổi mà trong đó các xí nghiệp cạnh tranh đồng thời hợp tác với nhau để thực hiện được lợi ích của chúng trong bối cảnh lợi ích chung của xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế thì điều này khó có thể thực hiện, đặc biệt là trong những quốc gia mà nền kinh tế chưa phát triển, quan hệ thị trường chưa phát triển, quan hệ thị trường chưa ở trình độ phát triển đồng đều, hạ tầng kỹ thuật và điều kiện pháp lý chưa được hoàn hảo, thì những khuyết tật của thị trường (đầu cơ, buôn lậu, tham nhũng, trốn thuế…) tạo ra những nan đề cho xã hội.

Do đó, trong những thời kỳ nhất định, chính quyền không né tránh việc can thiệp vào các sinh hoạt kinh tế để hạn chế bớt những khuyết tật, thông qua việc kiểm soát giá cả, hạn chế ngạch sản xuất và buôn bán đối với một số mặt hàng. Nhưng, những biện pháp này chỉ mang tính chất giải pháp giai đoạn và phải thu hẹp cũng như chấm dứt khi không còn những tác động tiêu cực của thị trường đối với đời sống xã hội. Nói cách khác, vai trò của nhà nước trong sinh hoạt kinh tế là nên giới hạn vào việc kích thích, ủng hộ, hướng dẫn mặt tích cực của thị trường, đồng thời ngăn chận, bài trừ, trừng trị các mặt tiêu cực của nó, chứ không được tranh với dân để làm giàu.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.