Vụ Bùi Chát: Xử phạt dựa trên một nghị định vi hiến

Họa sĩ Bùi Chát tại triển lãm tranh của ông. Ảnh: BTT
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Quyết định xử phạt họa sĩ Bùi Chát khiến người ta liên tưởng tới chính sách phần thư, khanh nho (đốt sách, chôn nho) của Tần Thủy Hoàng, hay chiến dịch bài trừ văn hóa đồi trụy – phản động diễn ra tại miền Nam – Việt Nam sau ngày 30/04/1975.

Vậy quyết định này có đúng pháp luật hay không?

Nghị định vi hiến

Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản (luật mẹ), có hiệu lực pháp lý cao nhất, sau đó là luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong từng lĩnh vực. Mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp, nếu không sẽ bị coi là vi hiến.

Trở lại câu chuyện xử phạt họa sĩ Bùi Chát, chúng ta thấy rằng: lý do được UBND TP.HCM nêu ra để làm căn cứ xử phạt là ông đã không xin phép theo quy định trước khi tổ chức triển lãm mỹ thuật.

Vậy việc tổ chức triển lãm mỹ thuật có phải xin phép hay không? Nếu có thì quy định đó nằm ở đâu?

Lật ngược vấn đề chúng ta thấy quy định về xin cấp phép tổ chức triển lãm mỹ thuật được quy định tại Nghị định 113/2013/NĐ–CP về hoạt động mỹ thuật.

Tuy vậy, Nghị định 113 lại có dấu hiệu vi hiến.

Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền tự do ngôn luận của công dân. Xét cho cùng, việc tổ chức triển lãm mỹ thuật cũng chỉ là một dạng thực hiện quyền tự do ngôn luận dưới hình thức tranh vẽ mà thôi.

Mặt khác, theo Điều 14 của Hiến pháp 2013, “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

“Luật” ở đây nghĩa là một loại văn bản pháp luật cụ thể, do Quốc hội thông qua, chứ không phải là bất kỳ văn bản pháp luật nào (như nghị định, thông tư).

Ý nghĩa của điều này rất rõ ràng: chỉ có cơ quan quyền lực cao nhất, thông qua việc ban hành loại văn bản pháp luật có giá trị hiệu lực cao nhất (chỉ sau Hiến pháp) mới được trao thẩm quyền hạn chế những quyền con người được Hiến pháp ghi nhận.

Trong hệ thống văn bản pháp luật, nghị định nằm trong nhóm văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn, hỗ trợ, giải thích cho luật.

Hiến pháp 2013 chỉ cho phép hạn chế quyền con người, quyền công dân bằng văn bản luật, chứ không mở rộng/ cho phép văn bản dưới luật được hạn chế quyền con người, quyền công dân. Điều đó có nghĩa rằng về nguyên tắc không thể và không được phép dùng một văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn luật để hạn chế quyền con người, quyền công dân. Nếu ai đó vượt qua lằn ranh này thì đó phải được xem là hành vi vi hiến.

Như vậy, Nghị định 113 hay Nghị định 38/2021/NĐ–CP không thể được sử dụng hoặc viện dẫn để hạn chế quyền tổ chức triển lãm tranh của Bùi Chát.

Hay nói cách khác, việc UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy tranh của Bùi Chát phải được xem là một quyết định vi hiến.

Nhưng đó chưa phải là vấn đề pháp lý duy nhất của quyết định xử phạt này.

Trái Luật Xử lý Vi phạm Hành chính

Ở nội dung bên trên, chúng ta đã thấy quyết định xử phạt có dấu hiệu vi hiến, cần được xử lý. Tại phần này, tôi xin đưa ra thách thức thứ hai đối với quyết định xử phạt của UBND TP.HCM như sau:

Theo quy định tại Điều 28 của Luật Xử lý Vi phạm Hành chính 2012, một trong những biện pháp khắc phục hậu quả được luật này cho phép là “buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại”.

Như vậy, nếu hiểu theo quy định của điều luật này thì chỉ văn hóa phẩm có nội dung độc hại mới có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy. Quy định trên không nhắc tới vật phẩm, tác phẩm dùng để tổ chức triển lãm không xin phép là đối tượng cần phải bị tiêu hủy.

Đến đây, ta thấy không có căn cứ để buộc tiêu hủy tranh của Bùi Chát.

Tuy nhiên, một quy định khác của luật này – Điều 33 – lại nói “cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại hoặc tang vật khác thuộc đối tượng bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.”

Điều đó có nghĩa là tác phẩm có thể bị coi là tang vật dùng để triển lãm và do vậy có thể bị buộc tiêu huỷ.

Như vậy, cùng một văn bản điều chỉnh hoạt động xử lý vi phạm hành chính nhưng lại có hai điều luật khác nhau về chế tài khắc phục hậu quả. Một điều luật chỉ giới hạn biện pháp tiêu hủy đối với một số đối tượng nhất định, trong khi đó điều luật kia lại cho phép tiêu hủy đối với những tang vật mà pháp luật cho phép tiêu hủy.

Câu hỏi được đặt ra, nếu có sự khác biệt nêu trên thì phải áp dụng pháp luật như thế nào?

Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật hiện nay không nói rõ về việc áp dụng pháp luật khi có hai điều, khoản mâu thuẫn nhau trong cùng một văn bản. Đây là một vấn đề còn bỏ ngỏ, cần có sự giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khi đi sâu phân tích quyết định xử phạt đối với họa sĩ Bùi Chát, chúng ta thấy sự bất cập của luật. Nếu một đạo luật có các điều, khoản mâu thuẫn nhau thì đó là trách nhiệm của cơ quan ban hành. Tuy vậy, khi chưa sửa được luật thì tinh thần áp dụng pháp luật phải theo hướng có lợi cho người dân, chứ không thể theo hướng tiện lợi cho công quyền.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, Bùi Chát không cần phải thi hành quyết định xử phạt này, vì nó không có giá trị pháp lý.

Vi phạm quyền tư hữu

Tác phẩm mỹ thuật là kết tinh của sự sáng tạo, là “đứa con tinh thần” của người họa sĩ và hơn hết khi sáng tác ra vật phẩm, pháp luật trao cho họa sĩ một đặc quyền thiêng liêng đó là quyền sở hữu đối với vật phẩm đó. Nghe thì to tát, kỳ thực đây chỉ là chuyện sở hữu cái mình làm ra.

Pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo đảm quyền sở hữu tại Phần thứ Hai của Bộ luật Dân sự 2015. Cũng theo bộ luật này, chủ sở hữu chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong một số trường hợp nhất định, bao gồm lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng.

Như vậy, việc UBND TP.HCM chỉ dựa vào quy định của nghị định là văn bản có giá trị pháp lý dưới luật để hạn chế quyền tổ chức triển lãm và buộc tiêu hủy tranh của Bùi Chát cần phải được coi là hành vi xâm phạm thô bạo tới quyền tư hữu (quyền sở hữu) của cá nhân.

Luật Sư Bryan

Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Một lớp dạy học thêm ở nhà. Ảnh: Giáo Dục Việt Nam

Trao đổi với nhà báo Lê Thanh Phong về dạy thêm

Nay, xã hội hóa đang bị bóp méo: Lợi dụng vị trí của mình, các nhà trường và giáo viên vừa chưa làm hết trách nhiệm vừa móc nối với các cơ sở bên ngoài để làm tiền học sinh, điều này là vừa trái đạo vừa vi phạm pháp luật.

Hàng chục nước Phương Tây kêu gọi chính phủ Việt Nam ngừng thi hành án tử hình tử tù Lê Văn Mạnh. Ảnh chụp màn hình VOA

Hàng chục nước phương Tây kêu gọi Việt Nam ngừng thi hành án tử tù Lê Văn Mạnh

Phái đoàn Liên Minh Châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao một số nước phương Tây ở Hà Nội cũng như các luật sư trong nước vừa đưa ra lời kêu gọi tới chính phủ Việt Nam để dừng thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh ngay trước thời hạn gia đình tử tù này được yêu cầu đăng ký nhận xác con mình.

Cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con. Ảnh: FB Nguyễn Trường Chinh

Án oan, trách nhiệm & Quyền của tù nhân

Đôi lúc tôi tự chất vấn, ngay cả khi người ta có tội mà phải vào tù, thì những quyền căn bản của một con người, như: quyền được ăn uống, ngủ nghỉ, quyền được có thuốc men, quyền được có một môi trường sống đảm bảo vệ sinh, v.v. rất cần phải được tôn trọng. Vậy những quyền đó ở đâu?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong buổi quốc yến trưa ngày 11/9. Ảnh: Reuters

Mỹ hứa hẹn đầu tư công nghệ, liệu Việt Nam có đủ năng lực tiếp nhận?

Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam mang theo hàng loạt dự án từ các tập đoàn khổng lồ của Mỹ. Thực tế đó được cho sẽ mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam cần phải thay đổi rất nhiều nữa mới có thể tận dụng tối đa nguồn lực mà Mỹ cam kết hỗ trợ.