BREXIT và Liên Âu

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Kết quả cuộc Trưng Cầu Dân Ý (Referendum) ngày 24 Tháng 6 vừa qua với tỷ số 51,9% ra đi và 48,1% ở lại Liên Âu đã không chỉ làm cho Vương Quốc Anh phân hóa trầm trọng mà còn tạo ra cơn địa chấn rất lớn trên toàn thế giới.

Vương Quốc Anh có khoảng 64,8 triệu dân bao gồm England (Anh), Scotland, Xứ Wales, và Bắc Ireland. Nếu phân tích chi tiết hơn, người ta thấy thành phố Luân Đôn với trung tâm Tài Chánh The City (8,6 triệu dân), Scotland và Bắc Ireland đã bỏ phiếu đa số ở lại Liên Âu (Remain), trong lúc xứ Wales và phần còn lại của Anh đã bỏ phiếu đa số cho việc ra khỏi Liên Âu. Có 223 khu vực bầu cử chọn ra đi (Leave) trong khi chỉ có 116 khu vực chọn ở lại (Remain).

Có sự phân hóa rất rõ giữa các thế hệ về BREXIT. Giới trẻ (18-24 tuổi) 75% bầu cho ở lại, giới trung niên (25-49 tuổi), 56% bầu cho ở lại, trong lúc giới lớn tuổi (50-64 tuổi) 56% chọn ra đi và sau cùng giới già (>65 tuổi), bầu 61% cho ra đi.

Ngay sau khi kết quả Trưng Cầu Dân Ý được công bố, các thị trường chứng khoán (Stock Exchange) đã suy thoái khá mạnh, vì giới kinh doanh, đầu tư lo ngại trước những bất trắc về mặt tài chánh, ngân hàng, do sự thay đổi các luật lệ khi ra khỏi Liên Âu. Vậy đâu là những lý do đã khiến cho Vương Quốc Anh, một quốc gia quan trọng về mặt dân số và sức mạnh kinh tế, kỹ thuật, tài chánh trong Liên Âu, cùng với Đức, Pháp, Ý sau 43 năm (1973-2016) trong Liên Âu đã quyết định ra khỏi Liên Âu?

Liên Âu và Vương Quốc Anh

Liên Âu (European Union) hiện nay gồm 28 nước (kể cả Anh), có một dân số 508 triệu, GDP 2015 là 17.000 tỷ Mỹ Kim đối chiếu với Hoa Kỳ có dân số 324 triệu và GDP là 18.000 tỷ Mỹ Kim.

PNG - 75.5 kb
Anh Quốc (xanh đậm) trong Liên Âu (xanh lợt)

Liên Âu có khối lượng xuất cảng dịch vụ và hàng hóa chiếm 2.400 tỷ Euro, nhập cảng 2.200 tỷ Euro. Đây là một thị trường mậu dịch lớn nhất thế giới trước cả Trung Quốc nếu tính về mặt mãi lực.

Trong đó 4 nước lớn nhất là Đức (81,1 triệu dân, GDP là 3.350 tỷ Mỹ Kim), Pháp (66,4 triệu, GDP khoảng 2.240 tỷ Mỹ Kim), Anh (64,8 triệu, GPD khoảng 2.850 tỷ Mỹ Kim), Ý (60,8 triệu, GDP 1.815 tỷ Mỹ Kim). Bốn nước này chiếm 54% dân số và 60% GDP của toàn Liên Âu.

Tiền thân của Liên Âu là Cộng Đồng Than Đá và Sắt (European Coal and Steel Community) được thành lập năm 1952, cùng với Cộng Đồng Nguyên Tử Lực Âu Châu (European Atomic Energy Community).

Bảy năm sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, nhằm ngăn chặn sự xuất hiện trở lại các chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thắt chặt mối bang giao và giúp cho các dân tộc có điều kiện thuận lợi để thông cảm chung sống, Liên Âu đã ra đời nhằm phát triển thành một thị trường chung rộng lớn.

Vào năm 1957, 6 nước sáng lập Bỉ, Pháp, Ý, Tây Đức, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo thành lập Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (EEC European Economic Community) qua Hiệp Ước Rome.

Vào năm 1973, có thêm Đan Mạch, Vương Quốc Anh, Ái Nhĩ Lan (Ireland) gia nhập, trong lúc Na Uy từ chối qua một cuộc Trưng Cầu Dân Ý. Hy Lạp tham gia năm 1981, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha tham gia năm 1986. Sau biến cố Đông Âu 1989, Liên Âu chuẩn bị điều kiện cho các quốc gia cộng sản cũ tham gia, sau một thời gian chuẩn bị 5 năm, với các tiêu chuẩn được gọi là Copenhagen Criteria.

Đến năm 1993, Hiệp Ước Maastricht có hiệu lực từ ngày 1 Tháng 11, và tên Liên Âu được chính thức xử dụng. Năm 1995, có thêm Áo, Phần Lan và Thụy Điển tham gia. Tới năm 2004, có thêm Cyprus, Cộng Hòa Tiệp, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovelia đồng loạt tham gia Liên Âu.

Năm 2007, có thêm Bulgaria và Romania, và sau cùng Croatia, năm 2013. Hiệp Ước Lisbonne (13/12/2007) giữa 27 quốc gia thành viên hiệu chỉnh Hiệp Ước Rome 1957 và Hiệp Ước Maastricht (1993), sửa đổi hàng trăm điều khoản, 36 giao thức, 27 tuyên bố, và được xem là Hiến Pháp tân thời của Liên Âu.

Sau 60 năm được thành lập (1957-2016), tiền thân Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu và Liên Âu đã thành công trong việc duy trì nền hòa bình tại Lục Địa Âu Châu. Qua cơ chế này đã giúp cho nhiều quốc gia rất khác biệt về mức phát triển, có được một môi trường rộng lớn hơn 500 triệu người, xử dụng đồng tiền chung Euro, gỡ bỏ hàng rào quan thuế, hàng hóa, công dân Liên Âu được lưu chuyển tự do, để tăng trưởng kinh tế, gia tăng mức sống của dân chúng, tạo ra được những giá trị tinh thần nền tảng chung về xã hội, lối sống, bản sắc (identity) ,… .

JPEG - 24.9 kb
Tòa nhà Quốc hội Âu Châu

Các cơ cấu như Ủy Ban Âu Châu (European Commission), Quốc Hội Âu Châu (European Parlement), Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Âu (European Summit), Hội Đồng Âu Châu (European Coucil) được hình thành nhằm tiến đến việc thiết lập một loại chính quyền Liên Bang như Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Liên Âu đã thất bại trong việc hình thành một chính quyền liên bang thật sự. Các chính quyền quốc gia tại Liên Âu hiện nay vẫn còn giữ tới 80% quyền hành pháp và lập pháp, trên nguyên tắc phải được chuyển lên các bộ phận Liên Âu.

Guồng máy Liên Âu đã ban hành rất nhiều luật lệ chung rất tiến bộ về mặt kinh tế, xã hội (an toàn giao thông, an toàn lao động, môi sinh, cạnh tranh trong sáng,…). Tuy nhiên nhiều luật lệ đã không được áp dụng trở xuống bình diện quốc gia (nguyên tắc subsidiarity principle) vì có quá nhiều điều kiện áp dụng hữu hiệu chưa giải quyết xong, nhất là cho các quốc gia thuộc vòng đai thứ hai ven bờ biển Địa Trung Hải và các quốc gia cộng sản cũ tại Đông Âu và ven bờ Baltic (gia nhập sau 2004).

Sau cuộc tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ vào ngày 11 Tháng 9, 2011, trước hiểm họa trầm trọng của khủng bố quốc tế, có chủ trương hủy diệt xã hội Tây Phương, Liên Âu cũng đã thất bại khi không lấy được một chính sách ngoại giao, quốc phòng, một chính sách di dân chung, hợp tác mật thiết về mặt tình báo, nhằm khám phá trước các toan tính tấn công khủng bố, truy lùng các thành phần khủng bố, bảo vệ hữu hiệu các hoạt động kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, sinh mạng của người dân.

Vương quốc Anh chiếm 12,7% dân số, 16,7% về GDP, là một trong tứ trụ của Liên Âu vì tầm ảnh hưởng về mặt quân sự, kinh tế, kỹ thuật. Lúc đầu khi hình thành các tiền thân của Liên Âu vào năm 1952, 1957, Pháp (lúc đó tướng De Gaulle làm Tổng Thống) luôn tìm cách ngăn cản không cho Anh gia nhập, vì nghi ngờ Anh là một cánh tay nối dài của Hoa Kỳ trên lục địa Âu Châu.

Trong lúc đó Anh luôn muốn duy trì một mối quan hệ đặc biệt và chuyên biệt với Hoa Kỳ ngay từ trước khi có Liên Âu. Vương Quốc Anh luôn bảo vệ cho sự độc lập của họ, nhất quyết không ứng dụng các luật lệ nếu không phù hợp hay mâu thuẫn với quyền lợi của họ, duy trì liên hệ rất đặc biệt với Hoa Kỳ.

JPEG - 32 kb
Đồng Pound Sterling của Anh

Do đó, trong các hội nghị Thượng Đỉnh cấp nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, Anh luôn bảo vệ lập trường đặc biệt của họ, như không tham gia vào Tiền Tệ chung Euro mà vẫn giữ đồng Pound Sterling, không chấp nhận tham gia vào Hiệp Ước Schengen về vấn đề di chuyển tự do trong nội địa Liên Âu (Internal Boudaries) mà không cần xin chiếu khán hay thông hành. Nói chung, ngay trước khi có BREXIT một cách chính thức, từ hơn 43 năm nay, Vương Quốc Anh đã trong tình trạng chân trong chân ngoài đối với Liên Âu.

Những lý do khiến xảy ra BREXIT

Có 3 lý do có thể giải thích được việc Vương Quốc Anh đã chọn ra khỏi Liên Âu: 1/ Vấn đề cạnh tranh và phát triển; 2/ Vấn đề bản sắc và di dân; 3/ Vấn đề chống khủng bố và an ninh.

Vấn đề cạnh tranh kinh tế và phát triển.

Việc hình thành một đồng tiền Euro chung cho Âu Châu, nhằm duy trì hối đoán ở mức ổn định, tạo niềm tin nơi giới đầu tư và doanh nhân là một điều cần thiết cho một nền kinh tế mạnh, có khuôn khổ luật pháp thích ứng. Tuy nhiên, việc này phải đi đôi với các cấu trúc kinh tế, tài chánh, ngân hàng, thuế khóa tương đương và khả năng quản trị thích hợp.

Trong vòng đai số một gồm hầu hết các quốc gia tiền tiến như Pháp, Đức, Hòa Lan, Bỉ, Ý, Lục Xâm Bảo, Anh, Đan Mạch, Ái Nhĩ Lan, đều có những cấu trúc tương đương và mức phát triển đồng đều trong suốt 60 năm kể từ ngày thành lập Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu, tiền thân của Liên Âu. Do đó, việc ấn định một đồng tiền bản vị mạnh tạo ra thuận lợi nhằm cạnh tranh với đồng Mỹ Kim, Yen, Nhân Dân Tệ (Trung Cộng).

Tuy nhiên, đồng tiền mạnh Euro không phù hợp với các nền kinh tế yếu kém hơn, ít thích ứng nhanh chóng (agile) như của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, các quốc gia Đông Âu và Baltic. Với mức Tổng sản lượng tính trên đầu người thấp hơn từ 1/3 tới 1/2 so với mức sống các quốc gia sáng lập, đồng Euro mạnh tạo ra nhiều bất lợi trong việc điều hành kinh tế (không thể hạ giá đồng bạc để khuyến khích xuất cảng hàng hóa, dịch vụ).

Cách đây 60 năm, thế giới chưa có những tiến bộ vượt bực về mặt thông tin, đại chúng toàn cầu với mạng Internet, điện thoại tinh khôn (smart phones), mạng xã hội (Facebook, Twitter,..), đa số các quốc gia Nam Mỹ, Đông Á, Nam Á chưa đạt tới mức phát triển để có thể cạnh tranh về mặt sản xuất hàng hóa, dịch vụ với Liên Âu. Ngày nay, các quốc gia đó phát triển rất nhanh, gấp đôi, gấp ba (5-7%) mức trung bình Liên Âu (1-2%). Tất cả loại hàng gia dụng phổ thông đều được sản xuất bên ngoài Liên Âu để có giá thành thấp trong chủ trương Toàn Cầu Hóa.

Do đó, để duy trì mức phát triển kinh tế, giới hạn thất nghiệp tại các quốc gia Liên Âu chưa đạt mức phát triển cao như nhóm một, Liên Âu đã phải trợ cấp cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Croatia, Slovenia, Ba Lan (Ngân sách Liên Âu 2015 khoảng 142 tỷ Euro).

JPEG - 26.3 kb
Ngân hàng Trung Ương Liên Âu

Ngân Hàng Trung Ương Liên Âu (ECB European Central Bank) đã tháo khoán hàng trăm tỷ Euro cho Hy Lạp vay để tránh bị phá sản và dẫn đến GREXIT. Một tập hợp gồm 12 quốc gia tương đương về cấu trúc xã hội, lợi tức đầu người, dễ hội nhập và điều hành hơn một tập hợp 28 quốc gia quá khác biệt về mức phát triển, lối sống.

Vương Quốc Anh được hưởng 4 tỷ Euro trợ cấp của Liên Âu về nông nghiệp, tuy nhiên sự trợ cấp này không cân bằng được các gò bó từ các khuôn khổ luật lệ và tiến trình lấy quyết định quá lâu. Do đó, đa số các thành phần dân chúng hơn 40 tuổi tại Anh muốn nước Anh ra khỏi Liên Âu, để có khả năng tự chủ, phản ứng nhanh chóng trong một thế giới đầy cạnh tranh bất chính và nguy hiểm vì hiểm họa khủng bố.

Vấn đề di dân và bản sắc

Liên Âu tạo ra một thị trường rộng lớn với một xã hội mở rộng tiền tiến, rất hấp dẫn về mặt công ăn việc làm, an sinh xã hội đối với người dân các quốc gia Ả Rạp tại Bắc Phi, Trung Đông, bên kia bờ Địa Trung Hải, vốn chưa được hưởng mọi quyền căn bản của con người và những điều kiện cần có cho một đời sống ổn định, tiến bộ, an toàn.

Liên Âu không may là thuộc vùng địa dư gần cạnh các vùng vừa xảy ra các cuộc cách mạng 2010 tại Tunisia, Libya, Ai Cập, Syria, các nôi hoạt động khủng bố của Al Qaeda, IS tại Phi Châu và Trung Đông như Syria, Mali, Libya. Khoảng 7% dân sống ( 35 triệu) tại Liên Âu không có quốc tịch một trong 28 quốc gia thành viên, đây là tỷ số đáng kể, bắt đầu đi đến giới hạn khó có thể vượt qua được (tolerance threshold), dù trong một xã hội tiền tiến sung túc.

Bắt đầu từ 2013 với các đợt di dân tỵ nạn chiến tranh từ Syria, A Phú Hãn, Iraq, cộng thêm làn sóng di dân vì lý do kinh tế khiến số người di dân nhập cảng Liên Âu tăng vọt qua các cửa ngõ Thổ Nhỉ Kỳ, Hy Lạp, Ý, vùng Balkan (Croatia, Slovenia,…), từ đường biển, đường bộ, lên đến hàng trăm ngàn người.

Lần đầu tiên trong lịch sử Liên Âu, các quốc gia Liên Âu như Croatia, Hugary đã phải dựng lên bức tường dọc biên giới để ngăn chặn làng sóng di dân. Tuy hành pháp Liên Âu chấp thuận nhận 1,2 triệu di dân, nhưng 47% dân Anh muốn ngưng áp dụng hiệp ước Schengen và tái lập lại kiểm soát tại các biên giới (so với 36% tại Pháp, 23% tại Ý, 18% tại Đức). Hiện nay, mối quan tâm dân Liên Âu về vấn đề di dân đứng hàng đầu, trước cả tình hình kinh tế khó khăn, nạn thất nghiệp không suy giảm, tình trạng tài chánh công thâm hụt.

JPEG - 34.1 kb
Bức tường dọc biên giới Hungary để ngăn chặn làn sóng di dân (Hình: Getty Images)

Các quốc gia Liên Âu hoàn toàn bất đồng với nhau về vấn đề hạn ngạch (quota) di dân. Tại các quốc gia cửa ngõ như Ý, Hy Lạp, hơn 80% dân chúng muốn thiết lập hạn ngạch giới hạn việc nhận di dân, tại Đức 69%, tại Anh 68%. Tuy là một đảo, đa số dân chúng Anh không muốn mở rộng cửa đón nhận di dân. Vì những hậu quả lâu dài khó ước lượng trước được về mặt lối sống, bản sắc, chưa kể tới hiểm họa tiềm tàng của khủng bố với các thành phần IS trà trộn vào giữa làn sóng di dân.

Trong lúc đó sự giới hạn của mô hình kinh tế thị trường và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Cộng, Ấn Độ các quốc gia Nam Mỹ, Đông Nam Á, đã làm gia tăng nạn thất nghiệp, làm trì trệ mức sản xuất, gia tăng các bất công, mức thuế và khó khăn trong mức sống. Giới trung lưu chiếm đa số xã hội Liên Âu nhận thấy mức sống của họ bị suy giảm, phải đối phó với tình trạng mất an toàn thường trực trong đời sống hàng ngày, bản sắc bị đe dọa bởi làn sóng di dân đến từ các quốc gia hồi giáo có những giá trị, lối sống rất khác xa họ (bình đằng nam nữ, giới tính, giáo dục con cái,..). Đây là điểm chính dẫn đến kết quả BREXIT vừa qua.

Vấn đề chống khủng bố, an ninh

Liên Âu đã thất bại không đi đến thỏa thuận chung là chính sách chống khủng bố, có ảnh hưởng đến BREXIT. Âu châu là nơi mà Al Qaeda và IS đã tung ra nhiều đợt tấn công khủng bố rất quy mô có tổ chức tại Luân Đôn (2005), Madrid (2004), Paris (2015), Brussels (2016), cùng hàng chục vụ nhỏ hơn khác, gây ra hơn 500 người bị chết, hơn 2500 người bị thương.

JPEG - 36.3 kb
Khủng bố tại Luân Đôn năm 2005 khiến 52 người chết và hơn 700 người bị thương. Hình: dailystar.co.uk

Các hoạt động khủng bố tiến hành được nhờ các sự trợ giúp về hậu cần của nhiều tổ kín, đang mai phục tại nhiều nơi, trong các giới Hồi Giáo. Mức báo động trong suốt nhiều năm nay luôn ở mức cao nhất, nhưng không hữu hiệu. Vì các nhóm khủng bố đã lợi dụng những điểm yếu của biên giới bên ngoài của Liên Âu (External boundaries) để xâm nhập qua ngã Hy lạp, vùng Balkan, sau đó di chuyển xuyên qua biên giới nhiều quốc gia Liên Âu mà không bị kiểm soát, để đến các vị trí gần mục tiêu sẽ bị tấn công.

Trong nhiều năm gần đây, một số đông dân chúng Liên Âu đòi phải cứu xét lại các điều khoản trong Hiệp Ước Schengen, các xứ Bắc Âu, Đan Mạch, Hòa Lan, Hungary, Ba lan, Pháp, cũng như các điều kiện để chấp nhận, cứu trợ cho di dân. Các nhóm khủng bố cũng tìm cách khai thác mọi khe hở trong các quyền tự do căn bản như quyền di chuyển, thông tin, … để liên lạc, tổ chức, tuyển mộ người hầu như công khai, đi theo IS làm thánh chiến tại Syria, Iraq,.. .

Các giới chức về an ninh, tình báo đều thiếu nhân sự, thiếu phương tiện theo dõi, thiếu quan tâm, coi thường và không hợp tác, trao đổi dữ kiện với nhau, vì mỗi quốc gia đều nghĩ tới quyền lợi riêng của họ. Hiện nay chỉ có Pháp, Anh là đang trực tiếp tham chiến bên cạnh Hoa Kỳ trong Liên Minh chống IS tại Syria, Iraq, A Phú Hãn, trong lúc các quốc gia khác chỉ đóng góp ở mức rất tượng trưng. Điều này làm cho người dân Anh thấy sự yếu kém của Liên Âu về mặt phòng chống khủng bố, trong lúc về mặt xã hội, lại dung dưỡng cho các mầm khủng bố nẩy nở.

Tạm kết

Nói chung, bối cảnh thế giới đã thay đổi rất nhanh vào đầu thế kỷ thứ 21, hơn 60 năm sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, những nguyên tắc cản bản về cơ cấu, quản trị, điều hành và chủ trương lúc đầu của Liên Âu, hình thành từ hiệp ước Maastritch đến Lisbonne đã không còn đáp ứng được tình hình nữa.

Các mối đe dọa về chiến tranh đã biến chất và đang trở lại với các mầm mống hủy hoại tiềm ẩn hơn nhưng không kém phần nguy hiểm, vì kẻ thù biết lợi dụng các yếu điểm về tinh thần, những kẽ hở trong các quyền tự do căn bản để tồn tại, phát triển và tiến hành các hành động khủng bố giết người.

Người dân Liên Âu trông chờ một sự hiệu chỉnh các Hiệp Ước căn bản nhằm giúp người dân ảnh hưởng lên các quyết định quan trọng về tương lai của Liên Âu về 3 mặt: cạnh tranh và phát triển, bản sắc và di dân, chống khủng bố và an ninh, hơn là chỉ dựa trên các guồng máy cầm quyền quốc gia hay guồng máy các công chức quốc tế của Liên Âu tại Brussels, vốn đã chứng tỏ sự giới hạn về mặt điều hành và viễn kiến trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, thay đổi rất nhanh chóng và bất ổn hơn bao giờ hết.

Trong lúc chờ đợi, người dân dồn phiếu cho các đảng có tinh thần “quốc gia”, để chống lại các đe dọa từ bên ngoài vào lối sống, bản sắc của họ, trước sự thụ động các đảng phái đang cầm quyền.

JPEG - 29.8 kb
Phía ủng hộ trưng cầu dân ý muốn Scotland trở thành độc lập. Hình: Getty Images

Anh có nguy cơ bị phân rã, sau BREXIT, vì Scotland muốn trở thành độc lập để vào lại Liên Âu. Tuy nhiên cho đến nay, người ta vẫn chưa thấy ảnh hưởng trầm trọng gì về mặt kinh tế xã hội. Các hoạt động kinh tế, thị trường chứng khoán, tài chánh, ngân hàng vẫn diễn ra bình thường. Riêng các quốc gia mới vào từ đợt 2004 bắt đầu nghiệm thấy sự giới hạn thật sự của tinh thần liên đới trong Liên Âu và nhận thấy nhu cầu ra khỏi Liên Âu của Anh, để có khả năng chủ động.

Ảnh hưởng cụ thế của BREXIT đối với Anh hiện nay và trong tương lai gần như không nhiều, dù là tân Thủ tướng Anh sẽ chính thức viện dẫn điều khoản 50 để ra khỏi Liên Âu vào tháng 9 tới đây.

Lý do dễ hiểu là Vương Quốc Anh đã luôn tìm cách ở bên ngoài Liên Âu (Euro, Schengen, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng) trong nhiều thập niên qua.

Về mặt thị trường mậu dịch, Anh có thể ký hiệp ước song phương với từng quốc gia hay cả Liên Âu để tiếp tục được hưởng, dù ở mức độ thấp hơn, các điều kiện dễ dãi để đi vào thị trường Liên Âu (single market). Đây là viễn ảnh khá hợp lý, đối chiếu với những gì cụ thể đã xảy ra cho nước Anh và cho Liên Âu trong 43 năm qua.

Nguyễn Ngọc Bảo

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.