Dự thảo thuế tài sản “bất hợp lý” còn lâu mới trở thành hiện thực?

Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với nhà trị giá trên 700 triệu đồng.
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Dư luận Việt Nam mấy ngày nay sôi sục phản đối một đề xuất của Bộ Tài chính về soạn luật đánh thuế tài sản. Cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhận định với VOA rằng dự thảo này “còn lâu” mới trở thành những điều luật thật sự.

Trong đề xuất được công bố hôm 13/4, Bộ Tài chính nêu phương án đánh thuế đối với nhà và đất kết hợp có giá trị trên 700 triệu đồng với thuế suất 0,4%.

Bộ ước tính rằng nếu phương án này được luật hóa, nhà nước dự kiến sẽ thu được thuế tài sản khoảng 31.000 tỷ đồng.

Trong suốt 4 ngày kể từ khi đề xuất được nêu ra, dư luận Việt Nam, kể cả nhiều nhà báo, công chức nhà nước, luật sư và doanh nhân, đã và đang lên tiếng phản đối nó. Cũng xuất hiện nhiều bài báo trên các trang tin lớn trong nước chỉ ra những điểm bất hợp lý của đề xuất.

Trong bài báo với tiêu đề là câu hỏi “Người thu nhập thấp cũng phải đóng thuế tài sản?” trên báo Thanh Niên, luật sư Trương Thanh Đức dẫn lại thông tin rằng cách đây vài năm, đã có một chương trình tín dụng của nhà nước giúp người thu nhập thấp mua nhà có giá trị dưới 1,05 tỉ đồng. Như vậy, theo vị luật sư, với ngưỡng miễn thuế là 700 triệu đồng, những người thu nhập thấp cũng sẽ chịu thuế tài sản.

Báo mạng Dân Trí đưa ra tính toán sơ bộ rằng chủ của một căn chung cư khoảng 100m², giá trị 1 tỉ 135 triệu, có thể phải chịu mức thuế hàng năm ít nhất là khoảng 1,74 triệu đồng. Nếu căn hộ có giá trị là 1,7 tỉ, tiền thuế thậm chí lên đến hơn 4 triệu đồng mỗi năm.

Trích lời chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các trang VnEconomy và VOV viết rằng định mức 700 triệu đồng đối với nhà là “quá áp đặt”, “lỗi thời”. Hai báo nói hàng triệu gia đình sẽ phải chịu thuế và đó sẽ là “áp lực lớn” đối với họ.

Trong khi đó, VNExpress dẫn ý kiến của hai luật sư Nguyễn Xuân Anh và Vũ Tiến Vinh để chỉ ra rằng dự thảo về đánh thuế nhà có nhiều điểm bất hợp lý. Hai luật sư nói Bộ Tài chính thiếu cả cơ sở pháp lý lẫn cơ sở thực tiễn cho việc đặt ra mức 700 triệu đồng trở lên để đánh thuế.

98% ý kiến trên VNExpress không ủng hộ dự thảo về thuế tài sản của Bộ Tài chính.
98% ý kiến trên VNExpress không ủng hộ dự thảo về thuế tài sản của Bộ Tài chính.

Báo Lao Động khẳng định người dân “bức xúc” về đề xuất trong bài báo có tên “Động não kiếm tiền quá khó, đánh vào túi dân rất dễ”. Báo cho rằng người dân mua nhà hay căn hộ “đã đóng một loạt thuế rồi”, nếu phải chịu thêm thuế tài sản, điều đó đồng nghĩa là “dân đang bị tận thu, không còn là đóng thuế nữa”.

Điều đó được nhấn mạnh thêm trong thư ngỏ của một độc giả gửi đến Bộ trưởng Tài chính đăng trên báo Pháp Luật. Tác giả thư viết rằng với tình trạng thuế chồng thuế lâu nay, lại thêm gánh nặng thuế tài sản năm nào cũng đóng – nếu luật được ban hành – sẽ không khác gì việc người dân “phải thuê lại chính căn nhà do công sức mình tạo dựng”.

Với bề dày kinh nghiệm và hiểu biết trực tiếp về lĩnh vực nhà đất ở Việt Nam, giáo sư Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng cần tách ra hai vấn đề khi bàn về dự thảo gây tranh cãi của Bộ Tài chính.

Ông Võ, cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nhận xét việc bộ muốn nâng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp lên hơn 10 lần, từ 0,03% thành 0,4%, là “hợp lý”. Theo ông, điều này đi theo “kinh nghiệm tốt, thông lệ tốt” của thế giới. Tiền thuế từ giá trị đất luôn là nguồn lực quan trọng để các nước đô thị hóa hoặc hiện đại hóa đô thị, chuyên gia này nói.

Song song với thuế đất, ông Võ nói các nước cũng đánh thuế nhà, hay nói cách khác là buộc cư dân phải có trách nhiệm chi trả cho việc họ sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng tại đô thị. Nhưng giáo sư Võ nói Bộ Tài chính Việt Nam “không đúng” khi nhắm đến đánh thuế nhà theo giá trị:

“Bởi vì đánh thuế nhà theo giá trị lập tức dẫn đến một điều là người ta không muốn đầu tư nhà nữa. Những ngôi nhà tiện nghi, nhất là tương lai là những ngôi nhà thông minh, sẽ không có cơ hội để có thể phát triển ở Việt Nam, và điều này là trái quy luật phát triển. Để đánh thuế thì đánh theo đầu người trên [diện tích] sàn nhà ở là hợp lý nhất”.

Việc đánh thuế theo diện tích tính trên đầu người cũng cần có thuế suất lũy tiến để áp dụng với những người sở hữu nhà quá rộng, theo vị cựu thứ trưởng tài nguyên và môi trường.

Dự thảo về luật thuế tài sản của Bộ Tài chính không nói đến việc đánh thuế với căn nhà hay căn hộ thứ hai trở lên. Điều này cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận vì họ cho rằng người trung lưu và người nghèo bị tận thu, trong khi người giàu được “bảo vệ”.

Là người từng tham gia đóng góp ý kiến chuyên môn cho dự thảo thuế về nhà đất, chuyên gia Đặng Hùng Võ đồng tình với sự cần thiết phải đánh thuế lũy tiến theo hạn mức sử dụng đối với nhà và đất để “ngăn chặn đầu cơ, tích trữ”. Tuy nhiên, ông nói có thể các bộ liên quan thấy khó khăn về sự đa dạng của nhà đất ở Việt Nam nên họ đã không đưa điều này vào dự thảo.

Giáo sư Võ bình luận rằng dự thảo gây nhiều tranh cãi hiện nay của Bộ Tài chính mới ở dạng rất “sơ lược”, nó chưa hề được chấp nhận đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Ngay cả khi được đưa vào chương trình, nó sẽ còn trải qua nhiều bước bàn thảo. Ông Võ nói:

“Thứ nhất, phải trình ra một hệ thống chính sách về thuế. Lúc đó Quốc hội phải duyệt cái hệ thống chính sách đó. Xong đó rồi, bắt đầu cụ thể hóa bằng các điều luật trong luật thuế tài sản này. Tôi cho rằng lúc này cũng chưa vội để bàn chi tiết vào các chính sách cụ thể. Mà chỉ cần tính tới một cái là việc đánh thuế tài sản theo một số đề nghị sơ bộ của Bộ Tài chính là có cần thiết xây dựng luật hay không. Tôi cho rằng lúc này mới đang thảo luận ở mức độ đó thôi”.

Trên báo chí trong nước và mạng xã hội, nhiều chuyên gia kinh tế, nhà báo và người dân cho rằng Việt Nam đang phải tìm cách thu thêm thuế từ các nguồn trong nước để bù đắp cho giảm thu thuế nhập khẩu đi kèm với chi quá lớn cho bộ máy hành chính cồng kềnh, thừa công chức.

Một loạt hiệp định thương mại tự do với các nước buộc Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho nhiều mặt hàng về 0% hoặc tối đa 5%.

Trong khi đó, kiểm toán nhà nước phát hiện trong năm 2017 các cơ quan nhà nước thừa tới hơn 57.000 nhân viên “trong biên chế”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế, nói với VOV và VnEconomy rằng “Cách tốt nhất hiện nay là giảm chi, cắt bỏ những bộ máy chi tiêu lãng phí chứ không phải là tăng thu thuế như hiện nay.”

Tính đến ngày 16/4, một cuộc khảo sát ý kiến bạn đọc trên VNExpress về dự thảo thuế tài sản của Bộ Tài chính cho thấy 98% trong số gần 47.000 người coi việc đánh thuế nhà trên 700 triệu là “bất hợp lý”.

Nguồn: VOA

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ảnh minh họa: VNTB

Đừng vội mừng khi Chính phủ lại tăng lương dồn dập

Tăng lương cơ bản chỉ dành cho công nhân viên nhà nước và sẽ đem đến niềm vui cho một nửa đồng bào cả nước nhưng cũng [sẽ] làm cho một nửa đồng bào cả nước trong khu vực tư nhân và lao động tự do méo mặt. Lương tăng nhưng lạm phát cũng sẽ không đứng im hay chỉ trong tầm mục tiêu.

Vietnam Airline "cân nhắc" việc mua máy bay C919 Trung Quốc. Ảnh chụp trang nguoiquansat.vn

Tính mạng người dân Việt Nam không phải thứ để đem ra gỡ khó cho Vietnam Airlines

Theo thông tin từ nguoiquansat.vn đưa tin, do thiếu máy bay nghiêm trọng, Vietnam Airlines cân nhắc mua tàu bay từ Trung Quốc. Cụ thể ở đây là máy bay thân hẹp 919 mà Trung Quốc vừa ra mắt.

Theo tôi được biết, hiện C919 của Trung Quốc chưa được EU và Mỹ cũng như các quốc gia phát triển cấp phép bay và cấp chứng nhận an toàn hàng không. Theo các chuyên gia, có thể mất ít nhất vài năm nữa. Vậy nếu Vietnam Airlines mua thì chỉ bay nội địa sao? Và liệu tính mạng của người dân Việt Nam có được đảm bảo an toàn, hay chỉ đáng giá giải quyết khó khăn cho Vietnam Airlines.

Tình trạng đáng báo động, cán bộ nhà nước ngày càng giàu có, sống xa hoa bất thường so với mức lương nhận lãnh. Ảnh minh họa: FB Manh Dang

Có cần quan tâm đến thời cuộc hay không?

– Nếu bạn vẫn ung dung trả 100.000 đồng để mua xăng dù vẫn biết trong đấy chỉ có 45.000 đồng là giá xăng, nhưng có đến 55.000 đồng là thuế phí các loại, chưa kể đến yếu tố chúng ta là một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa,

– Nếu bạn chấp nhận như lẽ đương nhiên khi con cái bạn rời ghế nhà trường mà không thể kiếm được việc làm, hoặc đi làm nhưng không thích ứng được với công việc vì sự đào tạo kém cỏi của hệ thống giáo dục,

-…

Ảnh minh họa: Foreign Affairs

Những bài học lịch sử về Nga của Tập Cận Bình

Là con trai của một người có liên quan nhiều đến quan hệ giữa đất nước mình với Moscow, Tập Cận Bình hiểu rõ lịch sử. Lịch sử đã dạy cho ông bài học về những nguy hiểm của việc vội vàng liên kết lẫn việc thù địch toàn diện. Giờ đây, Tập muốn được hưởng lợi từ chiếc bánh – tiến đủ gần đến Nga để gây rắc rối cho phương Tây, nhưng không quá gần đến mức buộc Trung Quốc phải phân tách hoàn toàn.