Cái chết của Bác Sĩ Li, một trong tám bác sĩ đầu tiên ở Vũ Hán đã cố gắng cảnh báo về dịch bệnh cúm do chủng virút corona đột biến 2019-nCoV, đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ ngầm mạnh mẽ ở Trung Quốc. Người ta đau buồn và thương tiếc cho Bác Sĩ Li mà như một người thanh niên đến dâng hoa tưởng nhớ Bác Sĩ Li nói “Anh ấy không hề muốn trở thành người hùng, anh ấy chỉ muốn cảnh báo nguy hiểm cho cộng đồng và hết sức giúp đỡ mọi người. Đó là điều làm cho chúng ta thấy đau đớn.”
Cho tới lúc chết, Bác Sĩ Li vẫn bị chịu sự giám sát của chính quyền và những cáo buộc của cảnh sát là “tung tin đồn sai trái”. Tờ quyết định khiển trách với những lời răn đe của cảnh sát cùng chữ ký và dấu vân tay của Bác Sĩ Li được anh công bố trên mạng xã hội sau khi nạn dịch bệnh đã tràn lan ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Vũ Hán.
Cái chết của Bác Sĩ Li dấy lên các đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận, trả lại Công lý cho Bác Sĩ Li và minh bạch thông tin dịch bệnh. Song phản ứng từ phía chính quyền là hoàn toàn trái ngược. Nhà cầm quyền Trung Quốc lo sợ cái chết của Bác Sĩ Li trở thành ngọn đuốc Bouazizi – người đàn ông đã thắp lên “mùa xuân Arab” ở Trung Đông.
“Ổn định chính trị là trên hết”
Là chỉ đạo của quan chức thành phố Vũ Hán khi tiếp nhận các thông tin đầu tiên về bệnh dịch viêm phổi mới. Đó là lối suy nghĩ mặc định của giới chức cộng sản. Họ quan tâm đến vấn đề “ổn định chính trị” hơn bất cứ vấn đề nào khác và đánh giá thấp hoặc không nhận định được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Ngay cả khi tình hình đã mất kiểm soát thì biện pháp thường trực của chính quyền luôn luôn là khống chế, che dấu thông tin. Bất kể đó là thông tin trung thực. Khi một đoạn video quay các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, xác người và khung cảnh hỗn loạn đang diễn ra được đăng tải lên internet, cảnh sát an ninh mạng sẽ xác định ngay được số điện thoại, thuê bao của tác giả những thông tin đó và đến tận nhà để bắt giữ, thẩm vấn và tống giam.
Việc phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc đã vượt qua mọi qui định luật pháp và đạo đức. Chính quyền TW cho phép cảnh sát có quyền hạn tối đa, đưa ra những qui định hà khắc nhất như cho phép tử hình đối với những người có thái độ chống đối hay cản trở nỗ lực phòng chống dịch bệnh của chính quyền. Người ta có thể thấy rằng, dù năng lực xây dựng của Trung Quốc thật đáng khâm phục song thực tế mức độ lây lan dịch bệnh đã vượt xa khả năng khống chế và đáp ứng của chính quyền. Hai bệnh viện dã chiến với qui mô tổng cộng hơn 3000 giường của Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn chỉ đủ cho số bệnh nhân nhiễm bệnh phát sinh mới trong một ngày ở Vũ Hán.
Người ta đã sử dụng hàng trăm trung tâm thương mại, nhà ga, trường học, hội trường… lớn nhất để sử dụng làm nơi tập trung bệnh nhân. Lực lượng quân y của 26 tỉnh thành với hơn 10 ngàn nhân viên y tế, cùng với hơn 700 cơ sở y tế, bệnh viện các cấp của Vũ Hán đã không thể kiểm soát được tình hình dù đã làm việc đến kiệt sức. Ngay bây giờ, việc cung ứng thêm vật tư và nhân lực y tế cho Vũ Hán đã là “nhiệm vụ bất khả thi”. Tuy vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn từ chối lời đề nghị của Hoa Kỳ cho chuyên gia tới giúp đỡ. Đơn giản, chóp bu lãnh đạo Trung Quốc Cộng Sản Đảng coi trọng “ổn định chính trị là trên hết”!
Trong bài phát biểu gần đây, Tập Cận Bình tuyên bố sẽ phát động “chiến tranh nhân dân” để đánh bại con virus 2019-nCoV. Thông điệp này làm người ta vừa khó hiểu vừa buồn cười cứ như thể con virus viêm phổi cấp đã trở thành “kẻ thù của nhân dân” như trong cuộc cách mạng văn hóa kinh hoàng của thập kỷ 30-40 thế kỷ trước. Tuy vậy, nếu hiểu bản chất của đảng cộng sản thì người ta nên biết run sợ trước lời nói tưởng chừng vô nghĩa kia ông Tập.
“Chiến tranh nhân dân” là một cuộc chiến coi nhân dân là đối tượng đấu tranh – những người bị nghi nhiễm bệnh, những người có rủi ro cao, những người có giá trị thấp với cộng đồng theo tiêu chuẩn chấm điểm của đảng… đều là đối tượng phải cách ly và loại bỏ. Đảng sẽ bỏ qua mọi qui định luật pháp, giá trị nhân quyền để thực hiện cuộc thanh lọc những đối tượng có khả năng làm lây lan bệnh tật trong bối cảnh các giải pháp y tế đã trở nên tuyệt vọng. Đó là một thảm kịch xã hội, một thảm họa kép.
Thảm họa nhân đạo cận kề
Số người chết bởi NCP (novel coronavirus pneumonia) – tên gọi mới của bệnh viêm phổi cấp do virus 2019-nCoV – tính tới ngày 9/2/2020 đã vượt số tử vong của đại dịch SARS năm 2003 theo như công bố của nhà cầm quyền. Trong khi đó, số lượng người nhiễm bệnh cao gấp 3 lần so với SARS và không hề có dấu hiệu giảm bớt bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của chính phủ Trung Quốc. Cho dù, quan chức y tế Trung Quốc cho biết con số người nhiễm bệnh mới đã “ổn định” ở mức khoảng 3000 trường hợp nhiễm mới/ngày nhưng điều đó không có nghĩa họ đã hạn chế được mức độ lây nhiễm mà ở đây phải hiểu rằng khả năng tầm soát, xét nghiệm của hệ thống y tế Trung Quốc đã ở mức tới hạn. NCP rõ ràng đã chứng tỏ mức độ nguy hiểm vượt trội so với bất kể các loại siêu vi chết người nào xuất hiện trong vòng 5 thập kỷ qua.
Nhìn vào số liệu thống kê và đánh giá của bác sĩ ở vùng trung tâm dịch, người ta nhận định rằng tỷ lệ tử vong của NCP (novel coronavirus pneumonia) là thấp khoảng 4-5% đối với các trường hợp đã ở tình trạng nguy kịch. Đa số những người khỏe mạnh bị nhiễm NCP sẽ tự khỏi trong vòng hai tuần đầu. Những người già, người bị bệnh mãn tính hoặc tình trạng sức khỏe không tốt thời gian hồi phục kéo dài hơn và một số sẽ bị chuyển thành nguy kịch ở tuần thứ 3. Khoảng 4-5% trong số này sẽ chết ở tuần thứ 3. Nhưng vấn đề mà chúng ta phải đối mặt là khả năng “siêu lây nhiễm” chưa từng có và bằng những cách thức lây nhiễm cực kỳ khó kiểm soát của NCP. Với con số lây nhiễm hoàn toàn có thể lên tới hàng triệu người thì dù tỷ lệ tử vong chỉ 0,1% cũng đã là thảm họa thực sự.
Cái giá phải trả cho thứ chính trị vô lương
Mức độ lây lan chết chóc của dịch bệnh kéo theo những hệ lụy kinh tế, xã hội khác nghiêm trọng không kém phần. Gần như toàn bộ Trung Quốc đang tê liệt, sản xuất, kinh doanh đình đốn chưa từng có. Những thành phố trống trơn, vắng lặng như trong những bộ phim giả tưởng về ngày tận thế của các nhà làm phim Hollywood bỗng trở thành sự thực. Nền kinh tế của siêu cường số 2 vốn đã chịu sự suy giảm chưa từng thấy trong vòng 30 năm trở lại đây kể từ khi xảy ra thương chiến với Hoa Kỳ.
Tăng trưởng GDP tuy vẫn được công bố hơn 6,3% trong năm 2019, song thực tế, các chuỗi cung ứng khổng lồ được thiết kế tối ưu đã rệu rã bởi ngấm đòn thuế quan và các trừng phạt về gian lận thương mại, trộm cắp kỹ thuật và thao túng thị trường. Dịch viêm phổi cấp NCP bùng phát vào thời điểm kinh tế đã suy thoái không chỉ cướp đi hàng ngàn sinh mạng người dân mà còn “tàn sát” nền kinh tế Trung Quốc. Những đánh giá “khiêm tốn” nhất về ảnh hưởng của dịch bệnh ước đoán GDP có thể sẽ giảm 1% xuống còn 5% vào năm 2020 do virus 2019-nCoV. Nhưng thực tế sẽ thảm hại hơn rất nhiều so với nhận định lạc quan này. 85% số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung Quốc sẽ không thể trụ nổi thêm ba tháng nữa nếu tình hình dịch bệnh và nền kinh tế bị “hôn mê” kéo dài.
Chính phủ trung ương yêu cầu hệ thống ngân hàng gánh vác tổn thất kinh tế và không tính lãi phát sinh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm khó khăn này. Song, biện pháp này chỉ giảm bớt phần nào khó khăn chồng chất của doanh nghiệp. Sản xuất đình đốn, thiếu hụt lao động, chuỗi cung ứng tê liệt gây ra những thiệt hại lớn hơn rất nhiều không chỉ là chi phí tài chính.
Một phản ứng khác đáng lo ngại trên phương diện xã hội là làn sóng kỳ thị và xa lánh người Trung Quốc đang trở nên đáng lo ngại. Người dân khắp thế giới đang nhìn nhận về một Trung Quốc với tất cả những cảm giác và đánh giá tiêu cực. “Dối trá, tham lam, ăn cắp, bẩn thỉu, dịch bệnh, phạm pháp,…” đó là những từ ngữ thường trực mà người ta đang nói về Trung Quốc.
Thế giới thay đổi quá nhanh, mới cách đây hai năm người ta đang nhìn về Trung Quốc như một siêu cường đang trỗi dậy đầy sức mạnh, đầy quyền lực, giàu có và quyến rũ với những “giá trị phương Đông” mờ ảo và khơi gợi. Giờ đây, người ta đang kinh sợ mọi thứ về Trung Quốc. Một người đàn ông Pháp hét lên “hãy giữ chặt con virus của mày, đồ Trung Quốc bẩn thỉu” khi thấy một thanh niên Châu Á đi xe hơi chạy qua một vũng nước trên phố. Những Chinatown vắng lặng khác hẳn với những gì ngươi ta thường thấy và mọi chính sách ngoại giao, kinh tế với Trung Quốc đang được chính phủ các nước trên thế giới xem xét lại một cách đầy thận trọng.
Trung Hoa hùng mạnh, Trung Hoa vĩ đại với Vạn Lý Trường Thành nhìn thấy từ mặt trăng, với Bắc Kinh, Thẩm Quyến phồn hoa đô hội bậc nhất thế giới, với Tô Châu, Hàng Châu như thiên đường hạ giới… Trung Hoa với 5000 năm lịch sử đầy tự hào và một dân tộc có đầy đủ những đặc tính ưu việt nhất Châu Á đã trở thành một thứ quái vật y như con virus NCP.
Người ta đang nhìn thấy một Trung Quốc bất lực ra sao, “mong manh dễ vỡ” và chính phủ tàn ác, vô lương đến thế nào.
Đó là một thất bại thê thảm về toàn diện chứ không chỉ riêng chính trị. Có lẽ, đã đến thời điểm để người ta chuẩn bị tổng kết lại vai trò lịch sử của Trung Quốc Cộng Sản Đảng như một qui luật lịch sử biện chứng khách quan. Đó phải chăng cũng là cái giá phải trả cho một thứ chính trị vô lương đã tàn hại dân tộc Trung Hoa gần 1 thế kỷ. Còn với Việt Nam thì sao?
9/2/2020
Tân Phong