Trong thời gian vừa qua, sự kiện công nhân viên chức nhà nước tháo chạy khỏi cơ quan đã trở thành một vấn đề thời sự đặc biệt vì trước đó không ai nghĩ đến.
Mặc dù Bộ Nội Vụ CSVN chưa có thống kê đầy đủ, nhưng căn cứ vào một số báo cáo từ các tỉnh, thành phố gởi về, con số công chức, cán bộ xin thôi việc được mô tả đang “tăng nhanh từng ngày.” Điển hình như báo cáo của UBND TP.HCM, trong hai năm 2020-2021 và nửa đầu năm 2022 đã có tới gần 6.200 cán bộ, công chức thôi việc theo nguyện vọng, nhưng tình trạng ấy vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại.
Có điều đáng ghi nhận là những viên chức xin nghỉ việc tập trung nhiều nhất trong 2 ngành giáo dục và y tế.
Trong báo cáo nêu trên của Thành Hồ, con số cụ thể là 2.436 trường hợp trong ngành giáo dục và 2.145 trong ngành y tế, trong khi các ngành còn lại chỉ có 920 trường hợp. Đây có thể coi như sự thất bại nặng nề về mặt xây dựng chính sách vì y tế và giáo dục là hai mũi nhọn đầu tiên quyết định sự phát triển của đất nước. Việt Nam đã chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kéo theo nền giáo dục và y tế lạc hậu nên dù cho hô hào đao to búa lớn, vẫn lẹt đẹt đi trong hàng ngũ các nước chậm phát triển là tất yếu.
Trong lúc đó chính quyền CSVN không thừa nhận sự yếu kém của mình, thường đánh giá đơn giản là do chế độ lương bổng và chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc, nhưng chưa đi sâu vào biện pháp giải quyết. Kinh tế thị trường là một cuộc cạnh tranh, trong trường hợp Việt Nam hiện nay, đó là sự cạnh tranh giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước mà sự thắng thua đã nhìn thấy rõ.
Thật ra, vấn đề rời bỏ công việc của công nhân viên chức hiện nay có ba lý do.
1/ Hết đường ăn chia
Trước đây người ta cố thi vào làm công chức không phải để sống bằng tiền lương, vì giá lương rẻ như bèo, không ai có thể sống lương thiện để phục vụ một hệ thống cai trị dành quá nhiều đặc quyền cho giai cấp đảng viên. Mà họ cố đi vào con đường đó chỉ để tìm kiếm áp-phe, lớn kiếm áp-phe lớn, nhỏ kiếm áp-phe nhỏ. Có áp-phe tức có tiền và có tiền mới có thể dùng để lót đường cho thăng quan tiến chức. Nay chuyện ăn chia trở nên khó khăn thì người ta phải kiếm con đường khác.
2/ Hết đường tham nhũng
Phải thừa nhận, từ ngày ông Trọng đốt lò triệt hạ tham nhũng, tuy không diệt được hết các quan tham, nhưng hành động của ông ngày càng có vẻ dữ dằn, quyết liệt. Do đó tham nhũng cũng có phần lo sợ, đang co lại để tìm cách đối phó. Các cơ quan chính phủ không ai dám làm ngay cả những việc bình thường, vì sợ bị quy trách nhiệm. Khu vực y tế nhà nước rách nát là cơ hội để cán bộ tìm cách tháo thân trong các cơ sở tư nhân bên ngoài để kiếm ăn.
3/ Hết đường lót ổ cho thân nhân
“Lót ổ” là hiện tượng rất phổ biến trong chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN. Trong gia đình chỉ cần một người làm quan cả họ sẽ được nhờ, không khác gì chế độ quân chủ ngày xưa. Khi vào được đảng là nắm chắc một chức quan, dần dần tiến lên những chức vụ cao hơn và kéo theo dòng họ, bổ nhiệm, chia ghế từ ngành này sang sở nọ. Chỉ cần lấy ví dụ cách đây mấy năm tại huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương, những cán bộ quan trọng của huyện đều là người nhà của hai ông Nguyễn Hữu Tiến – bí thư huyện ủy, và Lê Ngọc Sang – phó bí thư. Hoặc câu chuyện của bí thư tỉnh ủy Hà Giang, khẳng định trước dư luận rằng việc ông ta bổ nhiệm vợ, con, em trai, em rể của mình vào các chức vụ lãnh đạo các sở các ngành của tỉnh là đúng quy trình!
Đó là 3 lý do dẫn đến hiện tượng tháo chạy của cán bộ công chức ngày nay, và đó cũng là ngày tàn của một chế độ chuyên quyền!
Phạm Nhật Bình