Đông Á và chiến tranh ở Ukraine

Hôm 3/3/2022, Nam Hàn công bố siết chặt xuất cảng hàng hóa sang Nga, tham gia cắt kết nối của các ngân hàng Nga với mạng SWIFT. Trong hình, người dân Nam Hàn thắp nến cầu nguyện cho Ukraine hôm 4/3 tại thủ đô Seoul, gần Đại Sứ Quán Nga, trong cuộc mít tinh phản đối việc Nga tấn công Ukraine. Ảnh: Chung Sung-Jun/ Getty Images
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine và phản ứng mạnh mẽ của thế giới sẽ có tác động như thế nào tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, tới các nước nhỏ cận kề cường quốc Trung Quốc như Đài Loan, Việt Nam, Philippines nói riêng?

Phản đối Nga để dằn mặt Trung Quốc?

Trong phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của phương Tây chống lại cuộc phiêu lưu quân sự tàn ác và sai lầm của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đáng chú ý có rất nhiều biện pháp trừng phạt mạnh từ các nước Châu Á. Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore đã hưởng ứng nhanh chóng các biện pháp cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ và Châu Âu, không chỉ nhằm giáng một đòn sinh tử vào chính thể độc tài của Vladimir Putin mà còn gửi một tín hiệu cảnh báo tới ông Tập Cận Bình, “hoàng đế” xứ Trung Hoa – kẻ cũng đang có mưu đồ bành trướng lãnh thổ.

Các giới chức cao cấp và giới phân tích chính trị đều nhận định rằng một số quốc gia Đông Á tham gia cùng Hoa Kỳ và phương Tây áp đặt những biện pháp cấm vận tài chính quan trọng lên chính phủ Nga là một bước đi chưa có tiền lệ, khác thường, được thôi thúc vì lòng căm giận cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine, và bởi mối lo lắng về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới – là nước không mấy mặn mòi với cấm vận kinh tế kiểu Hoa Kỳ. Nhưng trong vài ngày qua, khi Tokyo thông báo những biện pháp cấm vận Nga, thì Nhật đồng thời muốn nhắn nhủ rằng Bắc Kinh nên rút ra bài học đúng đắn từ việc Nga xâm lăng một nước láng giềng nhỏ bé hơn nếu không muốn trả cái giá vô cùng lớn mà Moscow đang hứng chịu.

Nhật không chỉ đóng băng hàng chục tỷ đô la dự trữ ngoại tệ mà Moscow gửi trong ngân hàng trung ương Nhật Bản mà còn tham gia cùng các nước Nhóm G7 và Châu Âu cắt đứt mối liên kết của các ngân hàng Nga với hệ thống thông tin thanh toán liên ngân hàng SWIFT, phong tỏa tài sản các quan chức và giới chính trị chóp bu của Nga và cả Belarus. “Chúng tôi muốn chứng tỏ điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia xâm lăng một quốc gia khác,” một giới chức Nhật Bản ẩn danh nói với trang The Washington Post.

Một số nước Đông Á làm theo phản ứng của Nhật Bản. Hôm thứ Năm, 3 tháng Ba, Nam Hàn công bố siết chặt xuất cảng hàng hóa sang Nga, tham gia cắt kết nối của các ngân hàng Nga với mạng SWIFT. Singapore, một đảo quốc có truyền thống né tránh cuộc xung đột giữa các cường quốc, cũng đã tuyên bố có biện pháp kiểm soát chặt các mặt hàng xuất cảng sang Nga có tiềm năng được dùng làm vũ khí chống lại người dân Ukraine, đóng cửa các ngân hàng Nga và phong tỏa các giao dịch tài chính với đất nước của Putin.

Đài Loan – được coi như một trường hợp tương tự với Ukraine trong âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc – cho biết các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới của mình sẽ ngừng xuất cảng sang Nga và Đài Loan sẽ cùng các nước phương Tây loại các ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới SWIFT.

Bằng cách hiệp đồng tác chiến với Hoa Kỳ và Châu Âu để chống lại Nga, các nước Đông Á nói trên đã chọn lựa đứng về phe dân chủ chống độc tài, bảo vệ hệ giá trị dân chủ, luật pháp quốc tế và trật tự thế giới hiện tồn thay vì chọn lợi ích riêng của đất nước mình trong cuộc tranh đua giữa các cường quốc.

Nhật Bản và các nước nhỏ như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore cho rằng điều tối quan trọng là phải bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ chống lại hành vi của các nước lớn muốn chiếm đóng, sáp nhập các nước nhỏ bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự. Đại sứ quán Singapore tại Washington ra thông cáo khẳng định, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia “là điều cốt tử với những nước nhỏ như Singapore.”

Không phải ngẫu nhiên mà trong lúc bom rơi đạn nổ ở Châu Âu, Đài Loan lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ và các nước trong khu vực. Ai cũng nghĩ nếu ông Putin thành công ở Ukraine thì ông Tập Cận Bình sẽ mạnh tay thôn tính Đài Loan.

Hôm 2 tháng Ba, một phái đoàn cựu tướng lĩnh quân đội và giới chức an ninh cao cấp của Hoa Kỳ đã có chuyến viếng thăm chính thức tới Đài Loan theo ủy nhiệm của Tổng Thống Joe Biden. Phái đoàn do ông Mike Mullen, cựu chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, dẫn đầu và đã có cuộc hội đàm với Tổng Thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) của đảo quốc với mục đích “trấn an” chính quyền và người dân Đài Loan. “Tôi hy vọng có mặt ở đây với các bạn chúng tôi có thể tái cam đoan với các bạn và người dân Đài Loan, cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khu vực, rằng Hoa Kỳ vẫn đứng vững sau những cam kết của mình,” ông Mullen nói tại Đài Bắc.

Mạnh mẽ nhất có lẽ là tuyên bố của ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, sau cuộc họp trực tuyến các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ Tứ (QUAD, gồm Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ và Úc): “Chúng tôi đã đồng thuận rằng không cho phép có động thái đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực kiểu này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.” Ông Kishida đề cập đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, tuy không nhắc đến Trung Quốc nhưng hàm ý của ông Kishida khá rõ.

Những hành động như vậy của Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Á chưa chắc đã có thể ngăn cản ý đồ dùng vũ lực thâu tóm Đài Loan hoặc xâm chiếm các vùng đất khác, gây bất ổn ở khu vực Đông Á nhưng có thể buộc ông Tập Cận Bình phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi phát động chiến tranh như kiểu ông Putin đang làm ở Ukraine.

Đông Nam Á đang khích lệ Bắc Kinh?

Tuy vậy, Trung Quốc cũng nhận được những tín hiệu khác từ các nước Đông Nam Á. Cho đến nay, đa số các nước trong Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) – trừ Singapore và Indonesia – đều bày tỏ một lập trường tương tự với lập trường của Bắc Kinh: Không lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, thậm chí không gọi đó là “cuộc xâm lược” và không tham gia các biện pháp cấm vận kinh tế chống Moscow. ASEAN coi việc “đứng ngoài” cuộc đụng độ ở Châu Âu là thái độ phù hợp với chính sách “trung lập,” “không liên kết” của tổ chức này.

Tiêu biểu cho thái độ ba phải đó là lập trường của Việt Nam. Nhà cầm quyền CSVN, qua phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng, qua trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang, cứ nhắc đi nhắc lại một điệp khúc cũ mòn “hết sức quan ngại” rằng: “Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine,” “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”…

Nói như vậy nhưng tại cuộc bỏ phiếu thông qua một nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 2 tháng Ba lên án hành vi xâm lược của Nga, Việt Nam đã bỏ phiếu trắng – không tán thành mà cũng không phản đối. Lá phiếu của Việt Nam cùng màu với lá phiếu của Trung Quốc; và trong ASEAN chỉ Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng như vậy. Đáng chú ý là Cambodia – hiện đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN và là nước được coi là “chư hầu” của Trung Quốc – đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cùng với 141/193 nước tán thành.

Có thể hiểu Việt Nam đang ở vị thế khó khăn khi Nga là “đối tác chiến lược toàn diện,” là nguồn cung cấp vũ khí cho Việt Nam và hợp tác với Việt Nam khai thác nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Việt Nam cũng không muốn làm khác với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan tới các siêu cường. Nhưng lập trường đu dây của Việt Nam rất không phù hợp với tình hình thế giới hiện tại và chắc chắn sẽ gây tác hại không nhỏ cho quyền lợi của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc sau này.

Nhìn rộng ra toàn ASEAN tình hình cũng như vậy. Đường lối trung lập, không đứng về phía Bắc Kinh hay Washington mà ASEAN theo đuổi suốt mấy chục năm nay đã lỗi thời, có nguy cơ biến ASEAN thành một nhóm các quốc gia bên lề, không có vai trò gì trong các vấn đề lớn của thời đại.

Trên báo Nikkei Asia Review, nhà nghiên cứu Lê Thu Hương của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Úc và Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Washington, DC, nhận định khá chí lý rằng nhà nước pháp quyền, luật pháp quốc tế là hàng rào bảo vệ đầu tiên cho các nước nhỏ sống dưới bóng của các mối đe dọa và xâm lấn công khai của các cường quốc, cho nên bảo vệ các nguyên tắc pháp luật quốc tế là tự bảo vệ chính mình.

“Ngày nay luật pháp quốc tế là sự bảo vệ căn bản nhất chống lại sự can thiệp từ bên ngoài, chủ nghĩa đa phương căn bản là có lợi cho các quốc gia cỡ nhỏ và cỡ trung. ASEAN không thể tiếp tục im lặng; các quốc gia thành viên phải đấu tranh cho các nguyên tắc mà họ đã tuyên thệ giữ vững khi trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc,” bà Hương viết. Không lên tiếng khi chính quyền độc tài của Nga vi phạm luật pháp quốc tế là một lập trường không chỉ sai lầm mà còn có hại.

Trong cuộc chiến tranh tại Ukraine, lập trường đu dây của Việt Nam và các nước ASEAN là dấu hiệu khích lệ cho Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cao cấp về Đông Á Richard McGregor của Viện Lowy ở Úc nhận định trên Washington Post: “Trung Quốc sẽ chú ý tới hành động thống nhất và mạnh mẽ của các nước phát triển phản ứng với cuộc xâm lược của Nga. Nhưng họ cũng sẽ được khích lệ rất nhiều bởi sự kiện phần lớn các quốc gia Châu Á về căn bản chỉ đứng bên ngoài quan sát… Đó là điều họ hy vọng nhìn thấy trong một cuộc xung đột với Đài Loan.”

***

Tổng Thống Joe Biden đã triệu tập Hội Nghị Cấp Cao Đặc Biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại thủ đô Washington, DC, vào cuối tháng này và ông Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, dự kiến sẽ tham dự hội nghị.

Chương trình hội nghị đã được chuẩn bị từ trước khi nổ ra cuộc chiến tranh ở Ukraine, mà trọng tâm là củng cố quan hệ hợp tác về an ninh giữa Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN trong công cuộc cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang chi phối mọi hoạt động quốc tế, đề tài chiến tranh Ukraine và phản ứng đáng thất vọng của một số quốc gia ASEAN chắc chắn sẽ được đem ra mổ xẻ tại hội nghị. Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hà Nội đã bày tỏ công khai nỗi thất vọng đó.

Chưa biết tại hội nghị lãnh đạo Việt Nam và các nước ASEAN sẽ biện minh như thế nào cho thái độ “trung lập” trước hành vi xâm lược của Nga nhưng hội nghị Washington có thể là cơ hội quý để lãnh đạo ASEAN và Việt Nam hãy nhìn vào trường hợp Ukraine và phản ứng của quốc tế để điều chỉnh chiến lược đu dây, hành xử theo các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền phổ quát chứ không thể duy trì tính trung lập đã lỗi thời mà cũng không thể chỉ biết chăm bẵm vào lợi ích riêng, ngắn hạn mà đánh mất lợi ích toàn cục, lâu dài.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 15 – 21/4/2024

Nội dung:

– Hawaii tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương;
– Ghi ân công đức Quốc Tổ Hùng Vương tại Paris;
– Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội; Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Genève, Thụy Sĩ;
– Kêu gọi tham gia Biểu tình và Văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR vào hai ngày 7 và 8/5, 2024 tại Genève, Thụy Sĩ.

Đồng ruộng ở ĐBSCL sau khi đắp đê. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực vừa mơ hồ như:

Do biến đổi khí hậu; Do biến động ở thượng nguồn sông Mekong; Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước; Vân vân.

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện đó là chính sách “An ninh lương thực” được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.