Mỹ trừng phạt các công ty ở Tân Cương: Giữa kỳ vọng nhân quyền và thực lực kinh tế

45% polysilicon trên thế giới được sản xuất tại Tân Cương, Trung Quốc. Nguyên liệu chính của pin mặt trời rất có thể thấm nhiều mồ hôi và máu người Duy Ngô Nhĩ. Ảnh minh họa. © Wikipedia
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chủ trương gây áp lực mạnh với Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền. Xâm phạm nhân quyền trầm trọng tại vùng Tân Cương, đặc biệt với chính sách hủy diệt có hệ thống sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, theo cáo buộc của giới bảo vệ nhân quyền, là hồ sơ nhức nhối hàng đầu.

Ngày 23/06/2021, chính quyền Mỹ ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số công ty Trung Quốc liên quan đến pin mặt trời hoạt động tại Tân Cương, bị cáo buộc “cưỡng bức lao động.” Đây được coi là loạt trừng phạt đáng kể đầu tiên nhắm vào ngành công nghiệp điện mặt trời của Trung Quốc, vì các xâm phạm nhân quyền. Loạt trừng phạt này cụ thể ra sao? Đâu là các giới hạn?

***

1/ Loạt trừng phạt của chính quyền Mỹ đối với các doanh nghiệp bị cáo buộc cưỡng bức lao động ở Tân Cương, Trung Quốc, cách đây ít ngày, có những điểm gì đáng chú ý?

Hãng tin Pháp AFP nhấn mạnh đến hai mảng chính trong loạt trừng phạt này. Thứ nhất, Nhà Trắng ra lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm của công ty Trung Quốc Hoshine Silicon Industry, với lý do “theo một số nguồn tin đáng tin cậy, (công ty này) đã sử dụng lao động cưỡng bức, để sản xuất các sản phẩm với silicon.” Bộ Thương Mại Mỹ ra một thông báo khác, giới hạn việc xuất khẩu các sản phẩm Mỹ, bao gồm hàng hóa, phần mềm, công nghệ, cho công ty Hoshine và bốn doanh nghiệp khác ở Tân Cương, có hoạt động chính là sản xuất nguyên liệu thô silicon.

Nhà Trắng nêu rõ mục tiêu: “Các hành động này cho thấy quyết tâm của chúng ta trong việc buộc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa phải trả giá về các hoạt động sử dụng lao động cưỡng bức, ác độc và phi nhân tính.” Chính quyền Mỹ nhấn mạnh : “Lao động cưỡng bức được Nhà nước Trung Quốc bảo trợ tại Tân Cương là một nỗi ô nhục với phẩm giá con người, và một ví dụ tiêu biểu của các hoạt động kinh tế vô đạo đức.” (1).

Lao động cưỡng bức” là một phần trong số những hành động tội ác chủ yếu của chính quyền Trung Quốc tại Tân Cương, cùng với các tội ác khác như bắt giam tùy tiện, tra tấn, cưỡng hiếp, giết người không qua xét xử, hủy diệt nền văn hóa bản địa…, nhắm vào sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, cũng như một số sắc tộc thiểu số khác, mà Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia phương Tây, và nhiều tổ chức quốc tế lên án từ nhiều năm nay. Trước khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, chính quyền tiền nhiệm đã có những trừng phạt nhằm vào ngành sản xuất bông, dệt may, linh kiện điện tử, mỹ phẩm…, được sản xuất tại Tân Cương, cùng với lý do sử dụng lao động cưỡng bức, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ có các biện pháp trừng phạt quy mô nhằm vào ngành công nghiệp pin mặt trời tại Tân Cương, vì lý do nhân quyền. Loạt biện pháp ngày 24/06/2021 được nhiều phương tiện truyền thông khẳng định như một bước tiến quan trọng.

2/ Đâu là một số giới hạn chính của loạt trừng phạt Mỹ nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến pin mặt trời?

Ngay sau khi chính quyền Biden thông báo loạt trừng phạt nói trên, nhà phân tích Benjamin Salisbury, công ty tư vấn về thị trường vốn Height Capital Markets, có trụ sở tại Washington, nhận định với hãng tin Bloomberg, rằng quyết định của chính phủ Mỹ sẽ “không có tác động lớn” đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong lĩnh vực này, đây là “một đòn tấn công đầu tiên, đáng kể, nhưng có ý nghĩa chừng mực của chính quyền Biden” (“US blocks some solar materials made in China’s Xinjiang region” Bloomberg, ngày 23/06/2021). Đòn tấn công được đánh giá là “chừng mực,” nhưng theo Philip Shen, một nhà phân tích cấp cao của ngân hàng đầu tư Roth Capital Partners, việc hạn chế nhập khẩu này có thể có sẽ có “tác động tiêu cực đáng kể đến toàn bộ ngành năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ” (Hoshine Silicon Industry, công ty vừa bị trừng phạt, đứng đầu thế giới về nguyên liệu silicon cho pin mặt trời, với sản lượng 800.000 tấn/năm).

Trên thực tế, trong hiện tại, chính quyền Biden khó có khả năng đưa ra các biện pháp mạnh hơn. Khó khăn chính và cũng là giới hạn lớn được giới quan sát chú ý đầu tiên là việc trừng phạt một cách triệt để các công ty Trung Quốc có liên quan trực tiếp gây trở ngại rất lớn cho chiến lược phát triển mạnh điện mặt trời của chính quyền Biden, một trụ cột trong chủ trương nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế xanh (2).

Trong hiện tại, ngành điện mặt trời thế giới phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Trung Quốc sản xuất khoảng 70% tấm pin mặt trời toàn cầu. Năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc một phần quan trọng dựa vào các nguyên liệu căn bản, mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể khai thác ngay trong nước, trong đó polysilicon là nguyên liệu chính. Theo số liệu của trung tâm nghiên cứu Bernreuter Research (chuyên về polysilicon, và các vật liệu cho pin mặt trời), Trung Quốc chiếm đến 80% sản lượng polysilicon toàn cầu, trong đó riêng vùng Tân Cương sản xuất đến 45% (các vùng còn lại tại Trung Quốc sản xuất 35%).

Khi buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải “trả giá đắt” cho các hành động xâm phạm nhân quyền, chính quyền Mỹ cũng tự đặt mình trước thách thức khổng lồ: Làm thế nào để có được nguyên liệu thay thế cho ngành công nghiệp điện mặt trời, với giá cả tương tự.

Trên Le Monde, cựu Nghị sĩ Pháp Pierre-Yves Le Borgn’, giảng viên khoa Luật, Học viện Chính trị Paris, cũng nhấn mạnh rằng, việc bảo vệ nhân quyền tại Tân Cương không thể không đi kèm với việc thế giới tiếp tục để bị phụ thuộc nặng nề vào pin mặt trời, cũng như nguyên liệu, linh kiện pin mặt trời của Trung Quốc (cựu nghị sĩ nói trên cũng là người chủ trì dự luật thực thi Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, của Quốc Hội Pháp) (Chine: “Il n’est pas sain que la production mondiale de panneaux solaires ne dépende à ce point d’un seul pays'” Le Monde, ngày 15/06/2021).

Để phát triển các ngành công nghiệp mặt trời tại Mỹ độc lập hơn với Trung Quốc không hề dễ. Trong suốt hơn chục năm qua, ngành sản xuất các nguyên liệu cho pin mặt trời, gây ô nhiễm và tốn điện khủng khiếp, đã là điều mà Hoa Kỳ và đa số các nước phương Tây không muốn đảm nhận (một phần quan trọng trong “thế mạnh” của vùng Tân Cương cho đến nay là than đá, vốn là loại nhiên liệu bị lên án là gây ô nhiễm số một). Ông Matthew P. Funaiole, một chuyên gia về chính sách năng lượng Trung Quốc, Center for Strategic and International Studies (CSIS), trong một phân tích cuối tháng trước, cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ mật thiết giữa tập đoàn năng lượng xanh của Trung Quốc GCL-Poly (có trụ sở tại Hong Kong) với nước Mỹ, như một trở ngại quan trọng (3).

3/ Khả năng nước Mỹ có thể làm được gì hơn trong lĩnh vực này?

Kỳ vọng bảo vệ nhân quyền, quyết tâm hướng đến một nền kinh tế xanh (4), không dung dưỡng các hành động xâm phạm nhân quyền trong “chuỗi cung ứng” điện mặt trời, đang trở thành một lợi thế tâm lý quan trọng.  Nhưng vấn đề kỳ vọng đó, quyết tâm đó có thể trở thành hiện thực hay không hiện vẫn là câu hỏi lớn để ngỏ.

Khó khăn là chồng chất, nhưng có một điều căn bản là giờ đây, quyết tâm lên án, trừng phạt các doanh nghiệp pin mặt trời của Trung Quốc, do xâm phạm nhân quyền dường như đã trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi trong một bộ phận giới kinh doanh năng lượng Hoa Kỳ. Hiệp hội các ngành Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Mỹ (SEIA) đã hoan nghênh quyết định ngày 23/06/2021 của chính phủ.

Ông John Smirnow, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược thị trường của SEIA, cho biết trên thực tế các doanh nghiệp Mỹ về năng lượng mặt trời đã thực sự lo ngại về tính “không minh bạch của chuỗi cung ứng ở khu vực Tân Cương và có quá nhiều rủi ro khi vận hành,” vì vậy ngay từ tháng 10 năm ngoái, Hiệp hội SEIA đã kêu gọi các công Mỹ rời khỏi Tân Cương, và SEIA cũng đã cung cấp cho các công ty một “thể thức truy vết” (traceability protocol) để “bảo đảm không có việc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng” sản phẩm mà các công ty sử dụng.

Tăng cường năng lực sản xuất tại chỗ nguyên liệu polysilicon rõ ràng là thách thức hàng đầu. Đông đảo chính giới Hoa Kỳ cũng như châu Âu dường như bắt đầu dần dần chấp nhận đối mặt với sự thực và thách thức không dễ vượt qua này.

Trọng Thành

Ghi chú 

(1) Theo thông báo của Nhà Trắng, Bộ Lao Động Mỹ đã bổ sung vào “Danh sách các sản phẩm làm ra với lao động trẻ em và lao động cưỡng bức” nhiều sản phẩm có chứa polysilicon, một nguyên liệu chính của pin mặt trời, được sản xuất với số lượng khổng lồ tại Tân Cương (silicon là nguyên liệu chủ yếu để chế tạo polysilicon cho pin mặt trời).

(2) Để chuyển sang nền kinh tế trung hòa về khí thải, hãm lại đà hâm nóng Trái đất, chính quyền Mỹ đặt mục tiêu toàn bộ điện do Hoa Kỳ sản xuất năm 2035, sẽ phải do năng lượng tái tạo. Năm 2019, các năng lượng tái tạo lần đầu vượt than đá, trở thành năng lượng thứ hai sau khí đốt. Tuy nhiên đường đến đích còn xa, bởi các năng lượng tái tạo, gồm năng lượng mặt trời mới, chỉ chiếm một phần tư tổng sản lượng điện quốc gia. Để tăng tốc, cuộc chiến về giá có ý nghĩa quyết định. Hồi tháng 3/2021, chính quyền Biden đề ra mục tiêu giảm giá điện mặt trời 60% trong vòng một thập niên tới.

(3) GCL-Poly là một trong những nhà sản xuất polysilicon lớn nhất Trung Quốc. Hoshine Silicon, công ty vừa bị chính phủ Mỹ trừng phạt, cũng lại là nhà cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho GCL-Poly, để sản xuất polysilicon (“Beyond Polysilicon: The Ties between China’s GCL-Poly and the United States,” CSIS, 25/05/2021).

(4) Ngày 04/02/2021, 175 doanh nghiệp điện mặt trời của Mỹ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đứng đầu thế giới, đã ra một tuyên bố chung cam kết chống sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng điện mặt trời (“Solar Companies Unite to Prevent Forced Labor in the Solar Supply Chain,” SEIA).

Nguồn: RFI

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.