Tập Cận Bình, Putin và Ukraine

Tập Cận Bình (trái) và Putin. Ảnh: AP
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Dân Ukraine đang chuẩn bị trường kỳ kháng chiến và sẽ được viện trợ khí giới và lương thực không bao giờ ngưng. Nước Nga sẽ phải gánh những đòn cấm vận kinh tế tàn nhẫn và bị cô lập nặng nề hơn; như một chư hầu chỉ còn trông cậy vào Thiên Triều.

Trong nửa thế kỷ Nga, Mỹ và Trung Quốc chơi trò cút bắt với nhau. Trước năm 1970, Mỹ vẫn nghĩ Trung Cộng chỉ là một chư hầu của Liên Xô. Stalin cũng nghĩ như vậy, coi Mao Trạch Đông như một đàn em, dù không đáng tin cậy. Năm 1950 Hồ Chí Minh bay qua Bắc Kinh, biết Mao đang đi gặp Stalin, Hồ vội vàng bay qua Moscow xin trợ giúp. Stalin lạnh lùng trút việc đó cho Mao lo. Sau khi Stalin chết, liên minh Nga – Trung Cộng chết theo; năm 1969 quân Nga và quân Trung Cộng đã bắn nhau. Năm 1972, Richard Nixon qua gặp Mao, cuộc tình Nga và Trung Cộng chấm dứt; tới 1989, thời Mikhail Gorbachev mới nối lại. Liên Xô tan rã từ 1991, kinh tế Trung Cộng giờ đứng thứ nhì thế giới; Nga tụt xuống hàng thứ 11, dưới Nam Hàn.

Vladimir Putin cần được thế giới kính trọng hơn, với kho vũ khí hạch tâm và đưa quân ra nước ngoài, từ Trung Đông, Bắc Phi tới vùng Trung Á. Putin đang nối lại tình thân với Tập Cận Bình để thêm vây cánh. Mối tình thêm đằm thắm năm 2014, khi Putin bị cả thế giới lên án vì chiếm Crimea của Ukraine; Trung Cộng im không nói một lời, mà cũng không chính thức công nhận.

Hiển nhiên là Putin cần Tập nhiều hơn Tập cần Putin. Hai người đã gặp nhau 38 lần. Lần chót ở Bắc Kinh trước ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, Putin ca ngợi mối bang giao chưa bao giờ đầm ấm như bây giờ; Tập nghe mà không nói gì hết!

Tập Cận Bình cần Vladimir Putin vì không có ai khác làm bạn! Trung Cộng đang bị đả kích vì xâm lấn vùng biển Đông Nam Á và vi phạm quyền sống của dân Uyghurs, Hong Kong, và Tây Tạng. Nhưng kinh tế Nga càng ngày càng yếu nên phụ thuộc Trung Cộng.

Kinh tế Trung Quốc bây giờ lớn gấp 6 lần Nga. Công ty dầu Rosneft cần vay tiền của Trung Cộng và ngày càng chuyển thêm dầu khí bán sang Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường xuất cảng quặng mỏ lớn nhất của Nga. Đó là bạn hàng mua bán nhiều nhất của Nga; còn đối với Bắc Kinh thì Nga đứng sau hơn mười nước khác.

Khi bị Mỹ và các nước NATO cấm vận, Nga càng lệ thuộc vào Trung Cộng. Bị cản trở không đổi lấy được đô la Mỹ, Nga phải dùng đồng nguyên của Trung Cộng khi mua bán. Trong kho dự trữ ngoại tệ của Nga năm 2019, số đô la Mỹ chiếm 23%, giảm một nửa so với năm trước; trong khi đồng nguyên dự trữ tăng từ 3% lên 14%, theo tuần báo Economist.

Bị cấm không mua được các món kỹ thuật cao của Mỹ, Nga cần Trung Cộng cung cấp. Nga phải nhờ Huawei thiết trí hệ thống truyền thông mới 5G, sau khi công ty này đã bị cấm mua các chíp điện tử mới của Mỹ. Vũ khí quân đội Nga sử dụng cũng phải dùng các bộ phận điện tử của Trung Cộng. Trung Cộng bán cho Nga hệ thống “nhìn mặt” dùng trí khôn nhân tạo (AI) đặt tại các ga xe lửa, phi trường, phố xá để truy tầm và bắt bớ dân bị tình nghi.

Mặc dù quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ, Tập và Putin không bao giờ nói đến một liên minh quân sự! Nếu một nước trong khối NATO bị tấn công, Mỹ và các nước khác có bổn phận đem quân tới cứu. Nga và Trung Cộng không ràng buộc với nhau như vậy. Liên minh giữa hai nước lỏng lẻo hay chặt chẽ tùy thuộc các áp lực từ Mỹ và Âu châu.

Trong thế kỷ thứ 17, Đại đế Peter đã từng đi tập việc ở Hòa Lan, lấy Tây Âu làm gương để tìm đường cải cách nước Nga. Trong thế kỷ 21 này, Vladimir Putin, một cựu sĩ quan mật vụ, hướng về phía Trung Quốc. Putin gây sự ở Ukraine, chống Mỹ và NATO để giành lại địa vị siêu cường, kích thích giấc mộng vẫn nằm sâu trong tâm lý dân Nga. Trong thực tế, ông ta làm cho Nga ngày càng lệ thuộc vào Trung Cộng.

Tập Cận Bình sẵn sàng nhận Putin làm bạn cũng vì muốn ổn định vùng Trung Á. Khi Nga đưa quân tới “dẹp loạn” giúp tổng thống xứ Kazakhstan, bắn giết dân chúng biểu tình, Trung Cộng hoan hô. Trung Cộng đang đóng quân và thao diễn tại Tajikistan, một nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ. Mối lo lớn của Trung Cộng là phong trào Hồi Giáo quá khích có thể bùng lên ở các nước vùng này, sẽ kích khích dân Uyghurs ở Tân Cương chống Bắc Kinh mạnh hơn.

Bên ngoài vùng Trung Á thì việc ai người nấy lo. Putin lên tiếng ủng hộ Trung Cộng khi phản đối liên minh AUKUS (Australia, Anh quốc và Mỹ), nhưng nếu Tập Cận Bình tiếp tuc xâm lấn vùng biển phía Nam và bị Anh, Mỹ, Pháp Austrakia và các Đông Nam Á chống cự, thì Putin cũng không làm gì giúp. Putin cũng hoàn toàn im lặng trước các cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Hoa.

Cũng vậy, Putin không hy vọng sẽ được Tập Cận Bình hỗ trợ khi đe dọa Ukraine. Tập tuyên bố ủng hộ các đòi hỏi của Putin muốn khối NATO không thâu nhận thêm các nước thuộc Liên Xô cũ. Chỉ nói suông, chẳng tốn kém gì cả. Nhưng nếu Putin tấn công thật, bị các nước Tây phương cấm vận, thì Tập Cận Bình càng mừng vì Nga càng phụ thuộc Trung Cộng hơn nữa.

Tại Ukraine Putin đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chuyển quân đến đe dọa Ukraine, Putin tính sẽ ép NATO phải chính thức tuyên bố không bao giờ thâu nhận Ukraine và không đóng quân ở các nước sát bên Nga nữa. Đó sẽ là một thắng lợi vẻ vang mà ít tốn kém. Nhưng Mỹ và NATO đã lật tẩy.

Joe Biden tuyên bố Mỹ không thể ép buộc một nước có chủ quyền được hay không được gia nhập bất cứ một liên minh quân sự nào. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận xét dân Ukraine bây giờ muốn gia nhập NATO mạnh hơn trước. Ông Putin gieo gió, gặp bão. NATO chỉ đóng quân ở Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan sau khi Nga chiếm Crimea, vì các nước thành viên yêu cầu. Bây giờ quân Nga đe dọa Ukraine, quân đội NATO đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến, ba nước vùng Baltic, Ba Lan, Romania được NATO tiếp viện vũ khí mới. Mỹ chuyển 5.000 quân tới Ba Lan, trước kia chỉ có 1.000. Pháp sẵn sàng gửi quân tới Romania khi cần.

Khi đến Moscow cầu hòa, các ông tổng thống Pháp, thủ tướng Đức cũng có ý giúp Putin rút lui mà vẫn giữ được thể diện. Tập Cận Bình tự coi như đứng ngoại cuộc, chỉ giả nhân giả nghĩa kêu gọi hai bên xuống thang, bảo vệ hòa bình, nhưng không nói một lời khuyên can ông bạn đồng minh.

Nếu Nga tấn công Ukraine, Tập Cận Bình có thiệt hại gì không? Tập sẽ có dịp hùng hồn đả kích Mỹ và NATO; nhưng cũng nhân cơ hội đứng ra đóng vai hòa giải như một chính khách quốc tế hạng lớn. Một điều biết chắc là Nga sẽ sa lầy trong một vụ Afghanistan mới nếu đánh thật. Dân Ukraine đang chuẩn bị trường kỳ kháng chiến và sẽ được viện trợ khí giới và lương thực không bao giờ ngưng. Nước Nga sẽ phải gánh những đòn cấm vận kinh tế tàn nhẫn và bị cô lập nặng nề hơn; như một chư hầu chỉ còn trông cậy vào Thiên Triều.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn: VOA

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Phó Tổng Thống Lại Thanh Đức (William Lai, trái) và bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), đại diện Đài Loan tại Mỹ, trong liên danh đại diện đảng DPP đương quyền ứng cử cuộc bầu cử tổng thống đầu năm 2024. Ảnh: Sam Yeh/AFP via Getty Images

Đài Loan bầu tổng thống: Chiến tranh hay hòa bình?

Chỉ một tháng nữa 23,5 triệu dân Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc Hội. Bắc Kinh đe nẹt người Đài Loan sẽ phải chọn “chiến tranh hay hòa bình,” trong khi giới quan sát quốc tế nhận định, cuộc bầu cử này là một bước ngoặt sẽ quyết định tương lai Đài Loan, hoặc sẽ củng cố chủ quyền quý giá của đảo quốc, hoặc sẽ gia tăng xung đột, thậm chí chiến tranh, giữa hai bờ eo biển.

Tàu khu trục Mỹ USS Milius trong cuộc hải hành ở eo biển Đài Loan hôm 16/4/2023. Ảnh: AP

Mỹ và các đồng minh châu Á “sẵn sàng đứng lên” bảo vệ ổn định tại eo biển Đài Loan

Kết thúc cuộc họp ba bên Mỹ – Nhật – Hàn tại Seoul vào sáng nay 09/12/2023, Cố vấn An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng của Mỹ, Jake Sullivan khẳng định Washington và các đồng minh sẵn sàng “đứng lên” vì “ổn định hòa bình tại eo biển Đài Loan, vì quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông và Hoa Đông.”

Hội luận trực tuyến chủ đề "75 năm Quốc Tế Nhân Quyền: Góc nhìn khác về hiện tình Việt Nam" lúc 9:30 tối thứ Sáu ngày 8/12/2023

Hội luận trực tuyến “75 năm Quốc Tế Nhân Quyền: Góc nhìn khác về hiện tình Việt Nam”

Hội luận trực tuyến chủ đề “75 năm Quốc Tế Nhân Quyền: Góc nhìn khác về hiện tình Việt Nam” lúc 9:30 tối thứ Sáu ngày 8/12/2023 với sự góp mặt của các diễn giả: Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cựu Tù nhân Lương tâm Paulus Lê Sơn và cựu TNLT Nguyễn Viết Dũng do MC Thanh Lan điều hợp.

Không gian Xã hội dân sự và các quyền tự do, dân chủ Việt Nam bị đóng kín, theo kết quả báo cáo khảo sát của liên minh quốc tế CIVICUS tổng kết năm 2023. Ảnh chụp màn hình VOA

Báo cáo: Quyền tự do dân chủ ở Việt Nam ‘bị đóng kín’ trong năm 2023

Không gian dân sự được định nghĩa là “sự tôn trọng luật pháp, chính sách và thực tiễn đối với các quyền tự do lập hội, nhóm họp và biểu đạt ôn hòa cũng như mức độ mà nhà nước bảo vệ các quyền cơ bản này.”

Năm nay Việt Nam chỉ đạt 13/100 điểm, sau cả Cuba 14/100 điểm. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Hà Nội bị liệt vào danh sách đen này kể từ lần đầu tiên xếp hạng vào năm 2018.