Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình lên tiếng về Luật Đặc Khu

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Trong lá thư gởi các Đại Biểu Quốc Hội đề ngày 8 tháng Sáu, 2018, Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình thuộc Hội Đồng Giáo Mục Việt Nam nhấn mạnh rằng, để thông qua một dự luật ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia như Luật Đặc Khu thì cần thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn dân.

Sau đây là nguyên văn lá thư của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình.

______

Hội đồng Giám mục Việt Nam
Ủy ban Công lý và Hòa bình

Ngày 8 tháng 6 năm 2018

THƯ NGỎ

Kính gửi: ​Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Quý vị Đại biểu Quốc hội

Trích yếu:​V/v dự thảo Luật Đơn vị hành chánh-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc

Kính thưa quý vị,

Chúng tôi được biết Quốc hội đang bàn thảo và sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc Khu) vào ngày 15/06/2018 tới đây. Dù dự luật này được soạn thảo với ý định tạo bước phát triển đột phá về hành chính và kinh tế trong việc thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng lại hàm chứa nhiều rủi ro và nguy cơ gây thiệt hại cho quyền lợi quốc gia, đặc biệt có thể xâm hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Vì vậy, với trách nhiệm xã hội của mình và với sự trân trọng dành cho quý vị, sau khi cẩn trọng lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết và khoa học của các nhà chuyên môn, và thấu hiểu nỗi lo lắng chung của đại đa số người dân, Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam kính đề nghị quý vị Đại biểu Quốc hội tôn trọng nguyện vọng của toàn dân và cân nhắc các lý do sau đây để hoãn thông qua Luật Đặc Khu trong kỳ họp Quốc hội lần này:

1. Mô hình đặc khu hành chính-kinh tế đã lỗi thời và không còn phù hợp với xu thế phát triển kinh tế hiện đại trên thế giới ngày nay, nhất là trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, mà Chính phủ Việt Nam đã xác định là định hướng ưu tiên của nền kinh tế Việt Nam;

2. Những quy định ưu đãi quá lớn về thuế quan, thời gian thuê đất, ngành nghề kinh doanh, như được nêu trong Luật Đặc Khu, dường như chưa được nghiên cứu, phân tích và phản biện về chuyên môn một cách cẩn thận và rộng rãi, hầu có thể đánh giá đầy đủ hiệu quả kinh tế mang lại cho nền kinh tế quốc gia, trong khi chắc chắn chỉ mang lại lợi nhuận vượt trội cho giới đầu cơ nước ngoài và các nhóm lợi ích trong nước;

3. Về lâu dài, yếu tố quan trọng nhất của một môi trường đầu tư tốt và hấp dẫn giới đầu tư ngoại quốc trong phạm vi quốc gia chính là những chính sách kinh tế đúng đắn, nền tảng luật pháp chuẩn mực, bộ máy hành chính hiệu quả, và hệ thống tư pháp công minh, chứ không phải là các ưu đãi nhất thời tại một khu vực riêng biệt nào đó;

4. Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là các vùng đất và vùng biển quan yếu về quân sự và quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên tiến hành chính sách gây hấn trên Biển Đông, chiếm giữ hải đảo và ngang nhiên xây dựng các căn cứ quân sự áp sát bờ biển Việt Nam;

5. Nhiều năm gần đây sự thao túng và thâu tóm của các thương nhân, nhà thầu và nhà đầu tư Trung Quốc về thương mại, đấu thầu, đầu cơ, mua chui đất đai hàng loạt với diện tích lớn trên cả nước, cùng với sự tràn ngập công nhân Trung Quốc tại các khu công nghiệp, đã tạo nên nhiều vấn nạn kinh tế và xã hội nan giải cho các chính quyền địa phương ở khắp nơi, và chắc chắn sẽ lại tái diễn tại các đặc khu trong tương lai.

Chúng tôi thiết nghĩ để thông qua một dự luật quan trọng với ý định mang lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân, song lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia như Luật Đặc Khu, cần thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn dân. Do đó, dự luật nên được đưa ra thảo luận rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt cần được các nhà chuyên môn góp ý phản biện khoa học, và cuối cùng phải được thông qua bằng một cuộc trưng cầu ý dân theo luật định.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn sự lắng nghe và hy vọng ở tinh thần cầu thị của quý vị Đại biểu Quốc hội và xin chúc quý vị dồi dào sức khoẻ.

Trân trọng kính chào,

Thay mặt Ủy ban Công lý và Hòa bình
Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch
Linh mục Lê Quốc Thăng, Thư ký

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền. Ảnh: Srdefenders

Báo cáo viên đặc biệt LHQ: Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống

Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho “nguỵ tạo” để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.

Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.

UPR 2024 – 5 năm nhìn lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Universal Periodic Review, được gọi tắt là UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR), được thiết lập từ năm 2006, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Để đạt được mục đích này, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ nhân quyền của mỗi quốc gia, và đưa ra khuyến nghị cho các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.

Vào ngày 7/5/2024 tới đây, tình hình nhân quyền Việt Nam được kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, chu kỳ thứ tư.