Bao giờ trở lại Hoàng Sa?

Cố Thiếu tá Hải Quân VNCH Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ 10, hy sinh vì tổ quốc trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Ảnh: RFA
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Đối với những người Việt yêu nước, những người còn chút khắc khoải về sự hưng vong quốc gia hôm nay, thì ngày 19 tháng Một hàng năm là một ngày đau buồn. Đã 49 năm (19/01/1974 – 19/01/2023) kể từ cuộc chiến Hoàng Sa, một phần máu thịt, một phần lãnh thổ bị cắt rời khỏi cơ thể quốc gia và dân tộc.

Có mấy người thế hệ trẻ hôm nay ở Việt Nam biết về cuộc chiến bi hùng bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của tiền nhân năm xưa? Biết gì về những hòn đảo, vùng biển xa xôi thấm đẫm máu xương của ông cha? Đã bao giờ chúng ta dặn lòng mình và nhắc nhớ cháu con “Sang năm, ta sẽ trở lại Hoàng Sa?”[1], giống như dân tộc Do Thái vẫn nuôi ý chí trở lại thành Jerusalem sau cả ngàn năm bị đế chế La Mã xóa sổ.

Ngày 19 tháng Một, 2023 năm nay, những bài viết, hoạt động để kỷ niệm, nhắc nhớ về sự kiện này thưa vắng hơn, chìm nghỉm bởi ồn ào cuộc “chọi chó” ở thượng tầng quyền lực CSVN với sự kiện ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị hạ bệ giữa nhiệm kỳ do những sai phạm tham nhũng, lũng đoạn nghiêm trọng, liên quan tới các thành viên gia tộc.

Tờ thanhnien.vn có đăng bài “Nhớ tết Hoàng Sa” với ký ức của hai nhân chứng lịch sử là những viên chức và quân nhân VNCH năm xưa đã đặt chân tới Hoàng Sa để xây dựng và bảo vệ quần đảo này. Bài viết sau 24 tiếng đăng, nhận được vỏn vẹn 15 likes…

Chẳng biết từ bao giờ, người Việt xem chuyện “đốt lò” như một thực đơn giải trí ở quán nhậu, trà đá vỉa hè, cùng với những trận bóng đá từ SEA Games đến World Cup, Ngoại hạng Anh… để quên đi thực tế lầm than trong cuộc mưu sinh ở “xứ thiên đường.” Những thông tin, tri thức về lịch sử, văn hóa thực sự thì lượng độc giả khiêm tốn đến đau lòng.

Nói về cuộc hải chiến Hoàng Sa. Thực ra, khoảng hơn 10 năm trở lại đây giới truyền thông “lề đảng” mới được phép nhắc đến sự kiện này. Khi đó, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đầy quyền lực, nổi tiếng nức lòng dân bằng câu viral bất hủ “Không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hữu nghị viển vông,” đã mở đường cho truyền thông chính thống “mở miệng” về đề tài từ lâu bị coi là vùng cấm.

Ở góc độ nào đó, quan điểm về chủ quyền lãnh thổ của ông Thủ tướng Dũng đã góp phần tích cực phổ biến lịch sử “hải chiến Hoàng Sa” và công nhận vai trò của chính thể VNCH nói chung và lực lượng hải quân VNCH nói riêng đã không tiếc xương máu và công sức để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Điều mà trước đó, các đời “lãnh đạo đảng và nhà nước luôn coi là cấm kỵ vì sợ tổn hại đến mối quan hệ “16 chữ vàng.”

Năm 2014, “người lái đò vĩ đại” vẫn còn là một cái bóng mờ nhạt trên sân khấu chính trị Việt Nam và việc duy nhất mà ông ta tập trung toàn bộ sức lực là “tổ chức nhân sự đảng” để chuẩn bị lực lượng quật ngã “đồng chí X” hai năm sau đó.

Một điều mà ít người nhận ra là giai đoạn 2011 đến 2018, giới chức CSVN xuất hiện những nhân vật nổi trội trên truyền thông và được lòng dân bởi những phát ngôn về chủ quyền quốc gia, về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, tất cả những nhân vật này, sau đó, đều có những kết cục không có hậu trên sân khấu chính trị mà ví dụ tiêu biểu là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, 2 ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Mình và Vũ Đức Đam, Tướng Trương Giang Long… đều là những chính khách mà ở mức độ nào đó, trong phát ngôn của họ thể hiện màu sắc “dân túy.”

Tất nhiên, lòng “ái quốc” của họ thì chưa được kiểm chứng nhưng ít nhất họ là những chính khách thể hiện chính kiến và quan điểm riêng trong lĩnh vực luôn bị coi “nhạy cảm chính trị.” Tuy nhiên, sự ủng hộ nhiệt thành của công chúng đối với những chính khách cá tính và có hơi hướng “dân tộc” khiến cho họ nổi bật giữa những đám quan chức “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” đã không giúp gì cho việc thăng tiến mà ngược lại đem tới nguy hại nhiều hơn.

Giai đoạn 2011- 2018 cũng là quãng thời gian mà những nghiên cứu, bài báo, hội thảo, hội nghị về chủ quyền Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam được công bố và tổ chức nhiều nhất. Bên cạnh việc xây dựng các công trình tưởng niệm hoành tráng như công trình Nghĩa sĩ Hoàng Sa ở Quảng Ngãi. Giai đoạn này, có thể nói chủ quyền biển đảo và Hoàng Sa, Trường Sa… là những cụm từ hot trend của giới chức CSVN.

Ngày 20 tháng Bảy, 2011, tờ báo Đại Đoàn Kết lần đầu tiên đưa ra luận điểm gây ra cuộc tranh cãi kịch liệt trong nội bộ đảng CSVN suốt nhiều năm sau đó với bài “Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” trong đó có đoạn “Theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế.”

Năm 2014, Trung Quốc công bố bản đồ “đường lưỡi bò” và đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam đã thổi bùng lên những cuộc biểu tình dữ dội suốt từ Bắc vào Nam. Báo chí Việt Nam khi đó đã sử dụng lập luận của báo Đại Đoàn Kết và rầm rộ đưa tin, đăng bài. Tờ báo điện tử Chính phủ ngày 23 tháng Năm, 2014 còn có đoạn “Chính quyền VNCH, theo Hiệp định Genève 1954, đã liên tục thực thi chủ quyền lâu đời của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước cũng như bằng việc triển khai chủ quyền thực tế trên hai quần đảo này. Đỉnh cao của sự khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là trận hải chiến quyết liệt của Hải quân VNCH chống lại sự xâm lược của tàu chiến và máy bay Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.”

Năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam cho xuất bản bộ Lịch sử Việt Nam trong đó có nội dung quan trọng công nhận chính thể VNCH như một căn cứ để chứng minh tính kế thừa về chủ quyền biển đảo của thể chế hiện tại.

Tuy vậy, dường như mọi nỗ lực phản đối “bằng miệng” của Hà Nội hoàn toàn vô nghĩa. Những cuộc xâm phạm lãnh hải Việt Nam của lực lượng kiểm ngư, dân quân biển, cảnh sát biển Trung Quốc thường xuyên hơn và chúng liên tục đâm chìm ghe thuyền ngư dân Việt Nam trước sự bất lực và ươn hèn của nhà cầm quyền lẫn “quân đội Việt Nam anh hùng.”

Thậm chí, đỉnh điểm của sự ươn hèn đó là vụ hai chiếc máy bay hiện đại nhất của Không quân Việt Nam Sukhoi Su-30MKI và Casa 212 bị Trung Quốc dùng hỏa tiễn bắn tan xác trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trong hai ngày 14/06/2016 và 17/06/2016, Hà Nội đã hoàn toàn câm nín. Cho đến nay, vẫn không dám công bố kết quả điều tra.

Sau sự kiện chấn động này, không biết từ khi nào, những chuyến bay nội địa Nam – Bắc đã thay đổi hành trình bay, dịch chuyển từ đường bay cũ trên biển vào không phận hoàn toàn trên đất liền. Không quân và hải quân Việt Nam đã không còn bất cứ cuộc tập trận nào trên hải phận. Những chiếc Kilo và hộ tống hạm tên lửa mang tên những vị vua lừng lẫy võ công như Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ có giá trị hàng chục tỷ đô-la trong suốt gần một thập kỷ qua chỉ đơn thuần là những mô hình huấn luyện, neo đậu tại những quân cảng và tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để bảo dưỡng.

Tháng 3, 2018 chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson tới Đà Nẵng mang ý nghĩa biểu tượng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhưng sự dè dặt quá mức của giới chức Hà Nội đã cho thấy họ chưa vượt thoát được cái bóng quá lớn Trung Quốc và cả Nga Sô. Hai năm sau đó, chuyến viếng thăm tiếp theo của hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt trong khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC 2020 có lẽ là hình ảnh cuối cùng cho một nỗ lực dịch chuyển về phía Tây Phương trước khi bị đặt dấu chấm hết bởi cái chết bất thường của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Kể từ thời điểm đó, báo chí và truyền thông Việt Nam đã không còn nhắc nhớ nhiều về chủ quyền Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa, hay phản đối đường chín đoạn như giai đoạn trước. Thay vào đó, hàng loạt những hiệp định hợp tác toàn diện với Trung Quốc được ông Nguyễn Phú Trọng trực tiếp ký kết, từ vấn đề an ninh quốc phòng, biển đảo, biên giới đến các vấn đề kinh tế hệ trọng như ngân hàng, tài chính, đào tạo cán bộ, xuất bản, văn hóa… Năm nay, không một vòng hoa được thả xuống biển tưởng nhớ 75 người lính VNCH đã ngã xuống bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng, không có một lãnh đạo “đảng và nhà nước” nào còn nhắc đến “Hải chiến Hoàng Sa” 49 năm trước.

Nhưng ở đâu đó, trên những diễn đàn như Nhật ký Yêu Nước, người ta lưu truyền mãi về một huyền thoại sống về Tình yêu đôi lứa và đất nước. Đó là câu chuyện tình của người lính hải quân VNCH Đỗ Văn Long, người hy sinh đầu tiên ở Hải chiến Hoàng Sa. Người yêu của anh, khi đó là một thiếu nữ Saigon xinh đẹp. Trước khi anh ra Hoàng Sa, anh đã ngỏ lời yêu cô. Cô hỏi anh “Sao anh yêu em?” và người lính nói “Vì tên em là Ái Dân.” Họ hẹn nhau sau chuyến đi Hoàng Sa về sẽ cưới. Nhưng mãi mãi, người lính không trở về, anh nằm lại dưới lòng biển sâu. Và người yêu của anh, cô gái xinh đẹp có cái tên Ái Dân, đã ở vậy cho đến ngày hôm nay. Đối với cô, cuộc chiến đó chưa bao giờ chấm dứt, người yêu cô đã hy sinh để bảo về mảnh đất quê hương. Đất nước này, hàng ngàn đời nay đâu thiếu những nàng Vọng Phu như vậy.

Tôi không biết đến bao giờ người Việt sẽ nhắc nhớ nhau “Sang năm ta sẽ về Hoàng Sa,” nhắc nhở về cuộc hải chiến bi hùng năm xưa cho con cháu ghi vào tâm khảm nỗi đau đớn mà một phần máu thịt, một phần cơ thể đất nước bị cắt rời. Cũng phải nhắc nhau rằng, đất nước suy vong chẳng phải chỉ bởi ngoại xâm mà còn do bởi đời nào cũng có những kẻ bán nước cầu vinh. Xưa thì có Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc… Nay thì có cả một “bầy sâu” đêm ngày đục khoét quốc gia, tuân phục ngoại bang, đê hèn chấp thuận dâng biển đảo để được an thân, vững ghế, để được “tổ chức đại hội thành công.”

Có lẽ, chỉ khi nào hơn 90 triệu người dân Việt thức tỉnh, đứng dậy xóa bỏ cái băng đảng búa liềm này, khi đó, mới có thể hy vọng một cuộc sinh đẻ mới cho đất nước. Và để rồi chúng ta sẽ nói với nhau “Sang năm, ta sẽ về Hoàng Sa” như một lời hẹn ước, như một niềm tin bất diệt, hun đúc một ý chí cường thịnh cho quốc gia Việt Nam.

Tân Phong

[1] “Sang năm ta sẽ trở lại Hoàng Sa” là một bài thơ của nhà thơ Thái Bá Tân vào năm 2014 sau sự kiện HD-981, thể hiện mong muốn một ngày nào đó dân Việt cũng sẽ lấy lại được Hoàng Sa như dân tộc Do Thái lấy lại được đất thánh Jerusalem.

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.