Các quốc gia tài trợ yêu cầu Việt Nam dẹp tham nhũng

DPA

29/05/2009
Tuyết Đan phỏng dịch

Hà Nội – Hôm thứ sáu vừa qua, các nhà ngoại giao đã nói cho phía Việt Nam rằng mặc dù Việt Nam tu chính luật chống tham nhũng, nhưng thực hiện rất ít những công tác cụ thể nhằm trừng trị những kẻ phạm luật bằng hệ thống pháp lý hay báo chí.

Các đại sứ và các vị đại diện những cơ quan tài trợ quốc tế đã nói thẳng với các kiểm soát viên của chính phủ Việt Nam trong phiên họp thường kỳ mỗi nửa năm về vấn đề tham nhũng rằng sự chấm dứt tệ nạn ngày càng lan rộng này cần phải có sự trong sáng, sự cải tổ về hợp đồng, và một sự tự do rộng lớn hơn cho các nhà báo và các tổ chức xã hội dân sự để họ có thể tố cáo những kẻ vi phạm.

Đại sứ Thụy Điển Rolf Bergman tuyên bố trong hội nghị: “Cần phải nhấn mạnh việc tăng cường các bộ luật chống tham nhũng hiện hữu, và tăng cường vai trò các tổ chức xã hội dân sự, của truyền thông và của quần chúng”.

Lê Văn Lân, cán bộ chống tham nhũng của Việt Nam cũng thừa nhận rằng “Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, các biện pháp chống tham nhũng vẫn còn chưa có hiệu quả”.

Quốc tế bắt đầu quan tâm nhiều đến vấn đề tham nhũng ở Việt Nam từ lúc 2 nhà báo Việt Nam bị bắt vào tháng 5/2008 sau khi đăng bài nói về vụ tham nhũng nổi tiếng PMU-18 tại Bộ Giao Thông Vận Tải.

Tháng 12 vừa qua, Nhật Bản đã ngưng viện trợ phát triển cho Việt Nam trong nhiều tháng vì vụ gọi là PCI. Các tham vấn của công ty Nhật Pacific Consultants International khai rằng họ đã đưa tiền hối lộ cho lãnh đạo Sở Giao Thông Vận Tải TP. HCM 800 triệu đô la Mỹ để có được dự án xây cất đường xa lộ.

Cuộc đối thoại hôm Thứ Sáu xoáy vào vấn đề tham nhũng trong công nghệ xây dựng. Các quan chức Việt Nam đã liệt kê ra một loạt những vấn đề trong lãnh vực này.

Phạm Văn Khanh, một giám đốc của Thanh Tra Chính Phủ, tiết lộ các cuộc thanh tra từ tháng 7/2005 cho thấy có 28 trường hợp nhà thầu được chi trả cho những công trình khống, hay được chi trả hai lần cho một công trình. Ông ta nói, tổng số tiền thất thoát lên đến gần 100 triệu đô la Mỹ, chính phủ chỉ bù đắp chưa tới một nửa.

Khanh và một số quan chức khác nói rằng các dự án xây cất thường được các công ty lớn trúng thầu vì bỏ giá hạ khó tưởng, sau đó chia lại cho các công ty nhỏ hơn, không đủ lực để một mình hoàn tất công trình. Ngân Hàng Thế Giới và quan chức Việt Nam tập trung vào các biện pháp hành chánh, như là công khai hóa các chi tiết dự án và tăng lương cho công nhân viên để họ không tìm cách thâm thủng. Phía Việt Nam đã đưa ra một loạt nghị định và quy định được thông qua trong những năm gần đây để điều hòa các bộ luật chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Đại Sứ Đan Mạch, Peter Hansen đã đưa ra một công trình nghiên cứu cho thấy các bài báo về tham nhũng trên truyền thông Việt Nam, vào đầu năm 2007 đã lên đến đỉnh cao quanh vụ PMU-18, nhưng rồi từ đó đã tuột dốc đến độ không còn gì nữa khi các nhà báo viết về nội vụ đã bị trừng phạt.

“Rõ ràng là báo chí đã mất tin tưởng sau vụ PMU-18”, ông Đại Sứ Hansen nói với Hãng Thông Tấn Đức DPA. “Vì thế cần phải xây dựng lại lòng tin tưởng của báo chí để họ có thể viết bài mà không sợ bị trừng phạt. Nhưng, theo tôi thì ít ra chính phủ ở một mức độ nào đó, phải nhận rõ là báo chí có một vai trò quan trọng”.

Tất cả các Đại Sứ các nước Phương Tây trong buổi họp, cũng như các vị đại diện của Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) đều kêu gọi phải dành thêm vị trí cho các tổ chức xã hội dân sự tham gia trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam, Cao Viết Sinh tuyên bố, ông đồng ý rằng “sự tham gia của xã hội là quan trong trong việc theo dõi”. Nhưng ông Sinh lại liệt kê “các tổ chức xã hội như Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Hiệp Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh” là thể loại các tổ chức có thể đóng vai trò nêu trên.

Ở Việt Nam, các tổ chức này được biết đến như “những tổ chức quần chúng”, và đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng Sản. Ông Sinh không hề đả động gì đến các tổ chức phi chính phủ nhỏ bé và độc lập.

Tại Hội Nghị, ông Ran Liao thuộc tổ chức Minh Bạch Quốc Tế đã phát biểu: “Sự hiểu biết về các tổ chức xã hội dân sự hay NGO tại Việt Nam rất là hạn chế”. Theo ông Liao, thì phải cần một thời gian nữa các quan chức Việt Nam mới biết trân quý giá trị của các tổ chức xã hội dân sự.