Các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa gửi văn thư đề nghị chính phủ Việt Nam giải trình việc giam giữ “tùy tiện” 18 nhà hoạt động nhân quyền với các cáo buộc mà nhóm này gọi là các điều khoản “mơ hồ” như “Tuyên truyền chống nhà nước” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ.”
Các báo cáo viên đặc biệt về tình hình người bảo vệ nhân quyền của LHQ, nhóm công tác về giam giữ tùy tiện, báo cáo viên đặc biệt về quyền sức khỏe thể chất và tinh thần, và báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác gửi văn thư này đến chính phủ Việt Nam ngày 2/11/2022 và được văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ công bố hôm 4/1/2023.
Văn thư cho biết 18 nhà bảo vệ nhân quyền này, trong đó có các nhà báo và các nhà hoạt động, là “những người đã bị bắt giữ tùy tiện và bị tước quyền tự do khi thực hiện quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm của họ, bị kết án dựa trên các điều khoản mơ hồ, và trong một số trường hợp, có cáo buộc là họ bị tra tấn và hay bị các hình thức ngược đãi khác trong thời gian tạm giam trước khi xét xử”.
Các chuyên gia cho biết họ “vô cùng quan ngại” trước việc 18 cá nhân này bị giam giữ kéo dài, đôi khi bị biệt giam, và được cho là bị tra tấn và ngược đãi, đồng thời các chuyên gia cũng nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng: “Quyền tự do không bị giam giữ tùy tiện và tra tấn cũng như các hình thức tàn ác, vô nhân đạo khác hoặc đối xử hoặc trừng phạt hạ nhục là những quyền không thể bị hủy bỏ theo luật pháp quốc tế”.
Trong số 18 người này, phần lớn bị chính quyền Việt Nam bắt giam theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự “Tuyên truyền chống nhà nước,” như trường hợp các ông Nguyễn Lân Thắng, Bùi Tuấn Lâm, Bùi Văn Thuận, Đặng Đăng Phước, Đỗ Nam Trung… và số còn lại bị bắt theo Điều 331 BLHS “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” như trường hợp các ông Lê Anh Hùng, Bùi Chí Thành, Trương Châu Hữu Danh.
Trong email gửi cho VOA hôm 4/1, đại diện văn phòng khu vực Đông Nam Á của Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết rằng chính quyền Việt Nam vẫn chưa phản hồi văn thư này, sau khi đã gửi đi 60 ngày.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và cơ quan đại diện thường trực của chính phủ Việt Nam tại LHQ ở Geneva, và đề nghị họ đưa ra ý kiến về văn thư này nhưng chưa được trả lời.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, bà Lê Bích Vượng, vợ của nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng, bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm của các chuyên gia nhân quyền LHQ và nói rằng bà rất quan ngại về tình trạng sức khỏe của chồng mình, người được cho là đang bị biệt giam từ khi bị bắt vào tháng 7/2022.
“Gia đình rất cảm ơn việc mọi người giúp lên tiếng cho trường hợp của anh Thắng cũng như các tù nhân lương tâm khác”.
“Người mà tiếp cận được anh Thắng là cán bộ điều tra, chứ không có ai có thể liên hệ được anh Thắng! Không điện thoại, không gặp mặt. Rất lo ngại về tình hình sức khỏe của anh Thắng. Họ nói rằng anh Thắng ‘khỏe’, tuy nhiên thời gian gần đây anh ấy bị đau xương khớp và mắt thì mờ đi”.
Từ bang Tennessee, Hoa Kỳ, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Đức Quốc, lên tiếng về trường hợp ông Đặng Đăng Phước, một giảng viên âm nhạc ở Đăk Lăk bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” từ tháng 9/2022.
“Thầy giáo Đặng Đăng Phước bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam một cách vô cớ, cũng như trước đây đã bắt rất nhiều tù nhân lương và giam tù họ với các bản án rất nặng nề”.
Trong văn thư dài 22 trang, các chuyên gia LHQ cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam sách nhiễu các nhà hoạt động này trước khi họ bị bắt và đã sử dụng các điều khoản của Bộ luật Hình sự để từ chối quyền tiếp cận luật sư và liên lạc với gia đình trong quá trình điều tra.
Các chuyên gia LHQ cho biết nếu các cáo buộc trong văn thư được xác nhận, Việt Nam sẽ vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Hà Nội đã tham gia ký kết vào năm 1982.
Nguồn: VOA