Cơ hội cuối cùng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Bye-bye Manila

Sau nhiều lần bóng gió về việc Philippines sẽ hủy bỏ liên minh quân sự với Hoa Kỳ kể từ khi Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, vị tổng thống xuất thân từ giới xã hội và hộp đêm cuối cùng đã chính thức nói lời chia tay với đồng minh chiến lược Hoa Kỳ bằng việc chấm dứt hiệp ước Thăm Viếng Quân Sự VFA (Visiting Force Agreement) có từ năm 1998 vào ngày 10 tháng Hai, 2020 vừa qua. Đồng thời, Manila xúc tiến các thủ tục tiếp theo nhằm gỡ bỏ mối quan hệ liên minh quân sự có lịch sử từ năm 1951.

Tất nhiên đây là một quá trình không hề đơn giản vì liên quan đến rất nhiều tài sản quân sự đắt giá của Mỹ tại quốc gia này cũng như các hiệp ước đã có trong quá khứ giữa hai bên. Song điều đó cho thấy mối quan hệ giữa Manila và Washington đang tan rã và điều này ảnh hưởng lớn tới chiến lược của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á vốn được coi là một trong những đồng minh có tầm quan trọng ngày càng lớn trên bàn cờ địa chính trị, quân sự với Trung Quốc tại vùng biển trọng yếu của thế giới.

Mặc dù Tổng Thống Donald Trump tỏ một thái độ bất cần với dòng tweet “Tôi thực sự không quan tâm nếu đó là điều họ (Philippines) muốn. Chúng ta sẽ tiết kiệm được thêm nhiều tiền.” Song rõ ràng, quyết định của Manila thực sự gây khó cho Washington. Là một chiến lược gia toàn diện, có toan tính cực kỳ thực dụng và khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, Donald Trump cân nhắc mọi chính sách quân sự ở nước ngoài trên khía cạnh kinh tế chính trị.

Việc liên tục hối thúc các đồng minh trong khối NATO phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, công kích trực diện các nguyên thủ Pháp, Đức lợi dụng sự bảo vệ của Hoa Kỳ để bắt tay trục lợi với Nga và thẳng thừng “mặc cả” với các đồng minh việc hỗ trợ an ninh như đối với Hàn Quốc… là những việc làm chưa từng có tiền lệ. Nhưng riêng với Philippines, Hoa Kỳ liên tục hỗ trợ Manila trang thiết bị quân sự, đào tạo binh sĩ và tiến hành thường xuyên các cuộc tập trận chung, viếng thăm quân sự trong khuôn khổ các hiệp ước mà không có đòi hỏi gì. Ngay cả khi Manila mua vũ khí của Nga và Trung Cộng, Hoa Kỳ cũng “nhắm mắt cho qua”.

Sự ưu ái đó cũng dễ hiểu với tình thế hiện tại, khi Bắc Kinh theo đuổi tham vọng to lớn, liên tục quân sự hóa biển Đông, xây dựng căn cứ viễn chinh khổng lồ tại Koh Kong, Cambodia và xúc tiến dự án kênh đào Kra tại miền Nam Thái Lan. Mỹ cần một đồng minh thực sự tại Đông Nam Á.

Sau việc làm dũng cảm đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế năm 2013, Philippines đã có một ưu thế chính nghĩa quan trọng. Song những nỗ lực đó đã “nước chảy bèo trôi” khi Duterte trở thành tổng thống Philippines năm 2016 cũng như hình ảnh mờ nhạt của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á trong giai đoạn đảng Dân chủ cầm quyền, Duterte ngả theo Bắc Kinh dễ dàng. Cuộc chia tay với Manila là một tổn thất, đồng thời khiến cho Hoa Kỳ phải điều chỉnh chiến lược của mình tại khu vực được coi là “Vạc dầu Châu Á” này.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay lập tức, Washington đồng ý chi 1,5 tỷ Mỹ Kim cho Ngân sách vì tương lai Hoa Kỳ “Budget for American’s Future” trong chương trình tài khóa năm 2021 với mục đích rất rõ ràng “ngân sách 1,5 tỉ đô la dành cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thể hiện rõ cam kết của chính quyền trong việc đảm bảo khu vực luôn tự do, mở và độc lập trước ảnh hưởng thâm hiểm của Trung Quốc.” Khoản tiền trên được tài trợ cho các chương trình thúc đẩy dân chủ, tăng cường hợp tác an ninh, cải thiện quản trị kinh tế và tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế của lĩnh vực tư nhân. Trong đó, 30 triệu Mỹ kim được đưa vào ngân sách của Trung Tâm Cam Kết Toàn Cầu (Global Engagement Center, GEC) nhằm mục đích phản tuyên truyền và thông tin sai lệch xuất phát từ Trung Quốc.

Chuyến đi thăm mang tính biểu tượng cùng những thỏa thuận trong lĩnh vực quân sự đắt giá vừa qua của Donald Trump tới Ấn Độ là một minh chứng chiến lược mới của Washington. Hàng trăm ngàn người dân Ấn Độ chào đón tổng thống Hoa Kỳ trong một khung cảnh choáng ngợp, đầy cảm xúc. Cộng đồng di dân người Ấn tại Hoa Kỳ là một cộng đồng lớn, cung cấp nguồn lao động tay nghề cao được chào đón. Đây cũng là đội ngũ cử tri hùng hậu ủng hộ Donald Trump tái cử 2020. Quốc gia có dân số khổng lồ 1,4 tỷ dân bên bờ Ấn Độ Dương này có mối hận thù dai dẳng với Trung Quốc. Người Ấn chưa quên nỗi nhục từ cuộc chiến Trung – Ấn 1962.

Tuy vậy, Ấn Độ có những vấn đề của Ấn Độ. Nền dân chủ non yếu, những mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc, tình trạng tham nhũng tồi tệ và khoảng cách giàu nghèo khủng khiếp trong một xã hội mà sức ỳ của văn hóa, tôn giáo khiến cho quốc gia này luẩn quẩn trong vòng đói nghèo suốt nhiều thế kỷ. GDP tính trên đầu người chỉ vào khoảng 2171 USD năm 2019 và Ấn Độ vẫn còn phải đối phó với tình trạng kém phát triển ở các vùng nông thôn rộng lớn của mình. Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nổi lên như một nhà lãnh đạo có khuynh hướng dân tộc mạnh mẽ. Mang tư tưởng và chính sách ôn hòa với các vấn đề sắc tộc, đồng thời ủng hộ nhiệt thành các chính sách địa chiến lược của Donald Trump, Narendra Modi đang mong muốn thúc đẩy Ấn Độ trở thành đồng minh lớn nhất của Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương.

Song trước khi có thể vươn ảnh hưởng tới Đông Nam Á và vịnh Thái Lan, Ấn Độ còn phải giữ chắc phên dậu của mình ở phía Bắc và tăng cường sức mạnh hải quân để bảo vệ lãnh hải rộng lớn của mình trước móng vuốt của “rồng Trung Hoa” tại Ấn Độ Dương. Đó là một chặng đường rất dài và vấn đề của Đông Nam Á vẫn phải do chính các quốc gia Đông Nam Á tự giải quyết.

USS Theodore Roosevelt (CVN-71) tới Đà Nẵng

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt (CVN-71), thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương, sẽ ghé thăm Đà Nẵng vào từ ngày 4 đến ngày 9 tháng Ba, 2020. Đây là lần thứ 2, hàng không mẫu hạm của hải quân Hoa Kỳ ghé thăm Đà Nẵng kể từ sau chiến tranh Việt Nam kết thúc. Lần thăm viếng đầu tiên của biểu tượng sức mạnh Mỹ cũng tại thành phố Đà Nẵng vào tháng Ba, 2018. Trong khoảng thời gian đó, Washington đã tỏ không ít “thiện chí” đối với Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.

Về mặt thương mại, dù bị chỉ mặt đích danh là “kẻ lợi dụng tồi tệ”, song Hoa Kỳ vẫn để Việt Nam kiếm tới 35 tỷ Mỹ Kim thặng dư thương mại trong năm 2019. Những động thái trừng phạt ở một số mặt hàng sắt thép, tôn mạ màu, thép uốn… dù có thể làm cho những doanh nghiệp thép “hồn Trung, xác Việt” chịu nhiều thiệt hại. Song về cơ bản, Việt Nam vẫn được rất nhiều ưu ái thương mại từ Hoa Kỳ. Thị trường Mỹ hiện là thị trường đem lạị thặng dư lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với các ngành sản xuất của Việt Nam.

Về mặt quân sự, Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ đào tạo phi công Việt Nam sử dụng các máy bay F5 nhằm tiến tới có thể sử dụng được các thế hệ máy bay chiến đấu thế hệ cao cấp hơn của quân đội Mỹ, cung cấp tàu tuần tra cao tốc Metal Shark và tuần dương hạm lớp Hamilton cho cảnh sát biển Việt Nam… đồng thời chia xẻ nhiều thông tin quân sự giá trị. Các đời bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ liên tục đến thăm Hà Nội và khẳng định lập trường của Washington sẽ hỗ trợ bảo vệ quyền tự do hàng hải và chủ quyền lãnh hải của các quốc gia trong khu vực và đặc biệt khuyến khích, khơi gợi ý thức dân tộc, nhắc nhớ các bài học lịch sử giữ nước đáng tự hào của Việt Nam với chính giới chức chóp bu CSVN.

Một thông tin đáng chú ý khác là cuối tháng Hai, 2020, CDC Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) sẽ thành lập văn phòng tại Việt Nam. Đây là một kết quả đàm phán quan trọng giữa Hà Nội và Washington trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus 2019-nCoV có xuất phát từ Hồ Bắc, Trung Quốc đang phát triển thành một đại dịch toàn cầu. Đối với Hà Nội, đó là một cái phao cứu sinh có ý nghĩa lớn hơn những hỗ trợ y tế và tài chính có giá trị nhiều triệu Mỹ Kim trong thời điểm hiện nay.

Về phía Việt Nam, “kẻ lợi dụng tồi tệ” tiếp tục chứng tỏ mình là một “evil state” trong rất nhiều các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, môi trường tới nhân quyền, tự do tôn giáo… Bằng mọi cách thức thủ đoạn, Hà Nội cố gắng kéo dài thời gian phải tuân thủ các luật pháp quốc tế khi tham gia các sân chơi như EVFTA trong khi gia tăng đàn áp các tiếng nói phản đối chính sách sai lầm của nhà cầm quyền. Đỉnh điểm của những xung đột giữa người dân và giới cầm quyền gần đây nhất được đánh dấu bằng một sự kiện bi thảm, tàn ác khi 3000 cảnh sát vũ trang đã đàn áp một nhóm dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và giết chết người được coi là lãnh đạo tinh thần của cộng đồng dân cư, đồng thời là một cựu viên chức cấp xã, đảng viên kỳ cựu của đảng cộng sản – cụ Lê Đình Kình.

Mối quan hệ Việt-Mỹ là một mối quan hệ đặc biệt phức tạp. Là cựu thù trong quá khứ, song giới chức CSVN giờ đây mong muốn có được mối quan hệ với Mỹ như một đối trọng trước những đòi hỏi ngày một quá đáng của Bắc Kinh. Hà Nội chơi một chiến thuật cũ rích là cố gắng đi thăng bằng trên sợi dây mà một đầu do Bắc Kinh nắm giữ còn đầu kia là nhu cầu địa chiến lược của Hoa Kỳ. Tuy vậy, giới chức CSVN không hề muốn Bắc Kinh mếch lòng. Quyền lợi của đảng CSVN từ lâu đã gắn chặt với Trung Quốc Cộng Sản Đảng và giới chóp bu hiểu rõ phải luôn tụng niệm câu bùa chú hộ mạng “16 chữ vàng, 4 Tốt”.

Lớp lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh hoàn toàn nhận thức được rằng nếu theo Bắc Kinh thì mất nước nhưng không theo thì mất Đảng. Cái giá phải trả cho sự “trường tồn” của đảng Cộng Sản Việt Nam là sự nô dịch của dân tộc và chủ quyền quốc gia. Song giờ đây, có thể có một nhận thức khác của lớp thế hệ lãnh đạo kế cận. Họ nhận ra rằng nếu tiếp tục đi theo Bắc Kinh, thì tính chính danh của đảng cũng không còn và chủ quyền cũng đã và đang tiếp tục mất. Thật là mâu thuẫn và ấu trĩ khi vẫn tiếp tục hô hào “chống Mỹ” trong khi con cái và tài sản đều ở Mỹ nhưng đồng thời họ chẳng muốn mất đồng Nhân dân tệ nào cả. Hà Nội chẳng muốn mất cái gì. Họ vừa muốn giữ được cả tính chính danh trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như lợi quyền của đảng. Đó là điều Bắc Kinh khó chấp thuận.

Thật ra, vấn đề ở đây cũng giản dị. Đối với giới chức CSVN, việc ngả theo ai hoàn toàn phụ thuộc vào phía nào mang lại nhiều lợi ích cho đảng CSVN hơn trong khi không bị đụng chạm gì đến quyền lực cai trị của họ. Người Mỹ nên hiểu rằng nàng Kiều Việt Nam sẵn sàng bán mình (cho gã Khách Tàu hôi thối) để mua… iPhone và túi Vertu và thật dại dột nếu anh ta định làm Thúc Sinh hay Từ Hải.

Nhưng một kịch bản như ở Syria hay Iraq xảy ra thì lại còn tồi tệ hơn và có vẻ như cuộc chia tay giữa Manila và Washington trong bối cảnh hiện nay (khi Trung Quốc đang suy yếu và sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ tại Đông Nam Á) đang đem lại cho Hà Nội một cơ hội lớn cuối cùng để thoát khỏi vòng tay lông lá của Bắc Kinh. Nhưng có nắm được cơ hội ngàn năm có một này hay không thì là câu chuyện khác. Sự e ngại cố hữu của giới chóp bu như Nguyễn Phú Trọng, Ngô Xuân Lịch, Nguyễn Thị Kim Ngân… cũng như vòng kim cô oan nghiệt là những bí mật giữa hai đảng cộng sản cầm quyền trong quá khứ khiến cho Hà Nội khó lòng thoát được quán tính của lịch sử.

Sự yếu hèn và bạc nhược một cách kỳ lạ của một chính đảng và đội quân suốt 45 năm chỉ biết buôn lậu, làm kinh tế và tham nhũng mà chính sách quốc phòng được “nâng cấp” từ mức độ 3 KHÔNG thành 4 KHÔNG vừa qua đã có thể cho chúng ta câu trả lời.

3/3/2020

Nhật Phong

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.