Vụ bê bối nâng điểm thi ở Hà Giang và nghi vấn ở một số địa phương khác như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình… đang làm dư luận cực kỳ quan tâm với nỗi đau tột cùng, vì đây không phải là sự kiện xảy ra lần đầu. Trong nỗi đau đó, có sự nghẹn ngào của rất nhiều thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến tương lai vận mệnh đất nước.
Thời gian vừa qua, vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang được coi như là sự kiện gây bức xúc và xôn xao dư luận nhất vì nó có liên hệ đến cấp lãnh đạo Tỉnh. Sau khi kiểm tra lại hàng loạt những bài thi bị nghi ngờ gian lận điểm, đoàn công tác thẩm định của Bộ GD&ĐT đã công bố có tới 114 thí sinh với 330 bài thi đã được thay đổi kết quả, nâng lên nhiều nhất tới 28 điểm so với điểm thực.
Với việc công nhận kết quả chấm thẩm định thay thế cho kết quả công bố trước đó, có ít nhất hơn 100 thí sinh không chỉ trượt đại học mà còn trượt cả kỳ thi THPT vì bị điểm liệt, bởi có 102 bài thi môn toán còn 1 điểm, 56 bài thi môn hóa chỉ được 0,75 điểm. Điều đáng nói là trong số những học sinh được nâng điểm, đa số là những em thuộc diện “con ông cháu cha”, tức có bố mẹ hay người thân làm lãnh đạo tỉnh hoặc có chức vụ cao trong ngành giáo dục ở tỉnh. Một phần khác được nâng điểm là các thí sinh con của nhà giàu có, địa vị.
Việc gian lận, nâng điểm các bài thi thường xảy ra ở những xã hội bưng bít thông tin, độc tài đảng trị vì chính nó đã giúp cho những người thích đi đường tắt cấu kết, che giấu người khác… để làm bậy!
Giáo dục trước hết phải là môi trường trong sạch để đào tạo, dạy dỗ con người. Với tình trạng sửa điểm, dối trá, thay trắng đổi đen như hiện nay thì ai cũng bị khủng hoảng niềm tin vào các giá trị của học đường. Thật vậy, trước những vụ gian lận, sửa điểm sẽ khiến cho xã hội đặt ra những câu hỏi, nghi vấn không biết trong những công an, bác sĩ bây giờ… bao nhiêu người đã từng được nâng điểm để “đặt” vào vị trí này. Đây phải chăng chính là nguyên nhân gây ra bao nhiêu cái chết vô lý khi bác sĩ tiêm nhầm thuốc, phẫu thuật nhầm bộ phận, v.v…
Ở một nhà nước thượng tôn pháp luật, người dân phải được luật pháp bảo vệ. Trẻ con thì được 3 tầng bảo vệ gồm: thứ nhất là pháp luật; thứ nhì là gia đình; thứ 3 là xã hội luôn ưu tiên bảo vệ. Còn ở đất nước vô luật pháp như Việt Nam, người dân chỉ được bảo vệ khi có tiền hoặc có quyền, còn lại đều không được sự bảo vệ của luật pháp.
Vì thế mà đại đa số những người nghèo khổ ở Việt Nam sống giữa xã hội như sống giữa rừng sâu đầy thú dữ. Dù trưởng thành mà nghèo thì bất lực. Còn với trẻ con, không những không được luật pháp bảo vệ, mà luôn luôn bị rình rập tấn công.
Việc nâng điểm vừa qua ở Hà Giang không chỉ gây ra những hậu quả đơn thuần cho một địa phương mà còn tác động rất lớn đến dư luận của cả nước. Nếu sự việc này không được phát hiện, thì ít nhất khoảng hơn 300 bài thi lệch điểm ấy đã làm thay đổi “kết quả thực” trong kỳ tuyển sinh của nhiều trường có các thí sinh ấy đăng ký đầu vào. Nó gây ra sự xáo trộn giữa việc đậu thành rớt, rớt thành đậu trong tuyển sinh tại không ít trường.
Mặt khác, chính điều này còn tô đậm thêm nền giáo dục xuống cấp thê thảm của Việt Nam. Xa hơn nữa, ít nhất vài trăm thí sinh ấy, với “thực chất” con đường đi lên của mình bằng sự dối trá có ai sẽ xấu hổ, thấy tội lỗi hay sẽ tiếp tục để lại những “di căn” xấu hơn nữa cho cộng đồng, xã hội?
Rồi đây, thầy cô không biết phải nói với các học trò thế nào về động lực học tập, về nỗ lực vượt qua những kỳ thi, về sự trung thực, về sự tử tế… khi mà việc nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia lại diễn ra một cách trắng trợn khó tin đến tàn nhẫn như vậy?