Vì sao hạt gạo Việt Nam thua xa hạt gạo Thái Lan?

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Việt Nam là xứ sở của lúa gạo, với những cánh đồng ruộng trù phú, từng là quốc gia xuất cảng gạo nhất nhì Đông Nam Á. Sau 45 năm thống trị của đảng Cộng Sản Việt Nam, tuy Việt Nam hiện là nước xuất cảng gạo nhiều thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan; nhưng phẩm chất không những không cạnh tranh nổi với gạo Thái Lan mà cả với gạo Campuchia. Đây không chỉ là nghịch lý mà còn nói lên tư duy phát triển lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung của chính quyền Cộng Sản Việt Nam, chạy đua theo số lượng hơn là chất lượng.

Năm ngoái (2019), Việt Nam xuất cảng khoảng 6,4 triệu tấn gạo, tương đương 2,8 tỷ USD. Các thị trường lớn nhập cảng gạo Việt Nam gồm có Philippines (2,1 triệu tấn), Bờ Biển Ngà (Ivory Coast) – Phi châu (khoảng 600 ngàn tấn), Malaysia (khoảng 550 ngàn tấn), Trung Quốc (khoảng 500 ngàn tấn). Tính ra giá gạo xuất cảng năm 2019 bình quân là 440 USD/tấn.

Hiện nay, khi mà dịch bệnh Coronavirus Vũ Hán đang hoành hành và nhiều nước đang muốn tăng thu mua gạo để dự trữ thì giá gạo trắng 5% tấm xuất cảng của Việt Nam cũng chỉ nhích lên 450 USD/tấn, trong khi đó theo bản tin của Thông Tấn Xã Reuter vào ngày 2 tháng Tư thì gạo Thái Lan được ghi nhận trong khoảng 560 – 570 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng Tư, 2013.

Dù được mệnh danh là cường quốc xuất cảng gạo lớn trên thế giới, nhưng giá gạo xuất cảng của Việt Nam vẫn luôn thấp hơn gạo cùng loại trên thị trường quốc tế. Một trong những nguyên nhân cơ bản là chất lượng hạt gạo. Nếu đem so sánh chất lượng của gạo Việt Nam và Thái Lan thì giới tiêu thụ hiện nay đánh giá gạo Việt thua xa gạo Thái.

Sản xuất lúa gạo ở Thái Lan

Lúa là loại cây trồng quan trọng nhất của Thái Lan và lúa gạo sản xuất tại Thái Lan góp phần đáng kể cho nền kinh tế và cho khoảng 60% lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp.

Phần lớn giống lúa được sản xuất ở Thái Lan là giống Jasmine. Tuy được trồng với tỷ lệ thấp nhưng cho ra gạo có chất lượng cao và giá gạo cao gấp đôi cũng như cạnh tranh mạnh trên thị trường gạo chất lượng cao trên toàn cầu.

Vào những năm trong thập niên 60 của thế kỷ trước, Thái Lan đã chuyển sang chính sách thương mại hóa trong sản xuất lúa gạo, phát triển đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến và cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất cây lúa có hiệu quả hơn.

Chính phủ Thái Lan đã khuyến khích mạnh mẽ để gia tăng sản xuất lúa gạo. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thủy lợi, và phát triển nhiều dự án gia tăng chất lượng gạo được gọi là “gạo cao cấp” để đem lại nhiều lợi nhuận cho nông dân. Điều này đã làm sản lượng gạo Thái Lan tăng lên gấp 3 lần trong khi diện tích chỉ tăng khoảng 1,8 lần trong vòng 40 năm.

Diện tích đất đai trồng lúa của Thái Lan đứng hàng thứ 5 trên thế giới và mỗi năm Thái Lan trồng khoảng 8,9 triệu hecta lúa, đạt sản lượng khoảng 30 triệu tấn. Xuất cảng gạo của Thái Lan thường ở mức trung bình từ 9 đến 11 triệu tấn mỗi năm, trong đó lượng gạo trắng chiếm một nửa. Để đạt được sản lượng như thế, chính phủ Thái Lan đã có nhiều chương trình khuyến nông nhằm giúp người dân áp dụng các biện pháp tiên tiến vào đồng ruộng, cũng như quản lý dịch họa môt cách hiệu quả để nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo.

Nông dân Thái Lan dùng giống lúa có thời gian phát triển từ 110 ngày đến 130 ngày và đôi khi lên đến 150 ngày và chỉ làm tối đa 2 vụ/năm để bảo đảm hạt gạo đạt chất lượng và đồng thời dưỡng cho đất đai không bị quá tải. Thậm chí ở vùng Đông Bắc Thái Lan có đến trên 60% diện tích chỉ trồng 1 vụ/năm theo mùa mưa. Giống gạo thơm cao cấp ở Thái Lan chỉ trồng 1 vụ/năm. Từ đặc điểm và tập quán sản xuất này nên gạo Thái Lan luôn có chất lượng cao.

Song song theo đó, chính phủ Thái Lan cũng khuyến khích nông dân trồng lúa cho gạo màu và gạo hữu cơ, là hai loại gạo có giá trị kinh tế cao hơn và ít bị cạnh tranh.

Bắt đầu từ năm 2018, chính phủ Thái Lan đưa ra chương trình hỗ trợ nông dân giảm diện tích gieo trồng lúa mùa vụ thứ hai và thay vào đó là trồng rau quả để có thêm nguồn thu nhập.

Hiện nay với tình trạng hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, người nông dân Thái Lan đã bắt đầu chuyển đổi sang phương thức canh tác SRI (System of Rice Intensification – Hệ thống canh tác lúa cải tiến) thân thiện với môi trường không còn phụ thuộc vào các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.

Phương pháp SRI này gieo trồng với mật độ thưa để bảo đảm cây trồng tiếp nhận được nhiều dinh dưỡng và ánh sáng hơn, đồng thời hạn chế lượng nước tưới tiêu cho các cánh đồng, giúp các cánh đồng không thường xuyên úng nước, giúp tạo điều kiện cho các vi sinh vật sinh sôi phát triển và đóng vai trò như một loại phân bón tự nhiên, giúp giảm 60% khí thải methane và tăng sản lượng vụ mùa từ 40% trở lên và giảm số lượng hạt giống cho mỗi vụ mùa, từ đó giảm chi phí ban đầu. (Nguồn: mekongcommons.org)

Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam

Cũng như Thái Lan, lúa là cây lương thực chính đóng vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam và nó cũng đóng vai trò chính trong việc bảo đảm an ninh lương thực và lúa là cây lương thực có diện tích canh tác lớn nhất hiện nay.

Trước năm 1975, tuy chiến tranh liên miên nhưng miền Nam Việt Nam từng là một vựa lúa nuôi cả nước và xuất cảng ra thế giới. Những giống lúa như Nàng tây, Thâm đưng, Nàng thơm, Ba bụi, Đuôi trâu, Nàng keo, Tàu binh, Móng chim, Nàng quớt, Trắng lùn, Trắng lựa… đã từng một thời là loại cao cấp. Trong giai đoạn này Miền Nam phát triển cây lúa Thần Nông, là lúa ngắn ngày và nhờ vào máy móc, nông cơ hiện đại, phân hóa học nên sản lượng lúa của VNCH vào năm 1974 đã đạt đến 7,1 triệu tấn, một con số kỷ lục vào thời điểm đó.

Sau ngày 30 tháng Tư, 1975, với hệ quả của nền kinh tế tập trung nên lượng sản xuất lúa gạo ở Việt Nam bắt đầu tụt dốc. Năm 1976 chỉ tiêu nhà nước đề ra là 13 triệu tấn nhưng chỉ đạt được 12,2 triệu tấn và năm sau 1977 chỉ đạt được 11,2 triệu tấn. Không đủ gạo để ăn nên nhà nước đã tung ra phong trào hô hào, khuyến khích người dân ăn độn bo bo, bắp, khoai các loại (khoai mì, khoai lang,…) để bù vào cơm.

Thời điểm đó dân Miền Nam có câu ca dao:

Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá,
Từ “giải phóng” vô đây, ta ăn độn dài dài
Từ “giải phóng” vô đây, ta ăn độn bằng khoai.

Sau gần 35 năm đổi mới, từ một nước thiếu ăn trong quá khứ, Việt Nam đã từng có khoảng 7,53 triệu hecta đất trồng lúa (năm 2008), năng suất trung bình đạt 58,1 tấn/hecta, tổng sản lượng lúa cả nước đạt 43,8 triệu tấn và xuất cảng khoảng 6,1 triệu tấn gạo (khoảng 10 triệu tấn lúa), với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan.

Tuy nhiên với mô hình tăng trưởng sản lượng lúa gạo cộng thêm với bệnh thành tích của chế độ nhằm tối đa hóa sản lượng lúa vượt trội hơn các nước ASEAN, nhà nước Việt Nam đã phải thúc đẩy nông dân làm lúa 3 vụ/năm, vì vậy phải sử dụng lượng phân bón 297 kg/hecta, cao gấp đôi mức trung bình của các nước khác, thuốc trừ sâu rầy cũng cao hơn các nước, dẫn đến những hệ lụy xấu về môi trường, đất đai, sông ngòi và sức khỏe người dân nhưng chất lượng gạo của Việt Nam luôn thấp, không bảo đảm vì thời gian sinh trưởng của lúa ngắn khiến lợi nhuận lại không cao.

Có một thời giá gạo Việt Nam đã tách ra khỏi mặt bằng giá gạo thế giới và trở thành nguồn cung cấp rẻ nhất. Không phải gạo Việt Nam cạnh tranh tốt vì giá rẻ, mà phẩm chất gạo Việt Nam đã xuống thấp đến mức độ khách hàng chỉ chịu mua vì giá rẻ mạt.

Theo một bài báo trên Tạp chí Công Thương VN thì ĐBSCL được coi là vựa lúa với sản lượng lúa đạt trên 24 triệu tấn/năm, chiếm hơn 54% tổng sản lượng, cung cấp trên 90% lượng gạo xuất cảng cả nước. Người nông dân vùng này phần lớn vẫn có thói quen lấy lúa trong kho (lúa thịt) ra làm giống, không muốn đầu tư mua lúa giống tốt.

Sản lượng lúa ở ĐBSCL chủ yếu thu hoạch vào mùa mưa lũ, trong khi đó, hoạt động tiêu thụ lúa của bà con nông dân vùng ĐBSCL lại được thực hiện theo quy trình là đến mùa thu hoạch, lúa gặt xong được phơi tại bờ ruộng, bán tại bờ kênh. Lúa phơi khô rồi lấy ny lông che đậy. Khi gặp ghe của thương lái đến mua được giá là bán. Do vậy, hầu hết gạo của Việt Nam trước khi đem xuất cảng đều phải qua hệ thống sấy. Lúa phơi không đủ nắng, gạo có độ ẩm cao, khi qua hệ thống sấy, hạt gạo bị nát và xỉn màu. Vì thế mà chất lượng hạt gạo xuất cảng của Việt Nam luôn thấp là lẽ đương nhiên.

Hiện nay, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch ở Việt Nam vẫn còn cao. Theo Viện Lúa ĐBSCL thì tỷ lệ này khoảng 12%-15%. Còn theo Viện Lúa Quốc Tế (IRRI) thì tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khoảng 15%-20% sản lượng. Trong khi đó TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “Tổn thất sau thu hoạch không chỉ làm giảm sản lượng, mà còn ảnh hưởng lớn chất lượng, giá trị hạt gạo, giảm thu nhập của nông dân.”

Việt Nam trồng rất nhiều giống lúa, có giống trở nên nổi tiếng nhờ được thương lái hỏi mua nhiều như giống Jasmine, IR50404. Qua thời gian, các cơ quan khoa học tiếp tục lai tạo thêm giống mới cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng, mà mới nhất là giống lúa ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua được đoạt giải quán quân cuộc thi Gạo ngon thế giới (World’s Best Rice), do The Rice Trader tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng Mười Một, 2019 tại Manila, Philippines.

Tuy nhiên, từ quá trình một loại giống được công nhận đến được xuất cảng ra thế giới thì rất phức tạp vì chính sách nhà nước Việt Nam chưa thông thoáng, nhà tạo giống phải tốn nhiều tiền, đương đầu với nhiều lợi ích nhóm, làm nản lòng nhiều doanh nghiệp khiến cho Việt Nam tới nay vẫn chưa có được doanh nghiệp sản xuất gạo xuất cảng mang thương hiệu với tầm vóc quốc tế.

Kết luận

Tại sao ngon và “có tiếng” trong các cuộc thi thế giới nhưng giá gạo Việt Nam vẫn thấp và “mất giá” so với các nước trong khu vực?

Theo một số chuyên gia thì những nguyên nhân khiến gạo của Việt Nam bị đánh giá thấp là do yếu kém chất lượng. Hiện nay chất lượng gạo của Việt Nam thấp so với gạo Thái Lan và thậm chí với gạo Campuchia do người nông dân Việt Nam sử dụng các giống canh tác ngắn ngày (3 tháng/vụ) và trồng 2-3 vụ/ năm để tận dụng đất đai hạn hẹp, thời gian sinh trưởng của lúa ngắn hạn. Ngoài ra gạo Việt Nam không được sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, nông dân tự ý thay đổi theo kinh nghiệm lỗi thời của mình và sử dụng nhiều phân đạm hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật.

Thương lái đều biết gạo Việt Nam được sử dụng nhiều hóa chất và không truy xuất nguồn gốc được nên phải trừ hao phí rủi ro nguồn gốc. Trong khi gạo của Thái Lan chủ yếu là gạo một vụ, chất lượng ngon, an toàn và giá cả cạnh tranh hơn.

Khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao nói chung trong đó có gạo và thế giới đang hướng về những sản phẩm thân thiện môi trường mà ngay cả người tiêu dùng các nước nhập khẩu gạo chính như Trung Quốc cũng yêu cầu gạo chất lượng cao, an toàn.

Việt Nam chỉ chú trọng vào lượng và dùng quá nhiều phân bón trong khi Thái Lan biết nghiên cứu và tiến hành làm cho phẩm chất tốt, ngon và phù hợp môi trường sống nên được thế giới ưa chuộng. Hiện nay Thái lan là quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới trong khi Việt Nam không cạnh tranh nổi vì chất lượng kém.

Đối với thị trường gạo xuất cảng cấp thấp, Việt Nam không cạnh tranh được về giá; đối với thị trường xuất cảng gạo cấp cao thì Việt Nam không thể cạnh tranh được về chất lượng và không thể xâm nhập được vào nhiều thị trường như Thái Lan. Bằng chứng là mỗi khi Thái Lan xả hàng là ngành xuất cảng gạo Việt Nam gặp khó.

Ngoài ra theo Giáo Sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, chất lượng gạo của Việt Nam hiện nay không bằng được Thái Lan là do cách làm ăn chụp giật của các thương lái, họ trộn lẫn các loại gạo cao cấp và thấp cấp với nhau và quan trọng hơn là Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào nuôi nấng vùng nguyên liệu (như bên Thái Lan) hầu có loại lúa tốt nhất để chế biến và có loại gạo có thể cạnh tranh được với Thái Lan.

Thái Lan trồng giống lúa tốt rồi nông dân được trả giá cao, chính phủ bắt buộc phải bán giá rẻ để tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn trong kho do đó gạo chắc chắn là tốt và giá không đắt, chính phủ Thái Lan chịu lỗ và để nông dân được lời. Trong khi chính phủ Việt Nam lại bỏ thí không quan tâm và hoàn toàn để Tổng công ty Lương Thực và Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA) thao túng.

Từ 7,53 triệu hecta đất trồng lúa đạt 43,8 triệu tấn (năm 2008), mới đây vào ngày 18 tháng Ba, 2020, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã phải đòi chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm khoảng 3,5 triệu hecta để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa. Như vậy là tiếp tục ép đất trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung ngậm thêm hàng ngàn tấn phân, thuốc độc hại, căng sức chạy cho đủ sản lượng, chỉ tiêu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Doanh và Hỗ Trợ Doanh Nghiệp (BSA), chua chát rằng: “Bao nhiêu cuộc hội thảo hoành tráng, hùng hồn khẳng định quan điểm làm nông nghiệp bền vững, phát triển “thuận thiên”, phải phá thế độc canh cây lúa, khuyến khích làm lúa giá trị cao, giảm 3 vụ lúa xuống để đất phục hồi… vẫn chỉ là những văn kiện rực dấu đỏ và nằm yên, ngủ đông trên giấy.”

Việt Nam nếu cứ vẫn tiếp tục “mệnh lệnh” để đạt chỉ tiêu, thành tích tăng trưởng lúa gạo trong khi diện tích trồng lúa ngày càng thu hẹp bởi nhiều lý do thì đất đai sẽ chết dần mòn và lúa gạo, nông sản ngậm đầy hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hạt gạo Việt Nam mãi mãi sẽ không bao giờ cạnh tranh nổi với hạt gạo Thái Lan.

Nguyễn Thanh Văn


Tham khảo:

– https://baomoi.com/thai-lan-ho-tro-nong-dan-giam-dien-tich-trong-lua/c/24290220.epi

– http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chat-luong-gao-xuat-khau-cua-viet-nam-kem-vi-sao-34917.htm

– https://baodatviet.vn/kinh-te/gs-vo-tong-xuan-ly-do-gao-viet-nam-thua-kem-campuchia-3001755/

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.