Tập Cận Bình – Vladimir Putin: Hợp tác đối phó với Biden hay là “nụ hôn thần chết “?

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Matxcơva, ngày 08/05/2015. Ảnh: Reuters/ Sergei Karpukhin
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Trong những tuần gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin không ngừng điện đàm với nhau. Điều gì đang xảy ra? Đó có phải chỉ đơn giản là hệ quả của cuộc đối đầu ý thức hệ gay gắt giữa Mỹ và hai nước Nga – Trung? Sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và nước láng giềng khổng lồ Nga có vẻ rõ ràng, nhưng mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.

Trên đây là nhận định của chuyên gia Trung Quốc Pierre-Antoine Donnet trong bài viết đăng trên trang mạng châu Á The Asialyst ngày 07/07/2021: “Nga – Trung: Đối phó với Biden, những giới hạn khi Tập và Putin xích lại gần nhau.” RFI giới thiệu bài viết dưới dạng hỏi đáp.

Bắc Kinh và Matxcơva thời gian qua có vẻ rất gắn bó với nhau?

Mọi người đều biết cặp đôi nào cũng trải qua thời kỳ tốt đẹp và những giai đoạn khó khăn. Quan hệ giữa cặp đôi Trung Quốc và Nga cũng như vậy, đôi bên từng có những giai đoạn “yêu thương” rồi “thù hằn.” Nhìn vẻ bề ngoài thì trong thời gian qua dường như cặp đôi Nga – Trung đang có “tình yêu cuồng nhiệt.” Nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì có thể thấy không chắc là như vậy.

Vào ngày 28/06/2021, một tuyên bố chung giữa Bắc Kinh và Matxcơva dường như đã làm sáng tỏ nhiều điều. Nga và Trung Quốc khẳng định mong muốn tăng cường, củng cố sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy “một trật tự quốc tế công bằng, chính đáng hơn và dân chủ hơn” nhằm làm đối trọng với Hoa Kỳ và với sự tấn công ý thức hệ của Washington.

Gần đây, sau một hội nghị trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ việc hai nước đang tìm cách tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh mới và phủ nhận việc đôi bên lập liên minh quân sự. Ngược lại, hai nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ song phương Nga – Trung đã trở nên “chín muồi hơn, ổn định hơn và vững chắc hơn” và hai nước giờ đây đều là “đối tác ưu tiên” của nhau.

Liệu có phải Tập Cận Bình và Putin xích lại gần nhau vì Joe Biden?

Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến lần thứ hai giữa hai nguyên thủ quốc gia Nga – Trung chỉ trong vòng vài tuần lễ và thông cáo rất dài của họ rõ ràng là nhắm vào Tổng thống Mỹ Joe Biden. Kể từ khi ông Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ hồi tháng 01/2021, ưu tiên lớn nhất của nguyên thủ Mỹ là cuộc đối đầu chống lại một nước Trung Quốc độc tài và xâm lăng.

Trước đó 2 tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp đồng nhiệm Mỹ Joe Biden tại Genève, Thụy Sĩ, nhằm tìm kiếm một mối quan hệ ổn định hơn cho Nga và Mỹ, và đặc biệt là để có thể tin tưởng lẫn nhau. Nguyên thủ Mỹ Biden luôn nhớ rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Matxcơva ngày càng trở nên chặt chẽ. Chúng ta đừng quên rằng, cách đó vài tuần, Joe Biden đã xem Vladimir Putin là “kẻ sát nhân.”

Do đó, dù không nói ra, nhưng thông cáo Trung – Nga là nhắm vào Washington: “Một số quốc gia sử dụng ý thức hệ để vạch ra các lằn ranh, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và làm đảo lộn các cơ sở pháp lý của hệ thống quan hệ quốc tế, bao gồm cả trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.”

Thông cáo còn cho biết: “Thế giới càng xáo động thì Trung Quốc và Nga càng phải củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược.” Vẫn theo thông cáo chung, trước tình hình này, đôi bên không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phối hợp và hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, năng lượng và công nghệ. Mục tiêu của Matxcơva và Bắc Kinh là “bảo vệ lợi ích chung” của hai nước trên trường quốc tế và “tiếp tục chủ nghĩa đa phương đích thực” để bảo vệ thế cân bằng quốc tế. Thông cáo chung của ông Tập và Putin còn nhấn mạnh: “Nước Nga cần một Trung Quốc thịnh vượng và ổn định còn Trung Quốc cần một nước Nga hùng mạnh và chiến thắng. Trung Quốc và Nga coi nhau như những đối tác ưu tiên.

Liệu Nga và Trung Quốc có muốn kích động một cuộc xung đột vũ trang với Mỹ hay không?

Đối với Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, được South China Morning Post trích dẫn, chừng nào liên minh Tây phương do Hoa Kỳ dẫn đầu vẫn tham gia vào một cuộc đối đầu ngày càng gay gắt nhắm vào Trung Quốc và Nga, thì hiển nhiên là hai quốc gia này còn “cảm thấy có nhu cầu khẩn thiết về việc thắt chặt các mối quan hệ vốn đã gần như là một liên minh […] Các mối liên kết này nhất định sẽ còn được thắt chặt thêm nếu thế đối đầu Trung – Mỹ và Nga – Mỹ trở nên căng thẳng hơn.”

Danil Bochkov, một chuyên gia tại Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế, mà nhật báo Hong Kong trích dẫn, cũng có cùng nhận định. Ông khẳng định là trên thực tế, hiếm khi cụm từ “các đối tác ưu tiên” xuất hiện trong các văn bản chính thức, mặc dù các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này có xu hướng coi quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung như một ưu tiên đối với cả hai bên. Trong một cuộc phỏng vấn được phát ngay trước thượng đỉnh Nga – Mỹ tại Genève, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn tiến xa tới mức bảo vệ chính sách của chính phủ Trung Quốc nhắm vào người Hồi Giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Chúng ta nên nhớ là Tập Cận Bình và Putin đã gặp nhau hơn 25 lần và họ đều coi nhau là “người bạn tốt nhất.” Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại, đặc biệt là về sự hợp tác quân sự và các cuộc tập trận chung của Nga và Trung Quốc. Nhưng sẽ là liều lĩnh, mạo hiểm nếu tuyên bố rằng sự hợp tác này có thể đi xa đến mức nhắm cụ thể vào Mỹ.

Đối với giáo sư Shi Yinhong, “sự hợp tác quân sự này dường như là sự hỗ trợ của Nga đối với Trung Quốc về trang thiết bị quân sự công nghệ cao. Nhưng tôi không nghĩ rằng Nga sẽ đề cao, khoe khoang về các mối quan hệ quân sự chung với Trung Quốc để nhắm vào Đài Loan, cũng như sự hỗ trợ quân sự của Trung Quốc để chống Ukraina. Trung Quốc và Nga không muốn khiêu khích, kích động một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn với liên minh phương Tây do Mỹ dẫn đầu.”

Quan hệ Nga – Trung hiện giờ có gì căng thẳng?

Theo giáo sư Artyom Lukin, cộng tác viên của Đại học Viễn Đông Nga ở Matxcơva, quan hệ Matxcơva-Bắc Kinh cũng có những căng thẳng liên quan đến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á. Giáo sư Lukin nhận định: “Nhưng cho đến nay, những mối xung khắc này chỉ có ý nghĩa ngoại biên trong mối quan hệ song phương của họ. Trong tương lai gần, họ sẽ xích lại với nhau hơn là theo chiều ngược lại.”

Tuy nhiên, trọng lượng kinh tế của Nga không thể sánh bằng Trung Quốc. Nga chỉ có GDP gần bằng nước Ý. Còn Trung Quốc có thể trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất với tổng GDP vượt Mỹ vào khoảng năm 2028, theo các dự báo mà các kinh tế gia phương Tây cũng đồng ý kiến. Vì thế, Nga chỉ như “tiểu đệ” của nước láng giềng Trung Quốc hùng mạnh. Đó là lý do tại sao Vladimir Putin lo ngại rằng một ngày nào đó Tập Cận Bình sẽ trao cho ông “nụ hôn của thần chết.”

Thùy Dương

Nguồn: RFI

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Vương Đình Huệ tại buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này đến Hà Nội hôm 12/12/2023. Ảnh: Minh Hoang/POOL /AFP via Getty Images

Vương Đình Huệ gãy ghế?

Vài ngày qua, trong lúc cả thế giới căng mắt theo dõi cuộc đấu tay đôi giữa Israel và Iran với nỗi lo thùng thuốc súng Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới thì dư luận Việt Nam lại chú mục vào tin đồn một “trụ” nữa trong “tứ trụ” có nguy cơ phải về vườn.

Thực trạng người lao động trẻ tại Việt Nam và giải pháp

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số người lao động trẻ từ 15 tuổi lên là 52,4 triệu, chiếm 53,3% tổng dân số.

Thời gian qua, tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh nói lên thực trạng khó khăn của người lao động Việt Nam, nhất là trong giới lao động trẻ.

Các chuyên gia nói gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam

Một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam, tám tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế sẽ cùng tổ chức một hội thảo vào ngày 6 tháng 5 năm 2024 để báo động tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo “Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng tại Việt Nam & hành động để tranh đấu cho nhân quyền” sẽ quy tụ các chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền.

Lãnh đạo Hoa Kỳ (giữa), Nhật Bản (phải) và Philippines họp thượng đỉnh tại Washington DC hôm 11/4/2024. Ảnh: Reuters

Thế trận an ninh mới ở Á châu: Việt Nam có thể bình thản được bao lâu?

Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật Philippines hôm 11/4/2024 được nhận định đã truyền đi nhiều tín hiệu về một thế trận mới ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Tổng thống Philippines Marcos nói “nó sẽ thay đổi cục diện trong khu vực, ở xung quanh Biển Đông, ở ASEAN, ở châu Á.”

… Ba nước tuyên bố bảo vệ các nguyên tắc của Luật biển Quốc tế đối với Biển Đông, lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines tại bãi Cỏ Mây hơn một năm qua.