Nhìn lại quan hệ Mỹ-Trung năm 2020

Chiến hạm Úc, Mỹ và Nhật Bản tập trận chung tại biển Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: US Navy
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Từ nhiều năm qua, dư luận đặc biệt chú ý đến tương quan toàn diện giữa 2 siêu cường Hoa Kỳ (số 1 về kinh tế và quân sự) và Trung Cộng (số 2 về kinh tế và số 3 về quân sự sau Nga).

Tương quan này có ảnh hưởng rộng lớn đến toàn thế giới trên mọi lãnh vực, bắt đầu từ một sự đối đầu và hợp tác giới hạn, nhằm giúp thúc đẩy chính sách be bờ qua giao thương, đầu tư, hầu hỗ trợ việc tự do hóa xã hội từ bên trong Hoa Lục vào những thập niên 70, 80 của thế kỷ 20. Hiện nay sự hợp tác đang chuyển sang thế đối đầu mạnh mẽ và toàn diện về kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, nhất là từ 2017, dưới chính quyền Tổng Thống Trump.

Tương quan này bị hoàn toàn chi phối bởi âm mưu bá chủ thế giới vào chân trời 2049 của Trung Cộng và không còn chỉ giới hạn giữa Hoa Kỳ – Trung Cộng, mà trong rất nhiều lãnh vực đều bao gồm các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trong khuôn khổ các hiệp ước và liên minh phòng thủ, hợp tác quân sự, cũng như trong các khối, hợp tác đa phương về kinh tế của cả hai siêu cường.

Bài này sẽ nhận định về tương quan toàn diện này qua các chính sách của Trung Cộng, nhằm vượt qua siêu cường số 1 Hoa Kỳ và các biện pháp đối phó của Hoa Kỳ cũng như các nước đồng minh.

So sánh Dân Số Diện Tích GDP Quân Đội, Ngân Sách Quốc Phòng
Hoa Kỳ 330 triệu 9,8 triệu km² 20.800 tỷ USD 1,4 triệu quân, >700 tỷ USD
Trung Cộng 1.400 triệu 9,6 triệu km² 14.900 tỷ USD 2 triệu quân, ~180-200 tỷ USD (est)

Chính sách “Trỗi Dậy Trong Hòa Bình” (Peaceful Rise) của Trung Cộng, được nhen nhúm từ thời Đặng Tiểu Bình lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1978 đến khoảng năm 1992, và được áp dụng từ thời Giang Trạch Dân (1992-2002), rồi Hồ Cẩm Đào (2002-2012). Chính sách này  đã bị thay thế bằng chính sách bành trướng và bá chủ thế giới kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, từ tháng Mười, 2012.

Tựu trung, chính sách bá chủ thế giới của Trung Cộng được hoạch định tiến hành tuần tự qua các giai đoạn sau đây:

  • 2020 phải đoạt quyền kiểm soát hoàn toàn trên chuỗi quần đảo thứ nhất (do cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Foster Dulles đề ra năm 1951 và được Trung Cộng lấy lại): Vòng đai thứ nhất bao gồm quần đảo Điếu Ngư, Okinawa, phần biển Đông Hải (East China Sea), Đài Loan, Biển Đông (đường lưỡi bò 9 đoạn), Việt Nam. Đây là những điểm nóng tranh chấp hiện nay giữa Trung Cộng một bên và bên kia là Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh;
  • 2025 ảnh hưởng có tính chất quyết định trên vòng đai các tuyến đường Tơ Lụa (Bell and Road Initiative – BRI) từ Á Châu đến Âu Châu, Phi Châu xuyên qua Ấn Độ Dương. Xây dựng các cứ điểm quân sự và căn cứ hỗ trợ vững chắc. Chu toàn chiến lược “Made in China” trên toàn cầu qua kế hoạch Ngũ Niên lần thứ 14 ( 2021-2025), nhằm trở thành quốc gia dẫn đầu về phát minh kỹ thuật;
  • 2035 đoạt quyền kiểm soát trên chuỗi quần đảo thứ 2: Biển Nhật Bản, biển Phi Luật Tân, quần đảo Micronesia (Đảo Guam), trở thành siêu cường đứng đầu về kinh tế, vượt qua Hoa Kỳ. Đạt mức quân bình chiến lược (strategic parity) với Hoa Kỳ về mặt quân sự;
  • 2049 trở thành siêu cường số 1, vượt qua Hoa Kỳ về Kinh Tế, Quân Sự và tầm ảnh hưởng trên thế giới. Kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc.
Chuỗi quần đảo thứ nhất và thứ nhì.
Chuỗi quần đảo thứ nhất và thứ nhì.

Chính sách bá chủ thế giới của Trung Cộng dựa trên việc khai thác bối cảnh thế giới và các điểm mạnh sau đây:

  • Hoa Kỳ bị lún vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu tại Afghanistan, Irak, Syria;
  • Khối lượng khổng lồ ngoại tệ thu được từ thặng dư về xuất khẩu hàng hóa;
  • Xử dụng văn hóa Trung Quốc và khai thác nền tảng xã hội rộng mở của Tây Phương cho quyền lực mềm;
  • Tấn công mạng để lấy cắp kỹ thuật tiền tiến tây phương.

Tận dụng thặng dư cán cân thương mại để khống chế về kinh tế

Từ hơn 20 năm nay, cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng luôn thâm thủng, bất lợi cho Hoa Kỳ (2016: -317 tỷ Mỹ Kim, 2017: -375 tỷ, 2018: -410 tỷ, 2019: -308 tỷ, 2020: -252 tỷ (tính đến tháng Mười, 2020). Từ tháng Sáu, 2018, chính quyền Trump đã tiến hành việc tăng mức thuế 25% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Cộng. Sau một cuộc đấu trí kéo dài hơn 1 năm, Trung Cộng bị bó buộc phải nhượng bộ tạm thời. Ngày 15 tháng Giêng, 2020 hai bên đã ký kết với Thoả Thuận 1, theo đó nói rằng Bắc Kinh sẽ mua 200 tỷ Mỹ Kim hàng hóa của Mỹ trong hai năm 2020-2021 đổi lại Hoa Kỳ sẽ ngưng áp thuế cao. Tuy nhiên sau khi dịch Covid-19 bùng nổ lần đầu vào tháng Ba, 2020 Trung Cộng đã trì hoãn việc thi hành thỏa thuận này.

Việc điều chỉnh lại mức thâm thủng 400 hay 500 tỷ Mỹ Kim hàng năm từ hàng chục năm qua là một nhu cầu quan trọng nhằm giảm bớt mức thặng dư về mậu dịch của Trung Cộng, lấy lại thế độc lập trên nhiều sản phẩm, thiết bị chiến lược trong kỹ nghệ (hạ tầng cấu trúc viễn thông, phụ tùng máy bay, xe hơi, năng lượng, máy móc kỹ nghệ loại nặng, bình accu điện, pin,…

Hiện mức dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Cộng đã lên đến mức hơn 3000 tỷ Mỹ Kim, và cho lãnh đạo Trung Cộng một khả năng chiến lược nhằm thao túng hối đoái tiền tệ, lũng đoạn kinh tế Tây Phương, qua việc mua cổ phần, xâm nhập các công ty tây phương về kỹ thuật tiên tiến (IA – thông minh nhân tạo; Data Fusion – hợp nhất nguồn dữ kiện; Nano Tech – kỹ thuật nano; v.v.), mua chuộc chính giới, báo giới Tây Phương.

Qua đại dịch Covid-19, người ta nhận ra sự lệ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, với hậu quả bị bắt chẹt, ngay cả đối với vật tiêu dùng thường nhật (thuốc trị bệnh thông thường, trang bị y khoa căn bản,…) Nhiều hãng xưởng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Hàn, Liên Âu nay đã được khuyến khích nhằm dời chuỗi cung ứng, nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Cộng qua các quốc gia Á Châu khác hay về lại gần xứ họ. Tình hình giao thương ngày nay không còn thuận lợi cho Trung Quốc như trước đây và Bắc Kinh sẽ phải dựa vào thị trường nội địa nhiều hơn với nhiều rủi ro cho quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Sang đoạt quyền sở hữu trí tuệ, lấy cắp kỹ thuật tiền tiến

Nhằm chuẩn bị các bước nhảy vọt hầu bắt kịp Tây Phương về kỹ thuật tiền tiến, từ những năm cuối của thế kỷ 20, một chương trình quy mô hầu thu thập kỹ thuật Tây Phương bằng mua chuộc, chiêu dụ đầu tư và chuyển nhượng kỹ thuật và đặc biệt qua chính sách tấn công mạng.

Các đội ngũ hàng chục ngàn hacker rất chuyên nghiệp thuộc Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng được huấn luyện, trang bị hạ tầng cấu trúc kỹ thuật chuyên biệt (deep web) được nhà nước Trung Cộng (TC) tài trợ, dấu kín (tuyến viễn thông, máy chủ, cổng nối, dịch vụ proxy,… khai thác những lỗ hổng O Day chưa vá trám trên những nhu liệu, thiết bị, xử dụng spear phishing tinh vi, và móc dữ kiện qua social engineering.

Các nhóm hacker nổi tiếng như 37 nhóm APT (Advanced Persistent Threat), có 28 nhóm được coi như dính líu trực tiếp đến Trung Cộng (có 4 liên quan đến Iran, 2 Bắc Hàn, 2 Nga), có tay nghề cao, thường tấn công vào hệ thống thông tin các hãng quốc phòng, hàng không không gian, viện nghiên cứu, ngân hàng, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, Liên Âu, trừ APT16 chuyên nhắm vào Nhật Bản, Đài Loan, và APT30 nhắm vào ASEAN.

Bản đồ tấn công mạng trực tuyến.
Bản đồ tấn công mạng trực tuyến.

Thành quả quan trọng của các nhóm APT Trung Cộng là đã tiết kiệm được cho Trung Cộng hàng trăm tỷ Mỹ Kim và rút ngắn khoảng hơn 20 năm thời gian phát triển kinh tế, quân sự cho Trung Cộng. So với các nhóm tấn công khác, các nhóm do Trung Cộng tài trợ, chỉ đạo hoạt động công khai, dài hạn, không dấu chữ ký (signature) để lại trên hệ thống thông tin. Thành quả nổi bật nhất là phần sao chép sơ đồ chế tạo ra các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Hoa Kỳ (Chengdu J-20 sao chép từ F-22 Raptor, và J-31 (Shenyang FC-31) sao chép từ F-35 Lightning II).

Lấy cắp các sáng chế, nhu liệu, công trình khảo cứu qua việc tấn công và xâm nhập vào các hệ thống thông tin hiện vẫn còn là việc rất dễ làm và không nguy hiểm so với các nỗ lực khác như đặc vụ, mua chuộc, gài người, đầu tư vốn vào các hãng trong tầm nhắm của Trung Cộng.

Tuy nhiên, các quốc gia dân chủ ngày càng ra nhiều biện pháp phối hợp trên bình diện quốc tế và quốc gia nhằm bảo vệ kỹ thuật tiền tiến, chống lại lấy cắp qua các vụ tấn công mạng. Các thủ phạm bị truy lùng (nhóm APT1 Comment Crew), nêu đích danh và bị trừng phạt về hình sự, quốc gia bảo trợ bị lên án trước dư luận quốc tế. Tuy nhiên những trường hợp này còn rất hiếm và các biện pháp trừng phạt giới hạn vì thiếu sự đồng nhất về quyền lợi kinh tế.

Mở rộng các trục giao thương, quân sự chiến lược qua các con Đường Tơ Lụa

Nhằm tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, từ 2013, Trung Cộng  đã vạch ra chính sách Đường Tơ Lụa Mới (Bell and Road Initiative – BRI). BRI gồm 2 quan niệm: Vòng Đai Tơ Lụa về Kinh Tế và Tuyến Đường Tơ Lụa Hàng Hải Thế Kỷ thứ 21. Chính thức khởi động từ 2015, BRI có mục tiêu xây dựng các điểm tựa về chính trị, kinh tế, quân sự dọc các đường Tơ Lụa qua các tuyến đường hàng hải, xa lộ và xe lửa xuất phát từ Trung Cộng tới Âu Châu qua Ấn Độ Dương, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi, Địa Trung Hải. Tài trợ các dự án hạ tầng của BRI do Ngân Hàng AIIB (Asian Infrastructure Investment Bank), chủ yếu đến từ Trung Cộng.

Các tuyến đường hàng hải, hỏa xa, và xa lộ dự phóng theo BRI
Các tuyến đường hàng hải, hỏa xa, và xa lộ dự phóng theo BRI.

Dọc các tuyến này (đi qua Nga, Kazakhstan, Belarus, Ba Lan, Đức, Pháp và Anh), Trung Cộng đã xây cất các hải cảng, tuyến đường xe lửa, xa lộ, viễn thông, khai quật và chế biến nguyên liệu cho nhu cầu phát triển của Trung Cộng. Những phí tổn xây cất hạ tầng cơ sở này lên đến hàng ngàn tỷ Mỹ Kim, được trả bằng vay nợ và nhượng quyền cho Trung Cộng quyền khai thác trong hàng chục năm trời. Dự trù BRI sẽ bao gồm 68 quốc gia tham dự, 4,4 tỷ người với 40% GDP thế giới. Điểm xuất phát tuyến hàng hải khởi đầu từ Hoa Lục đi qua vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam qua đường lưỡi bò 9 đoạn.

Hiện nay, BRI đang gặp nhiều khó khăn: 1) nhiều dự án bị đình trệ hay ngừng lại (dự án xe hỏa tốc hành tại Mã Lai, Thái Lan,…) vì mâu thuẫn giữa quyền lợi của quốc gia liên hệ và Trung Cộng; 2) nhiều quốc gia tại Phi Châu, Ấn Độ Dương,… nhận thấy món tiền nợ quá lớn, lãi xuất quá cao với nhiều điều khoản trong khế ước tài trợ, bất bình đẳng, có lợi cho TC; 3) người dân, chính quyền sở tại nhận ra quyền lợi quốc gia lâu dài bị đe dọa bởi áp lực, khả năng mua chuộc qua tài chánh của TC; 4) sự hiện diện của hàng chục ngàn nhân công gốc TC cùng gia đình được gởi qua tham gia vào các công trường, tạo ra vấn đề bất ổn xã hội về đường dài, với nạn cướp, tấn công giết chết công nhân Trung Cộng (Hồi Quốc (Pakistan) 2018, Bắc Phi 2019).

Xây dựng sức mạnh quân sự của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Cộng

Từ 2 thập niên, Trung Cộng đã dồn nỗ lực để cải tiến, tân trang quân đội nhằm bắt kịp Hoa Kỳ vào năm 2035, với một ngân sách quốc phòng ước lượng từ 180-200 tỷ Mỹ Kim, đứng hàng thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Các nỗ lực này trải rộng trên mọi lãnh vực, huấn luyện binh lính, kỹ thuật chỉ huy, đặt trọng tâm vào nhu cầu hậu cần, cải thiện điều kiện sinh sống của người lính, giảm bớt quân số, bù vào bằng các đơn vị tinh nhuệ hơn, với nhiều võ khí hiện đại hơn (hỏa tiễn, tàu chiến, tàu ngầm, trọng pháo, vệ tinh quân sự, drone,…)

Hiện nay vấn đề chính của Quân Đội Trung Cộng là chưa có kinh nghiệm trận mạc, từ 1949 đến nay, ngoại trừ trận đánh vào biên giới Việt Nam năm 1979 và quân đội Trung Quốc dù đông hơn, đã bị tổn thất nặng nề; trận hải chiến nhỏ tiến chiếm một số đảo Việt Nam tại Trường Sa vào năm 1988, các trận đụng độ nhỏ với Ấn Độ dọc biên giới. Trong lúc đó, quân đội Hoa Kỳ thường xuyên tham chiến trên các chiến trường (Trung Đông, Bắc và Trung Phi,…) trên khắp thế giới, từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay.

Nhờ khả năng tấn công của các nhóm hackers của quân đội, Trung Quốc đã sao chép và chế nhái lại  nhiều hệ thống võ khí hiện đại của Hoa Kỳ (chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-22, F-35, khu trục hạm (destroyer) Arleigh Burke, tàu sân bay đổ bộ LPD, tàu ngầm nguyên tử lớp Los Angeles,…) quân đội TC cố gắng trở thành ngang hàng với quân đội Hoa Kỳ về tổ chức, kỹ thuật tác chiến, quân báo và mức độ tinh vi, chính xác, phối hợp, tầm hoạt động các hệ thống võ khí.

Tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh trên Biển Đông.

Về hải quân, kể từ 2014, trọng lượng tàu chiến Trung Cộng mới đóng bằng lớn hơn trọng lượng của cả hải quân của mỗi nước Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nam Hàn, Tây Ban Nha, hay Đài Loan. Hiện nay về số lượng, hải quân TC với 355 (1,8 triệu tấn) tàu chiến đã vượt qua hải quân Hoa Kỳ (có 296 tầu nhưng với 4,6 triệu tấn). Nhưng về khả năng tác chiến xa lãnh thổ (projection power), mức độ phối hợp tinh vi giũa các hệ thống võ khí vẫn còn thua kém Hoa Kỳ. Với 2 hàng không mẫu hạm, 52 tàu ngầm loại diesel hay nguyên tử, 32 khu trục hạm loại AEGIS, 54 khu trục hạm hạng nhẹ,… hải quân Trung Cộng có đủ khả năng để trấn áp bất cứ quốc gia nào tại Tây Thái Bình Dương, nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. 

Các biện pháp đối phó của Hoa Kỳ cùng các đồng minh

Xác định được sự quyết tâm làm bá chủ thế giới của Trung Cộng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, ngay từ nhiệm kỳ đầu dưới thời Tổng Thống Obama, Hoa Kỳ đã từ từ khởi động nhiều biện pháp ngăn chặn, nhằm bảo vệ các quyền lợi chiến lược trên thế giới, đặc biệt trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Đó là bảo vệ các đồng minh chiến lược (Nam Hàn, Nhật Bản, Úc, Phi Luật Tân), các quốc gia có một vị thế trung gian quan trọng (Ấn Độ, Nam Dương, Việt Nam, Đài Loan) trong tầm ảnh hưởng khống chế, đe dọa quân sự của Trung Cộng.

Các biện pháp ngăn chặn trở thành đối đầu gay gắt từ nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump với tranh chấp về thương mại, chống sự xâm nhập mềm (soft power) của Trung Cộng vào xã hội Hoa Kỳ ngăn chặn việc đánh cắp kỹ thuật tiền tiến, tân trang quân đội, gia tăng hải quân, giữ ưu thế về quân sự và chuyển trục về Á Châu – Thái Bình Dương.

Bộ Tứ QUAD (Ấn Độ, Úc, Nhật, Hoa Kỳ) được khởi động lại từ 2017, nhằm phối hợp các nỗ lực đối đầu với âm mưu bành trướng của Trung Cộng phía Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Kể từ khi ngang nhiên chiếm được bãi Hoàng Nham (Scarborough) thuộc chủ quyền Phi Luật Tân vào năm 2012 (trước sự thụ động của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ Tổng Thống Obama), Trung Cộng đã không chiếm thêm được đảo nào trong chuỗi quần đảo thứ nhất. (xem hình ở bên trên)

Chiến hạm Úc, Mỹ và Nhật Bản tập trận chung tại biển Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: US Navy
Chiến hạm Úc, Mỹ và Nhật Bản tập trận chung tại biển Philippines, ngày 21/7/2020. Ảnh: US Navy.

Tại đảo Điếu Ngư (Senkaku) ở biển Hoa Đông, gặp sự chống trả của hải quân và không quân Nhật mỗi lần Trung Cộng xâm nhập không, hải phận quần đảo và biển Nhật Bản. Tại Đài Loan, với thái độ cứng rắn bảo vệ sự tự chủ, chính phủ bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ qua các vụ bán võ khí tiên tiến (hỏa tiễn tầm trung SLAM-ER, hỏa tiễn quốc  phòng duyên hải Harpoon, chiến đấu cơ F-16), nhằm gia tăng khả năng bảo vệ Đài Loan trước các đe dọa của Bắc kKnh. Hỗ trợ của Hoa Kỳ còn bao gồm nhiều động thái quân sự (các khu trục hạm thuộc Hạm Đội 7 thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan, các chuyến bay không quân chiến lược B-1, B-2, B-52 qua vùng ADIZ (Air Defense Identification Zone) do Trung Cộng lập ra.

Tại quần đảo Trường Sa trong 8 năm qua, các đá (reef) chiếm được, đều xảy ra sau đó vài năm sau cuộc hải chiến năm 1988), Trung Cộng dù đã có sức mạnh hải quân áp đảo, vượt trội rất nhiều so với hải quân CSVN, Phi, Mã Lai, Nam Dương cũng đã không có khả năng chiếm thêm một đảo nào khác. 8 đảo nhân tạo bị chiếm giữ bởi Trung Cộng tại trung tâm quần đảo Trường Sa và được bồi đắp, tân trang thành căn cứ quân sự gồm phi trường, hải cảng, căn cứ hỏa tiễn tầm trung, gồm Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Ken Nan (McKennan Reef).

Vị trí các đảo, đá tại quần đảo Trường Sa và quốc gia đang kiểm soát.
Vị trí các đảo, đá tại quần đảo Trường Sa và quốc gia đang kiểm soát.

Hoa Kỳ đã tiến hành các biện pháp đơn phương sau đây:

1. Về mặt giao thương, đòi hỏi đối tác Trung Cộng đồng tuân thủ luật lệ quốc tế (reciprocity) không chấp nhận trường hợp một bên tuân thủ, còn bên kia vi phạm trắng trợn, coi thường. Áp thuế nhằm lấy lại cân bằng về cán cân thương mại với Trung Cộng. Đồng thời khuyến khích các hãng xưởng Mỹ dời về Hoa Kỳ, hay qua một quốc gia khác, để tránh áp lực về chuyển nhượng kỹ thuật của Trung Cộng. Trừng phạt các vi phạm của các hãng xưởng Trung Cộng về cạnh tranh bất chính, ăn cắp kỹ thuật, hay cố tình làm gián điệp, vi phạm quyền riêng tư (confidentiality) trong thông tin (Huawei – hệ thống 5G), TikTok, We Chat). Duyệt lại danh sách các thiết bị do Hoa Kỳ chế tạo, hay chế tạo dưới bản quyền bị cấm xuất cảng qua Trung Cộng.

2. Về mặt quân sự, gia tăng tốc độ khai triển trên trận địa các võ khí mới railgun, laser, hỏa tiễn tầm xa đối hạm, hỏa tiễn siêu âm, chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Cho phép các quốc gia đồng minh chiến lược mua các võ khí mới nhất: F-35, hệ thống radar AEGIS trên mặt đất, hỏa tiễn SM6 chống hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử liên lục địa,… Thành lập Đệ Nhất Hạm Đội trách nhiệm Úc Châu và Ấn Độ Dương. Gia tăng các động thái quân sự FONOPs (Freedom of Navigation Operations) trên Biển Động nhằm gián chỉ (deterrent) các hoạt động quân sự của TC, trên các đảo nhân tạo. Trừng phạt các công ty Trung Cộng tham gia xây dựng các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo (cấm xử dụng mỹ kim trong các dịch vụ tài chánh, không cho nhập cảng hay mua thiết bị của Hoa Kỳ).

3. Về mặt chống lại sự xâm nhập, lũng đoạn xã hội Hoa Kỳ qua mua chuộc, đe dọa: Đóng cửa các viện Khổng Tử; kiểm soát sự tài trợ tài chánh cho các viện đại học, viện nghiên cứu, các Think Tank; thu thập dữ kiện về các kế hoạch mua cỗ phần, xâm nhập vào các hãng kỹ thuật tiền tiến nhằm ngăn chặn sự thất thoát các phát minh, bí mật quốc phòng; kiểm soát sự ra vào Hoa Kỳ của các đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc; giới hạn sự đi lại của các giới truyền thông Trung Cộng nhằm trả đũa sự giới hạn đi lại đối với các nhà báo Hoa Kỳ bên Trung Cộng.

4. Về mặt chống lại lấy cắp phát minh, kỹ thuật tiền tiến. Gia tăng các biện pháp phòng vệ cho các hệ thống hạ tầng chiến lược (giao thông, hàng không, viễn thông, nước, điện, ngân hàng,…); Cơ Quan An Ninh Mạng thuộc Bộ Nội An (DHS) giúp đỡ các hãng xưởng tiền tiến, chống lại các cuộc tấn công từ Trung Cộng; xử dụng chính sách trả đũa (counter hack); biện pháp chế tài các quốc gia chủ trương hay chứa chấp các nhóm tấn công.

Kết luận

Quan hệ Mỹ – Trung Cộng hiện đang bước vào giai đoạn tranh chấp sống còn. Cuộc tranh chấp gay gắt sẽ còn kéo dài hàng chục năm nữa chừng nào Trung Cộng vẫn còn giữ chính sách bá chủ thế giới. Mỗi bên đều có kế hoạch nhằm khai thác các yếu điểm của đối phương, nhất là từ phía Bắc Kinh, cạnh tranh bất chính, mua chuộc, khống chế với khối lượng ngoại tệ khổng lồ. Trong lúc Hoa Kỳ muốn tái lập sự công bằng trong luật chơi trên mọi phương diện tranh chấp. Cả hai bên đều đang chạy đua võ trang, nhưng để tránh phải đi đến chiến tranh mà sẽ rất hao tổn về sinh mạng, vật chất cho cả thế giới.

Kế hoạch bá chủ thế giới hiện đang bị khựng lại, khi Trung Cộng gặp nhiều thất bại, không đạt được các mục tiêu đề ra cho 2020. Khi không đạt những mục tiêu giai đoạn, Trung Cộng khó có thể tiến tới giai đoạn kế tiêp 2025, rồi 2035,… mà không phải đi đến đụng độ quân sự với Hoa Kỳ và các đồng minh.

Riêng tại Biển Đông, phần quan trọng cho chính sách bá chủ thế giới, Trung Cộng đã thất bại không hoàn thành nổi mục tiêu cho 2020, dù có sức mạnh quân sự áp đảo: 1) trước quyết tâm đối kháng của người dân Việt Nam và một phần trong guồng máy quân đội CSVN do lòng yêu nước, dù có sự đồng lõa của lãnh đạo CSVN; 2) trước quyết tâm của Phi Luật Tân đưa vấn đề chủ quyền tại bãi Hoàng Nham ra trước tòa án Trọng Tài Thường Trực tại Den Haag 2013-2016; 3) trước sự đề kháng của Indonesia, Mã Lai, Đài Loan với sự hỗ trợ của Bộ Tứ Quad, trong đó Hoa Kỳ đã có những đóng góp có tính chất quyết định.

Nguyễn Ngọc Bảo

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.