Tập Cận Bình và kế ‘sát kê hách hầu’ tại Hong Kong

Xé pano có hình Chủ Tịch Tập Cận Bình tại Ahmedabad, Ấn Độ, 24/6/2020. Ảnh: AP
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Cả thế giới đang phản đối Cộng sản Trung Quốc về đạo luật mới gọi là “Quốc gia An toàn Pháp,” người Việt gọi là Luật An Ninh Quốc Gia. Đạo luật, áp dụng riêng cho Hong Kong, có nhiều điều cấm đoán, đe dọa khắc nghiệt hơn mọi người dự đoán.

Ban hành luật nhằm trấn áp phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong vào ngày 1 tháng Bảy, Trung Cộng đã chọn đúng thời điểm thuận tiện nhất.

Các quốc gia khác đang phải đối phó với trận đại dịch Covid-19 và lo kinh tế thế giới suy thoái. Hai nước Tây phương quan tâm đến Hong Kong nhất là Anh Quốc và Mỹ, đều bị bệnh nặng nhất. Tổng thống Mỹ đang lo vấn đề tranh cử cuối năm nay. Bang giao giữa các nước châu Âu và Mỹ đang căng thẳng. Trung Cộng đã nhân cơ hội này thi hành kế “Sát Kê Hách Hầu,” giết gà để dọa khỉ!

Dân Hương Cảng phải đóng vai trò con gà cho Tập Cận Bình đè cổ, vặt lông. Nhưng “khỉ” là ai? Là những nước nào? Họ Tập có thể nhắm hăm dọa Đài Loan, các nước từ Nhật Bản tới Nam Hàn, và tất cả các nước Đông Nam Á.

Tập Cận Bình “đánh” Hong Kong làm gương. Ai cũng biết rằng phong trào Dân chủ tại Hong Kong được cả thế giới hoan hô và hỗ trợ. Các thủ lãnh của phong trào được mời điều trần trước quốc hội Mỹ và các nước khác. Ai cũng nghĩ Bắc Kinh cần đất Hong Kong vì đó là cửa ngõ thông thương với thế giới tư bản; sẽ phải nương tay với dân Hong Kong vì đã ký kết khi được Anh Quốc trao trả năm 1997.

Năm đó, kinh tế Trung Quốc còn đang trên đường thay đổi. Đặng Tiểu Bình đã phải nhịn, không đòi chiếm lại, nhập Hong Kong vào, thành một đô thị tự trị như Thượng Hải, như Trùng Khánh. Trung Cộng đã chấp nhận cho Hong Kong vẫn thuộc nước Tàu nhưng được giữ nguyên hệ thống hành chánh, tư pháp, kinh tế, tài chánh, gọi là “nhất quốc lưỡng chế.” Đặc biệt, dân Hương Cảng vẫn giữ các quyền tự do dân sự mà họ đã được hưởng dưới chế độ thuộc địa với hệ thống tư pháp độc lập và một guồng máy hành chánh thanh liêm. Đổi lại, dân Hong Kong và đô la tiếp tục bỏ tiền vào lục địa làm ăn. Các ngân hàng và công ty Trung Quốc có thể dùng thị trường Hong Kong làm kho hàng trước khi xuống tàu xuất cảng; làm nơi thu đô la, đi vay tiền, trao đổi hoặc đầu tư, và là nơi học hỏi các kỹ thuật, khoa học, phương pháp quản lý của Tây phương.

Nhờ chiến thuật của Đặng Tiểu Bình cho nên Thẩm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh và Quảng Châu thu hút được tiền đầu tư và các cơ sở ngoại quốc vào làm ăn. Các thành phố lớn trong lục địa phát triển mạnh thì vị thế tương đối của Hong Kong đi xuống.

Trong thập niên 1990 kinh tế Hương Cảng lớn bằng 27 phần trăm sản lượng của cả Trung Quốc. Năm nay, còn chỉ còn bằng dưới 3% và tiếp tục xuống thấp hơn sau những cuộc biểu tình năm ngoái. Năm 2019 Hong Kong đứng hàng thứ ba trong danh sách các “trung tâm tài chánh quốc tế,” sau New York và London. Năm nay đã tụt xuống hàng thứ sáu, sau Tokyo, Thượng Hải và Singapore; Bắc Kinh xếp hạng bảy.

Dù bị dân Hong Kong phản đối bằng thái độ lạnh lẽo tẩy chay, ngay ngày hôm sau, 2 tháng Bảy, Trung Cộng đã bổ nhiệm hai chức vụ mới để thi hành “Quốc gia An toàn Pháp.”

Bắc Kinh phong Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) làm “thự trưởng” đứng đầu “Bảo Vệ Quốc gia An toàn Công thự,” là một tín hiệu không lành. Trịnh Nhạn Hùng đã nổi tiếng hung dữ từ năm 2011 khi chỉ huy cuộc đàn áp xã Ô Khảm khi dân chúng nổi lên đòi lại đất ruộng bị cưỡng chiếm, giống như dân Đồng Tâm ở Việt Nam. Nhờ hành động tàn bạo ở Ô Khảm, Trịnh Nhạn Hùng đã thăng quan tiến chức, lên làm bí thư tỉnh Quảng Đông.

Người thứ nhì là Lạc Huệ Ninh (Luo Huining), trước đây phụ trách “văn phòng liên lạc” với Hong Kong, sẽ đóng vai “Quốc gia an toàn sự vụ cố vấn” cho bà Lâm Quách Nguyệt Nga, Carrie Lam, trong Ủy ban Bảo Vệ Quốc gia An toàn mới lập. Lạc Huệ Ninh nói gì chắc bà “hành chánh trưởng quan” cũng gật đầu!

Dùng kế Sát Kê Hách Hầu, Tập Cận Bình không ngần ngại bóp cổ con “Gà” Hong Kong. Ông ta nhắm hăm dọa những con “Khỉ” nào?

Các nước miền Đông và Đông Nam Á không phản đối mạnh mẽ như các nước Âu, Mỹ. Thủ Tướng Nhật Abe Shinzo đã từ chối không ký chung một thông điệp, cùng Mỹ, Anh, Úc và Canada cảnh cáo Trung Cộng, trước khi Luật An Toàn Quốc gia ra đời. Chuyến đi thăm Nhật Bản của Tập Cận Bình vào tháng Tư bị hoãn vì bệnh dịch, nhưng chiến thuyền Trung Cộng vẫn diễu võ khiêu khích hàng ngày ở quần đảo Senkaku.

Không riêng gì thủ tướng Nhật, Thủ Tướng Anh Boris Johnson sau khi than phiền về đạo luật mới của nước Tàu cũng chỉ hứa sẽ cho dân Hong Kong được tị nạn dễ dàng. Thủ Tướng Đức Angela Merkel cũng chỉ nói bà “lo lắng” về tính chất tự trị của Hong Kong. Nói chung, người ta công nhận Hong Kong trước sau vẫn thuộc Trung Quốc, đạo luật an ninh quốc gia là chuyện nội bộ của họ với nhau!

Dư luận Mỹ phản ứng mạnh nhất. Quốc hội Mỹ đã thông qua hai đạo luật mới trước khi đạo luật An ninh Quốc gia của Bắc Kinh ra đời. Mỹ sẽ “trừng phạt” bằng cách đối xử với các công ty và ngân hàng Hong Kong không khác gì các công ty Trung Quốc, vì xứ này không còn tự trị nữa. Theo Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong thì một phần tư trong số 1.300 công ty Mỹ hoạt động ở đó đang tính sẽ di chuyển đi nơi khác. Nhật Bản có 1.400 công ty đặt cơ sở tại Hong Kong, với 26.000 dân Nhật thường trú không phản ứng như vậy.

Phản ứng của giới kinh doanh và đầu tư địa phương cho thấy họ không lo ngại kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày 23 tháng Sáu, Công ty S&P ở Mỹ xác định không hạ thấp điểm tín dụng (credit rating) của Hong Kong; nói rõ rằng việc áp dụng luật an ninh quốc gia mới sẽ không ảnh hưởng tới giao dịch thương mại giữa Hong Kong và Mỹ, sẽ không gây tai hại cho sự phát triển kinh tế tài chánh của lãnh thổ này!

Có lẽ vì thế nên ngày 2 tháng Bảy, Thị trường Chứng khoán Hong Kong mở cửa sau khi Đạo luật An toàn Quốc gia ra đời giữa những tiếng phản đối ồn ào khắp thế giới, Chỉ số Hang Seng (Hằng Thịnh) đã tăng lên gần 3 phần trăm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Trung Cộng chỉ nhắm ngăn chặn phong trào đòi tự trị, còn mọi việc kinh doanh sẽ không có gì thay đổi. Phó Thủ Tướng Lưu Hạc đã trấn an họ rằng Trung Cộng sẽ tiếp tục bảo vệ vai trò một “trung tâm tài chánh quốc tế” của Hong Kong.

Những thương gia địa phương vẫn giữ quan hệ mật thiết với Bắc Kinh tỏ ra tin lời ông Lưu Hạc, người thường được Tập Cận Bình cử đi Mỹ thương thuyết. Nhà tỷ phú giầu nhất xứ, ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), nói rằng mọi người không nên diễn giải quá đáng về các hậu quả xấu trên nền kinh tế.

Trung Cộng có thể chỉ bóp cổ con gà Hong Kong mà không giết! Bóp cổ, tức là ngăn chặn phong trào đòi độc lập của giới thanh niên Hương Cảng! Và họ đã thành công. Những nhóm thanh niên tổ chức biểu tình từ năm ngoái đã tuyên bố tự giải tán, để tránh không vi phạm đạo luật cấm những hành động “phản loạn” chống chính quyền, đòi độc lập, và thông đồng với nước ngoài; mặc dù sẽ không “hỏi tội” các hành động trước khi luật mới được ban hành.

Nhưng đạo luật An toàn Quốc gia còn rất mơ hồ khi nói đến những tội “phản loạn!”

Ngày 2 tháng Bảy, phát ngôn viên chính quyền Hong Kong nói rằng khẩu hiện “Quang Phục Hương Cảng – Thời đại Cách Mạng” mà sinh viên thanh niên vẫn hô hào từ năm qua sẽ bị cấm vì có tính chất “phản loạn,” đòi độc lập.

Nhưng nhiều luật gia, từ ông chủ tịch Luật sư đoàn Hong Kong cho tới một số nghị viên thân Bắc Kinh tỏ ra nghi ngờ lối giải thích đó. Hô hào “Quang Phục Hương Cảng” có phải là đòi tách thành phố ra khỏi Trung Quốc hay không?

Hai chữ “Quang Phục” có thể hiểu là “giải phóng,” nhưng không nhất thiết có nghĩa là đòi ly khai và độc lập! Hai chữ này chỉ nặng nề vì từ năm 1950 Thống chế Tưởng Giới Thạch mỗi năm vẫn hô hào “Quang Phục Lục địa!” Và năm 2016, một ứng cử viên, với chủ trương đòi tự trị, đã dùng khẩu hiệu “Quang Phục Hương Cảng” khi tranh cử vào hội đồng thành phố.

Cuối cùng, dân Hong Kong được tự do hô khẩu hiệu “Quang Phục Hương Cảng – Thời đại Cách Mạng” hay không sẽ do tòa án quyết định! Cho nên cả thế giới sẽ theo dõi xem Bắc Kinh vẫn còn tôn trọng truyền thống tư pháp độc lập của Hong Kong hay không!

Nếu ông Lưu Hạc nói đúng ý của Bắc Kinh, là muốn tiếp tục duy trì Hong Kong như một “trung tâm tài chánh quốc tế” thì họ sẽ không can thiệp trắng trợn vào ngành tư pháp. Không phải vì họ sợ sệt gì ai, nhưng bởi vì họ không cần can thiệp nhiều hơn nữa! Nếu nền tư pháp ở đó bị nghi ngờ là không còn độc lập, thì cả thế giới tài chánh, ngân hàng quốc tế sẽ lánh xa vì không cảm thấy đồng tiền của họ được an toàn nữa.

Mặc dù vị thế tương đối của Hong Kong đã xuống thấp nhưng Bắc Kinh vẫn cần “trung tâm tài chánh quốc tế” này. Các xí nghiệp trong lục địa vẫn cần cánh cửa mở này để gây vốn và bán hàng. Hong Kong vẫn là nơi thu hút nhiều tiền đầu tư vào lục địa nhất, vì người ta tin tưởng vào nền tư pháp ở đó, không dám tin vào các tòa án ở Thượng Hải hay Thẩm Quyến. Một nửa số vốn đầu tư của nước Tàu đổ ra nước ngoài hiện vẫn đi qua cửa Hong Kong. Bắc Kinh sẽ không có lợi gì khi phá địa vị độc đáo của Hong Kong.

Thực ra thì Tập Cận Bình không quan tâm đến dư luận thế giới bao nhiêu. Trước đây đã nhiều lần Bắc Kinh bị cả thế giới lên án, về chính sách của họ đối với dân Tây Tạng, Tân Cương, nhất là sau cuộc tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, cuối cùng công việc làm ăn vẫn tiếp tục.

Vậy tại sao Tập Cận Bình lại phải lăm le bóp cổ con gà Hong Kong với đạo luật an ninh mới? Tập muốn dọa những con khỉ nào?

Có lẽ Tập Cận Bình muốn nhắm vào những con khỉ ngay trong sở thú của mình, là người dân lục địa Trung Hoa!

Dân Trung Quốc đang bất mãn. Nền kinh tế đã bắt đầu chậm lụt trước khi cơn đại dịch Covid-19 từ Vũ Hán lan ra khắp thế giới. Khi kinh tế cả thế giới ngưng trệ vì con virus Vũ Hán thì các công ty Trung Quốc sẽ khó bán hàng, nhiều người sẽ thất nghiệp. Năm nay, lần đầu tiên đảng Cộng sản Trung Quốc đã không dám loan báo chỉ tiêu phát triển kinh tế.

Chính vì phải lo trấn áp người dân trong lục địa mà Tập Cận Bình đã gây ra những xung đột mới tại biên giới Ấn Độ. Thủ Tướng Ấn Narendra D. Modi đã bắt thóp được chỗ nhược của Tập Cận Bình là mối lo kinh tế nước Tàu lung lay, cho nên ông đã trả đũa bằng những đòn kinh tế: Cấm dân Ấn Độ sử dụng gần 60 ứng dụng (app) trên mạng phát xuất từ Trung Quốc!

Tập Cận Bình dùng đạo luật an ninh tại Hong Kong cũng để đe dọa và ngăn chặn dân trong nước không được bắt chước thanh niên, sinh viên Hương Cảng.

Người dân trong lục địa suốt năm qua theo dõi các phong trào xuống đường ở Hong Kong cũng đang tự hỏi tại sao họ không được hưởng những quyền tự do biểu tình, tự do phát biểu, hô khẩu hiệu như dân Hong Kong?

Đó chính là những con khỉ dần “hách,” khi Tập Cận Bình ra tay chẹt cổ người dân Hương Cảng theo kế Sát Kê Hách Hầu!

Ngô Nhân Dụng

Nguồn: VOA

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.

Việt Nam sẽ trải qua cuộc chính biến trong thời gian tới?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ từ chức hay không sau khi trợ lý thân tín Phạm Thái Hà bị bắt? Tình hình chính trị Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới khi thượng tầng chính trị đang rối loạn? Liệu cuộc sát phạt giữa hai phe trong đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ khiến nền kinh tế, chính trị trong nước bất ổn? Và làm sao để có được nền tự do dân chủ cho Việt Nam…

Đó là những vấn đề được phân tích sâu hơn trong hội luận của RFA, mời quý vị cùng theo dõi: Ông Lý Thái Hùng – Chủ tịch Đảng Việt Tân và Luật sư Vũ Đức Khanh – Tổng Thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam.

Tại sao Tập và Biden chọn gửi thông điệp về Đài Loan vào cùng một ngày?

Gần chín năm sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bắt tay nhau một lần nữa tại Bắc Kinh hồi tuần trước.

Hôm đó là ngày 10/04/2024, và trong cùng ngày tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Nhà Trắng.

Phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các cuộc thảo luận chính trị này được tổ chức trong cùng một ngày ở hai bên bờ Thái Bình Dương?

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Việt Nam giải thích về 24 tỷ USD cứu SCB, chuyên gia nói ‘thuốc chữa bệnh’ quan trọng hơn ‘thuốc bổ’

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 19/4 lên tiếng nói rằng việc “bơm tiền” quy mô lớn là để cứu cho Ngân hàng SCB không sụp đổ, không làm ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia và sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của VOA cho rằng khoản bơm hàng chục tỷ đô la trên chỉ là liều “thuốc bổ,” tạm thời hồi sức cho một bệnh nhân đang lâm trọng bệnh, biện pháp tái cơ cấu được giám sát chặt chẽ và minh bạch mới là liều thuốc chữa bệnh cho SCB và cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.